Nhân viên trễ nải công việc, năng lực sản xuất kinh doanh của các công ty sụt giảm, khiến nền kinh tế Anh có thể thiệt hại 7,3 tỷ USD sau đại tiệc bóng đá thế giới năm nay.
|
Báo cáo của InsideView được thể hiện dưới dạng đồ họa. Nguồn: InsideView |
InsideView, hãng chuyên thu thập và xử lý dữ liệu về sản xuất kinh doanh của Mỹ, vừa công bố báo cáo đánh giá tác động của World Cup 2010 tới các ngành sản xuất kinh doanh thế giới, dựa trên các nguồn số liệu của Bloomberg, FIFA, Nelson...
Bản báo cáo này được thể hiện dưới dạng đồ họa, cho thấy 64 trận cầu diễn ra trong một tháng có thể thu hút 5,9 tỷ lượt người xem qua tivi. Trung Quốc đóng góp lượng khán giả đông đảo nhất, với gần 4 tỷ lượt. Trung bình mỗi trận có khoảng 95 triệu lượt người trên khắp hành tinh theo dõi, trong đó 65% là cánh mày râu.
|
Trung Quốc đứng đầu về lượng khán giả xem World Cup qua truyền hình. Kế đó là Brazil và Đức. Nguồn: InsideView |
Quá nhiều người mất ăn mất ngủ và trễ nải công việc vì bóng đá, nên hoạt động sản xuất kinh doanh cũng bị ảnh hưởng phần nào. Tại Mỹ, nơi trước đây bóng đá không phải là môn thể thao vua, InsideView tính toán một tháng World Cup có thể làm giảm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 121 triệu USD. Con số thiệt hại với nền kinh tế Anh, nơi có nền công nghiệp bóng đá phát triển hàng đầu thế giới, thậm chí còn lên đến 7,3 tỷ USD.
|
World Cup là bữa tiệc bóng đá xa xỉ, tiêu tốn thời gian và tiền bạc của nền kinh tế thế giới. Nguồn:InsideView |
Theo AP, các doanh nghiệp Nam Phi cũng phải tìm cách xoay sở khi nhân viên mải cuốn theo các trận cầu. Lần đầu tiên World Cup diễn ra ngay trên quê hương mình, các ông chủ trở nên dễ tính hơn và rộng lượng cho phép nhân viên xem bóng đá trong giờ làm việc.
"Bất cứ khi nào có thể, nhất là lúc đội tuyển Nam Phi thi đấu, các ông chủ đều cho phép nhân viên về sớm nếu có nhu cầu. Vài công ty thậm chí còn dựng tivi màn hình rộng và tổ chức cho nhân viên xem ngay tại văn phòng", ông Gert van Deventer, phát ngôn viên Liên đoàn Giới chủ Nam Phi, cho biết.
Kể cả khi Nam Phi bị loại sau vòng một, một số công ty vẫn cho phép nhân viên tranh thủ xem tivi trong giờ làm. Tuy nhiên, theo ông Van Deventer, hết trận đấu, họ lại phải quay về làm việc như thường.
|
Không ít người sẵn sàng quên công việc vì bóng đá. Nguồn: InsideView |
Trong một cuộc khảo sát gần đây của InsideView, 26% người tham gia cho biết sẽ tranh thủ giờ làm để xem bóng đá. 17% lên kế hoạch làm việc ngắn ngày hơn, trong khi 6% định tận dụng số ngày nghỉ phép cho mùa World Cup. Khoảng 3% người tham gia khảo sát tiết lộ sẽ lấy lý do ốm để xin nghỉ ở nhà xem bóng đá.
Thống kê của InsideView cho thấy tổng thời lượng mà các kênh phát thanh truyền hình ở 214 nước và lãnh thổ đã dành cho World Cup 2006 lên đến 73.072 giờ. Nếu tất cả thời lượng này dồn vào một kênh, người ta phải mất hơn 8 năm phát sóng không ngừng nghỉ. (xem thêm) |