Nhiều trẻ làm việc ở bãi rác Govandi, Mumbai thay vì tới trường
(CATP) TRẺ ĐƯỜNG PHỐ Ở KABUL
Một ngày của cô bé Nargis (10 tuổi) bắt đầu bằng cách đi gõ cửa hết nhà này sang nhà khác trên đường phố thủ đô Afghan từ lúc 6 giờ sáng để xin bánh mì. Nhưng cũng có ngày em chẳng xin được gì vì có những đứa trẻ khác giống như em đã đi trước.
Trong xã hội Afghan, để một đứa trẻ tuổi teen lang thang xin ăn trên đường là một điều nhục nhã, nhưng em không thể làm khác khi người cha không thể làm việc. Ông ta là một con nghiện ma túy. Nargis chỉ là một trong hàng ngàn đứa trẻ đường phố ở Kabul. Sinh ra trong một đất nước chiến tranh liên miên và nền kinh tế với kinh doanh thuốc phiện chiếm ưu thế, bọn chúng sớm mất cha không vì bạo lực thì cũng vì ma túy. Ngay từ lúc sinh ra, những đứa trẻ Afghan giống như Nargis đã gánh trên vai tất cả những di sản tồi tệ nhất của chiến tranh.
TỪ BÃI RÁC TỚI LỚP HỌC
Khu ngoại ô Govandi ở Mumbai (còn gọi là Bombay) là nơi chứa rác duy nhất của thành phố này. Ở đó, bọn trẻ vừa chơi đùa vừa làm việc, vô tư dưới ánh nắng cháy da và mùi hôi thối của rác rưởi. Theo số liệu từ BBC, có khoảng 8 triệu trẻ không đến trường ở khắp Ấn Độ. Trong đó riêng ở Govandi, có hơn 1.500 em như vậy.
Ở Govandi, nhiều em đang phải tự mưu sinh bằng cách đi bới rác để kiếm từ 1 đôla đến 6 đôla mỗi ngày. “Đây là số tiền đáng kể”, một nhà hoạt động xã hội ở Ấn Độ cho biết như vậy.
Nhà hoạt động Mangal More nói rằng nhu cầu kiếm tiền đã đẩy nhiều trẻ ra khỏi lớp học.
VÀ NHỮNG ĐỨA TRẺ BỊ BỎ QUÊN Ở ZIMBABWE
Có hai câu chuyện ở Zimbabwe. Đầu tiên là về hai đứa trẻ tên Michelle và Grace. Chúng sống cùng cha, ông Joseph. Joseph mơ tiết kiệm tiền đủ để trả học phí cho con, nhưng giờ đây cả ba người làm việc suốt ngày bằng cách đào xương từ bãi rác đem bán lấy chút tiền còm. Tiếp đó là chuyện của bé gái Esther, người đã chăm sóc mẹ tới lúc bà chết vì Aids, và giờ đây là đứa em trái bé nhỏ Tino. Nhưng kỳ lạ thay em nói: “Giờ chỉ còn chăm sóc Tino đơn giản hơn nhiều”.
Trường hợp của Michelle và Grace hay của Esther không phải là cá biệt ở Zimbabwe ngày nay. Đó là viễn cảnh chung. Trẻ em hiện không chỉ sống trên các đường phố Harare, chúng còn được sinh ra ở đó. Một thế hệ trẻ đường phố thứ hai đang lớn lên.
Và những đứa trẻ này, dù là ở Afghan, Ấn Độ hay Zimbabwe, đều giống nhau ở chỗ chúng không bao giờ biết đến ý nghĩa của ngày Tết thiếu nhi - ngày 1-6 hôm nay như bao trẻ em khác trên thế giới. |