CHUYÊN MỤC
ĐỒNG TÂM
LỊCH ÂM DƯƠNG
LIÊN KẾT WEBSITE
Thông tin Đồng Tâm » Những Mảnh Đời Bất Hạnh  » Chi tiết
 
Đâu hởi tiếng Mẹ ru ?
Cầu bắc qua nơi các bé yên nghỉ đã sập rồi. Chiếc thuyền nhỏ chao đảo trên dòng sông cuồn cuộn chảy. Gió mưa trái mùa gào thét tạt ướt khách qua sông và sũng cả những sinh linh trong hũ sành nhỏ bé...

Nghĩa trang không bia mộ

TTCN - Cầu bắc qua nơi các bé yên nghỉ đã sập rồi. Chiếc thuyền nhỏ chao đảo trên dòng sông cuồn cuộn chảy. Gió mưa trái mùa gào thét tạt ướt khách qua sông và sũng cả những sinh linh trong hũ sành nhỏ bé...

     Ông già lom khom cố gắng xoay xở tấm áo mưa che chở cho các bé, rồi nói với tôi: “Chúng tôi gọi đây là "dòng sông vĩnh biệt!".

      Con thuyền lắc lư mãi rồi cũng cập được bến đò ngang Hòn Thơm. Chúng tôi len lỏi trên con đường mòn lô xô cỏ, đá. Nghĩa trang nằm cô quạnh giữa lưng chừng núi, quay mặt về phía thành phố Nha Trang. Cơn mưa trái mùa tầm tã mãi rồi cũng tạnh. Mặt trời cuối ngày trồi khỏi đám mây đen, hắt nắng vàng vọt lên những nấm mồ lơ thơ nhỏ xíu...

Chiều cuối cùng

     Ông già Lê Quang Lý dặn mọi người giữ im lặng. Nghi lễ tiễn đưa cuối cùng thiếu vòng hoa, kèn trống và cũng không một giọt nước mắt người ruột thịt. Mười sinh linh nhỏ bé trong mười hũ sành được cẩn thận đặt trên bệ thờ đơn sơ bằng đá. Những nén hương được thắp lên. Khói hương bảng lảng bay theo gió núi và lời cầu nguyện. Ông Lý, ông Mỹ, anh Phúc, chị Kim... đứng lại gần bệ thờ hơn.

     Hình như nhóm thiện nguyện muốn lấy chút hơi ấm của mình để sưởi cho các bé lần cuối cùng trong buổi chiều lạnh lẽo. Không có tiếng khóc nào bật ra cửa miệng, nhưng trong khoảnh khắc lặng lẽ này tôi có thể cảm nhận sự nghẹn ngào trong từng ánh mắt đau đáu. Chiều nay, trong các bé vô danh chuẩn bị về mộ núi có một bé đã tượng hình đầy đủ. Anh Tống Phước Phúc lại một lần nữa lấy họ mình đặt tên cho bé. Anh thủ thỉ gọi bé là con, rồi lặng lẽ bê hũ sành đặt xuống hố huyệt đã đào sẵn.

    Gió núi lạnh lẽo lại ào ào gào thét. Lá khô và tàn nhang rơi rụng lõa xõa trên nghĩa trang... Từng bé, từng bé dần dần được đặt nằm liền nhau trên một hàng huyệt mộ. Khi những nắm đất đầu tiên được rải lên, trời bất chợt lại trở mưa. Nhìn những nấm đất nhỏ xíu lở lói trong màn mưa nặng hạt, mọi người nuốt tiếng khóc vào trong, đứng lặng lẽ dụi mắt. Họ đã khóc và hình như ông trời cũng khóc trên mặt người! Tối chập choạng phủ bóng nhanh trên núi, vẫn chưa ai chịu về.

     Mọi người còn nán lại để quét dọn lá khô và thủ thỉ với những nấm mồ được đặt tên mình. Cuối nghĩa trang, nhiều huyệt đã được xây sẵn. Tuy nhiên, ông Lý bảo tôi chắc chỉ vài hôm nữa sẽ đầy thôi. Bé thơ đầu tiên mới được đưa về đỉnh núi này cách đây hơn một năm, nhưng đến giờ đã lên đến 3.574 nấm mồ. Tất cả các bé dù đã tượng hình hay chưa đủ hình hài đều được nhóm thiện nguyện đưa về từ các nhà hộ sinh, bệnh viện, kể cả bãi rác đường phố. Một số ít trong đó là thai bị chết lưu trong bụng mẹ, nhưng hầu hết đều đã được quyết định không cho ra đời.

     Và cả mười bé chiều nay đều có số phận như thế. Anh Phúc ngậm ngùi kể ba bé đã được những người chạy xe ôm, nhặt ve chai chuyển đến. Các bé còn lại do chính anh và các bạn thiện nguyện nhặt về chỉ trong một ngày. Trong đó có một bé anh nhặt được trên bãi biển. Manh giấy báo sơ sài gói bé đã tả tơi trong sương lạnh qua đêm và những con sóng xô dạt bờ cát. Thi hài bé cũng đã chuyển màu tím đen như đất đá.

     Anh Phúc gạt nước trên đôi mắt sũng ướt, tâm sự với tôi: mọi người ở đây đều đau đáu mong mỏi những nấm mồ được đặt tên người ruột thịt, nhưng đến nay mới chỉ có hai nấm mồ có đánh dấu. Hai nữ sinh viên quê tận miền Bắc, đang học ở thành phố Nha Trang, không dám cho con ra đời đã đến bệnh viện giải quyết, rồi quấn bọc nilông ôm thai nhi đã lớn của mình đến gửi nghĩa trang này.

      Hai cô gái khóc ngất khi rải nắm đất cho con, nhưng vẫn không đủ dũng cảm lấy tên mình hay tên người cha giấu mặt nào đó đặt cho con trên bia mộ. Những người thiện nguyện chứng kiến chuyện này rất buồn, nhưng rồi tự an ủi dù sao bé thơ nằm đó cũng không quá lạnh lẽo. Hầu hết nấm mồ đều không tên tuổi và không có một người thân nào tiễn đưa hay viếng thăm, nhỏ nước mắt dù chỉ một lần!

       Vừa rồi, chỉ có một bà mẹ sinh viên và bạn trai (có lẽ cha bé) là người thân đầu tiên ghé lại cắm nén nhang trong ngày giỗ con. Cả nhóm thiện nguyện đã gạt nước mắt vì mừng tủi lẫn lộn! Tuy các bé thơ yên nghỉ ở đây đều giống nhau ở nấm mồ gạch đơn sơ, nhưng nhóm thiện nguyện vẫn cẩn thận đánh số ký tự và ghi nhật ký chi tiết ngày giờ, nơi tìm được bé. Bởi họ vẫn hi vọng một ngày nào đó cha mẹ các bé sẽ quay lại tìm con mình...

Cha mẹ của hàng ngàn đứa con

Anh Phúc với bốn đứa con nuôi của mình

     Tìm đến nghĩa trang này, tôi không khó khăn lắm để chứng kiến một buổi tiễn đưa cuối cùng vì ngày nào cũng có chuyện buồn đó, nhưng phải tâm sự thật nhiều mới được nghe những người thiện nguyện bày trải lòng mình. Họ nói rằng chỉ là những việc “nhỏ bé âm thầm” thôi và tất cả đều đã nhận làm cha mẹ cho 3.574 bé thơ ở đây.

      “Biết rằng cũng không thể còn làm được gì cho các bé, nhưng chúng tôi nghĩ rằng dù sao các bé cũng được an ủi phần nào!”. Họ đã quyết định chọn ngày 13-7 làm ngày giỗ chung cho các bé. Đó là buổi tất cả các nấm mồ sẽ có một cành hoa, một nén nhang và lời cầu nguyện.

      Năm 2004 cũng vào ngày 13-7 này, anh Phúc đưa vợ đến bệnh viện sinh con. Vợ sinh khó, anh đã thức trắng đêm bên hành lang bệnh viện để căng thẳng và nguyện cầu. Tuy nhiên, khi anh vừa nở nụ cười rạng rỡ nghe tiếng con khóc chào đời thì cũng là lúc anh phải chứng kiến một bé thơ qua đời ngay lúc lọt lòng mẹ. Không hiểu vì vô tâm hay có lý do nào đó, người mẹ bất hạnh đã lặng lẽ bỏ con lại. Anh Phúc đã cười lẫn khóc khi vừa ôm đứa con ấm áp trong lòng vừa nhìn xác bé thơ nằm co quắp lạnh lẽo một mình.

      Trong đầu anh vụt lóe lên một ý tưởng bất ngờ mà cả đời chưa bao giờ nghĩ tới. Thu xếp cho vợ con xong, anh xin bệnh viện được giải quyết cho bé thơ đã qua đời. Anh về nhà, đi khắp vùng ven thành phố Nha Trang tìm đất trống. Nhiều người biết chuyện, cảm thương, định cho đất nhưng lại lấn cấn hàng xóm. Cuối cùng, anh tìm được một bãi đất trên triền núi Hòn Thơm cách trung tâm thành phố Nha Trang chỉ một con sông. Núi đá nhiều hơn đất, anh phải đục đá đến tóe cả máu tay để đào được hố huyệt.

       Bé thơ bất hạnh đầu tiên được nơi an nghỉ, rồi đến bé thứ hai, thứ ba, thứ tư... Nhiều người xúc động giúp đỡ hết mình, nhưng cũng có người ngạc nhiên về cái nghĩa trang tự phát “kỳ lạ” này, kể cả địa phương. Anh phải làm giấy tờ trình bày, rồi chạy tới chạy lui hàng chục lần để tìm sự cảm thông, chấp thuận. Khi chuyện đất đai vừa tạm ổn thì lại gặp lấn cấn với các nhà hộ sinh, bệnh viện. Họ nghi ngờ một người cứ ngày ngày đi xin xác thai nhi.

      Từ tận trái tim mình, anh chân tình bày tỏ hết nguyện vọng, công việc, phương cách chôn cất bảo đảm vệ sinh môi trường. Một số nơi đồng ý, nhưng có nơi vẫn bắt anh phải làm lý lịch có xác nhận “không tiền án, tiền sự”, kể cả giấy khám sức khỏe “thần kinh bình thường”. Dõi mắt nhìn những nấm mồ đang mờ dần trong bóng tối chập choạng, anh trầm ngâm kể với tôi: “Thật lòng, lúc đầu đụng chuyện tôi cũng buồn lắm, bi quan nghĩ rằng sẽ chẳng đi tới đâu. Nhưng sau đó tôi lại rất thanh thản khi ngày càng có nhiều người hiểu và sẻ chia với mình!”.

      Hiện nay, nhóm thiện nguyện làm mẹ cha của các bé thơ ở nghĩa trang này đã lên đến mười người. Tất cả đều bình thường và lặng lẽ như bao người khác trong xã hội. Anh Phúc đang mưu sinh bằng nghề thợ xây, chị Phạm Thị Minh Anh là công nhân, anh Nguyễn Đình Rong làm bún, chị Nguyễn Thị Xuân bán thuốc lá lề đường, vợ chồng ông Lý nuôi tôm, ông Mỹ là công chức về hưu, anh Phú là thợ điện...

      Hầu hết họ đều tình cờ biết chuyện, tìm đến nhau, rồi phát tâm cùng làm việc. Chị Xuân không chồng con, bán thuốc lá nuôi cha mẹ già. Chiều chiều, chị lên nghĩa trang quét dọn, rồi thủ thỉ với các nấm mồ bé thơ như tâm sự với chính con mình. Còn ông Mỹ bỏ bàn cờ tướng giết thời gian để đi nhặt nhạnh các thai nhi xấu số. Ông ưu tư: “Tôi đã trải qua gần hết cuộc đời, nếm đủ buồn vui thế thái nhân tình, nhưng nhiều lúc cũng không cầm nổi nước mắt!”.

      Đốt nén nhang cuối cùng cắm lên bệ thờ, người công chức về hưu này bặm môi nuốt tiếng khóc vào trong, kể: “Tôi và bạn cùng nhóm đã bao lần phải nhặt thai nhi từ bãi rác, thậm chí trong bọc nilông treo trên bờ rào, cuộn giấy báo ngoài hè đường, bãi biển. Thai nhi chưa tượng hình còn đỡ, nhiều bé đã đủ chân tay, đầu tóc bị kiến bu, thậm chí chó mèo gặm dở dang...”. Tôi thần người, lặng lẽ nhìn người đàn ông lớn tuổi khóc không thành tiếng. Giọt nước mắt rơi xuống bệ thờ, vỡ ra rồi nhòe đi trong bóng chiều chập choạng...

Bé ơi đừng khóc nữa...Đâu hởi tếng Mẹ ru...

     Theo thời gian, công việc lặng lẽ của những người lặng lẽ ngày càng được nhiều người biết đến. Có phòng hộ sinh chuẩn bị sẵn cả bao cho cuối ngày họ đến nhận. Có những bà mẹ lặng lẽ bọc xác bé trong chiếc khăn tìm tới. Thậm chí cả những người mới chỉ quyết định không cho con mình ra đời cũng “xin một chỗ” trước khi vào phòng kế hoạch hóa gia đình, mặc dù họ dứt khoát không để lại danh tánh cho thai nhi xấu số có một mộ bia đàng hoàng...

     “Nhiều ngày nghĩa trang này phải đầy thêm hàng chục mộ mới...” - Phúc buồn buồn tâm sự, nhưng anh cũng cho biết bên cạnh việc nghĩa tận, họ cũng có niềm vui rất lớn khi cứu sống được nhiều bé thơ. Ngoài việc họ trực tiếp tìm đến các bà mẹ đang dùng dằng có cho con ra đời hay không, thì những bác xe ôm hay chị tiểu thương, cô y tá cũng là những nguồn tin cho họ biết đang có những sinh linh cần phải cứu.

     Phúc kể anh và các bạn là cha của hàng ngàn đứa con đã qua đời, nhưng cũng là cha của hàng chục bé thơ đang sống. Hôm tôi đến, nhà anh vẫn đang nuôi một cô gái quê Bến Tre. Trước đó, cô mang thai gần năm tháng đến bệnh viện xin phá, may có người biết anh Phúc đã gọi điện báo. Anh bỏ dở việc, đội mưa tầm tã đến tìm cô gái. Ngồi trước một người sắp làm mẹ đang suy sụp tinh thần, anh chỉ nhẹ nhàng khuyên:

     “Hủy thai lớn thế này chắc nguy hiểm lắm. Thôi, nếu em khó khăn các anh sẽ giúp đỡ cho đến lúc mẹ tròn con vuông. Các anh hứa nếu em không nuôi được bé, các anh sẽ nuôi cho đến bất cứ lúc nào em đủ điều kiện nhận lại”. Cô gái gạt nước mắt cảm ơn, tá túc dưới mái nhà anh Phúc để giữ lại con. Một bé trai kháu khỉnh đã chào đời và bú cả bầu vú mẹ lẫn vợ anh Phúc. Có lần người mẹ trẻ này kể vì gia đình chồng không chấp nhận nên cô định hủy con. Phúc tâm sự anh không quan tâm chuyện thế nào, chỉ thương đứa bé vô tội và nó cũng xinh yêu như con anh.

     Hiện Phúc còn đang là cha của bốn bé được mẹ cho ra đời nhưng không thể thực hiện chức trách mẫu tử. Một cô mù chữ, dính bầu đã sáu tháng trong lúc đi chăn bò với bạn trai ở miệt quê nghèo khó. Một em mới học lớp 10. Một bà thì ở vỉa hè, sống vất vả bằng nghề lượm rác, không thể nuôi thêm đứa con thứ ba không cha...

      Có người mẹ quá khó khăn, anh chủ động tìm gặp. Có người âm thầm đến gửi con cho anh. Anh nhận nuôi rồi viết giấy cam kết sẽ trả lại con không điều kiện bất cứ lúc nào họ quay lại. Nhưng đến nay bóng họ vẫn biền biệt! Không nỡ để bé vô danh, anh đã đặt cho các tên là Vinh, Trường, Lộc, Tâm và tất cả đều mang họ Tống của anh. Tình thương của anh cùng các bạn thiện nguyện và những tấm áo, hộp sữa của anh xe ôm, chị tiểu thương nghèo khó mang đến đã giúp các bé ngày ngày lớn lên trong ấm áp.

       Cho đến nay Phúc và các bạn có thể biết chính xác từng nấm mồ sinh linh ở nghĩa trang, nhưng không thể nhớ hết nổi đã cứu sống được bao nhiêu bé thơ. Anh kể nhiều lần đã dẫn chính các cô gái định hủy con đến nghĩa trang này. Anh muốn họ thấy thực tế lạnh lẽo. Nếu các bé nằm ở đây có linh hồn, thì anh cũng muốn các linh hồn trong trắng đó nguyện cầu cho các bé thơ khác đang trong bụng mẹ được chào đời.

                            

        Thế rồi, nhiều cô đã ngồi gục đầu suy tư, nhiều cô đã bật khóc, để cuối cùng hầu hết đều quyết định giữ lại con mình. Đó cũng là khoảnh khắc niềm vui hiếm hoi lướt trên nghĩa trang không bia mộ này. Và những người thiện nguyện lại âm thầm thủ thỉ bên các nấm mồ nhỏ xíu: “Bé ơi đừng khóc nữa!”...Đâu hởi! tiếng Mẹ ru?..các con chưa một lần được khóc trong vòng tay ấm áp của mẹ hiền yêu dấu cùng lời ru ngọt ngào trìu mến...và chưa bao giờ được mang cái tên của một kiếp người... Mãi mãi chưa một lần được nghe, được cảm nhận với cuộc sống nầy sự rung động bởi âm hưởng của con tim và tâm hồn cùng thắm tình huyết thống thiên liêng rộng mở : "Hỡi Con yêu ơi...của Ba Mẹ!"... có lẻ đó là luật vô thường của kiếp sinh linh...(Xem thêm 1, Xem thêm 2)

                                                                                                                              TH

 Địa chỉ và điện thoại của anh Tống Phước Phúc: 56/3 Phường Sài, Nha Trang; điện thoại: 0913444016

 

Các thông tin cùng loại này
» Cô bé mồ côi hái rau muống nuôi mẹ tâm thần
» Nhịp cầu nhân ái
» Làng mù
»  Những người khác thường vẫn sống… bình thường
» Một nữ sinh cụt hai tay giàu nghị lực
» 3.000 người bỏ nhà vào hang đá
» Nạn đói tái xuất hiện ở Niger
»  Đìu hiu xóm rác
» Tuổi thơ bị đánh cắp - Những cánh chim rừng ngược gió
» Mặt trái của World Cup Nam Phi!
» Kinh tế thiệt hại hàng tỷ USD vì World Cup 2010
»  Một em gái bị đầy đoạ, nhục hình suốt 10 năm
» Một bé trai bị chủ trại tôm giống hành hạ dã man
» Nỗi đau da cam trên những em bé Việt Nam
» Những đứa trẻ không có ngày tết thiếu nhi
» Nước mắt Haiti
» Haiti tuyệt vọng chờ cứu trợ
» Hơn 100 người chết trong bão lũ
» Những đứa trẻ mồ côi sau bão lũ
» Nghĩa trang không bia mộ
  1  2  Trang Tiếp
 

CÔNG TY KHOA HỌC NĂNG LƯỢNG TÂM THỨC TOTHA
245 Trịnh Đình Trọng, P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM, VN - ĐT0909777929 - 0908883380 - 0909631630 - 0914359159 - Email:   phapluantotha@gmail.com

Copright 2009 www.totha.vn,
All rights reserved

Lượt truy cập: 16197643
Đang online : 10