Tái tạo trạng thái 'xuất hồn'
|
Ảnh: BBC. |
Các nhà khoa học đã có cách để kích hoạt trạng thái 'hồn lìa khỏi xác' ở những người tình nguyện, hiện tượng mà cứ 10 người thì 1 người đã từng trải qua.
Nghiên cứu do hai nhóm khoa học từ Đại học tổng hợp London, Anh và Viện Công nghệ liên bang Thuỵ Sĩ độc lập thực hiện.
Với một số người, kinh nghiệm cận tử hay trạng thái hồn lìa khỏi xác xảy ra ngẫu nhiên, trong khi với những người khác, nó xuất hiện trong những tình huống nguy hiểm mà người đó suýt chết - một trạng thái lâng lâng giống như mơ hay như khi dùng rượu, ma tuý.
Trong nghiên cứu tại Thuỵ Sĩ, những người tình nguyện đứng trước một cái camera trong khi đang đeo một đôi kính hiển thị video. Qua cặp kính này, họ có thể nhìn thấy hình ảnh qua camera của chính mình - một "cơ thể ảo" 3 chiều của chính họ, dường như đang đứng trước mặt.
Khi bị các nhà nghiên cứu dùng bút chì gõ vào lưng, các tình nguyện viên cũng thấy cơ thể ảo của mình đang bị gõ, đồng thời hoặc chỉ chậm hơn chút xíu.
Những người tình nguyện cho biết chính cảm giác gây ra bởi cái bút chì gõ vào chiếc lưng ảo (chứ không phải cú gõ trên lưng thật) khiến họ ngỡ rằng cơ thể ảo của mình mới chính là thật chứ không chỉ là một hiệu ứng thông thường.
Ngay cả khi camera chuyển sang đoạn phim chiếu lưng của một mannequin bị bút chì gõ vào, các tình nguyện viên vẫn cảm thấy như thể mannequin ảo đó mới là thực tại của họ.
Và khi nhóm nghiên cứu tắt video trên kính, hướng dẫn tình nguyện viên bước ngược vài bước, rồi yêu cầu họ bước trở về vị trí ban đầu, các tình nguyện viên đều đi quá mục tiêu này, trở về gần hơn với vị trí của "cơ thể ảo".
Tiến sĩ Henrik Ehrsson, trưởng nhóm nghiên cứu ở Anh, thực hiện thí nghiệm tương tự và phát hiện thấy những người tình nguyện có phản ứng sinh lý - tăng tiết mồ hôi - khi họ cảm thấy cơ thể ảo đang bị đe dọa, như kiểu đang bị búa đánh chẳng hạn.
Các tác giả cho biết phát hiện của họ có thể ứng dụng thực tế, chẳng hạn giúp tạo ra những video game giống thực hơn, khiến các game thủ có cảm giác như đang hoà vào game thực sự. Các bác sĩ cũng có thể phẫu thuật cho bệnh nhân cách xa hàng nghìn dặm bằng cách kiểm soát một robot ảo của chính họ.
T. An (theo BBC |