Hơn 100 người chết trong bão lũ
Sau bão số 11, người dân các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên hứng thêm trận lũ lịch sử kinh hoàng khiến con số thiệt hại về người, tài sản liên tục tăng lên. Đến tối 5/11, đã có 110 người chết.
> Miền Trung điêu tàn trong bão lũ / Những miền đất tan thương / Vỡ đập tại Phú Yên, người dân hoảng loạn
Phú Yên là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất về người. Đến 17h ngày 5/11, tỉnh có 68 người chết, 14 người chưa rõ tung tích. Quốc lộ 1A đoạn qua Phú Yên vẫn bị ách tắc. Hiện đường sắt Bắc - Nam đoạn qua tỉnh vẫn bị đình trệ, nhiều đoạn hư hỏng nặng, đất đá vùi lấp, treo ray.
|
Sau trận mưa lũ lịch sử, nhiều căn nhà ở Phú Yên chỉ còn lại những đống đổ nát. Ảnh: Báo Phú Yên. |
Còn tại Bình Định, thống kê của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm cứu nạn tỉnh, bão lũ đã làm 14 người chết, 4 người mất tích, 34 người bị thương, 348 nhà sập hoàn toàn, 4.622 nhà tốc mái, 52.030 nhà bị ngập trong nước. Nhiều trường học hư hỏng, sập đổ, gần 5.000 bộ sách giáo khoa bị ướt, rách…
Ước tính tổng thiệt hại 1.047 tỷ đồng, riêng ngành công nghiệp khoảng hơn 300 tỷ.
Từ tối 4/11 đến sáng nay, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trực tiếp đến Bình Định để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả của cơn bão số 11.
|
Nước ngập lênh láng ở khắp mọi nơi. Người dân dìu nhau tìm nơi an toàn tránh lũ. Ảnh: Báo Bình Định. |
Mưa đã giảm, lũ trên các sông đang rút xuống dưới báo động 1, riêng sông Kôn tại Thạnh Hòa còn ở mức trên báo động 2. Vùng hạ lưu các cửa sông Hà Thanh và sông Kôn nước còn dâng cao. Phía đông các huyện Tuy Phước, Phù Cát nước vẫn ở mức 0,2-0,7m, khiến việc đi lại của người dân vẫn còn rất khó khăn.
Theo Ban phòng chống lụt bão tỉnh Khánh Hòa, đến chiều tối nay đã có 12 người chết, 1 người mất tích và 9 người bị thương. Tổng thiệt hại ước tính là 314 tỷ đồng, trong đó huyện Vạn Ninh chịu thiệt hại nặng nhất, với 210 tỷ đồng. Mực nước các sông hiện xuống dưới mức báo động 1.
|
Chơi vơi giữa dòng nước mênh mông. Ảnh: Minh Thảo. |
Tại Gia Lai, đã có 5 người chết, tuyến quốc lộ 25, đường giao thông liên huyện, liên thôn, liên xã vẫn còn ngập trong nước, 71 làng bản đã bị chia cắt trong nước lũ. Theo đại diện cơ quan phòng chống lụt bão tỉnh, mực nước lũ những ngày qua thậm chí vượt cả đỉnh lũ lịch sử tháng 10/1988 (khoảng 14m). Thiệt hại toàn tỉnh vào khoảng 1.000 tỷ đồng. Trong đó, huyện La Pa thiệt hại nặng nhất, bởi 8/9 xã ngập sâu trong nước, nhiều người dân "trắng tay".
30 tỷ đồng và 20 nghìn tấn gạo vừa được Thủ tướng hỗ trợ hôm nay, tỉnh Gia Lai đã có kế hoạch phân bổ xuống các huyện, giải quyết cái đói cho người dân. Tỉnh cũng chỉ đạo Sở Y tế chuẩn bị thuốc men chữa bệnh cho người dân và phòng tránh dịch bệnh sau lũ. Nước sạch cũng sẽ được chuyển đến vùng ngập, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và đảm bảo vệ sinh, tránh dịch bệnh sau lũ cho người dân.
Tối 5/11, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã đến thăm và kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả bão lũ tại tỉnh Bình Định.
Ngoài 70 tỷ đồng và 3.000 tấn gạo Chính phủ đã hỗ trợ, tỉnh ủy Bình Định cũng đề nghị Trung ương, Chính phủ hỗ trợ thêm khoảng 50 tỷ đồng để hỗ trợ dân sinh, mua giống phục vụ sản xuất, khắc phục hư hỏng hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế... Đồng thời có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại do lũ lụt như: khoanh nợ, giãn nợ, hỗ trợ lãi suất cũng như hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Bộ Y tế cũng đã quyết định cấp cho ngành y tế hai tỉnh: Phú Yên và Bình Định mỗi nơi 30 cơ số thuốc phòng chống bão lụt, 500.000 viên cloramin B và 1 tấn cloramin B bột. Ngoài ra còn yêu cầu Viện Pasteur Nha Trang phối hợp với các đơn vị trực thuộc thành lập ngay đoàn công tác đến hai tỉnh này hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả sau bão số 11, triển khai công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau lũ lụt.
Đến tối 5/11, tổng số người chết ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Ninh Thuận là 109 người, hơn 80 người bị thương. Đại diện Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh Bình Định, Phú Yên cho biết, nhiều người mất tích đến nay (4 ngày sau bão lũ Mirinae) vẫn chưa được tìm thấy nên chuyển tên sang danh sách người chết. Số liệu người thiệt mạng vì vậy tăng cao.
Sáng 6/11, Tổng Bí thư vào thăm và kiểm tra tình hình khắc phục lụt bão tại tỉnh Phú Yên.
Chính phủ đãtrích 225 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2009; xuất 10.000 tấn gạo từ nguồn Dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho một số địa phương khắc phục hậu quả cơn bão số 11.
Trong đó, Bình Định được hỗ trợ 70 tỷ đồng và 3.000 tấn gạo; Phú Yên 100 tỷ đồng và 4.000 tấn gạo; Khánh Hòa 20 tỷ đồng và 1.000 tấn gạo; Ninh Thuận 5 tỷ đồng; Gia Lai 30 tỷ đồng và 2.000 tấn gạo. |
http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2009/11/3BA15599/ |