|
Một người đàn ông rơi vào trạng thái thôi miên trong lễ hội tôn giáo ở Bali. |
(Dân trí) - Trong suốt nhiều năm qua, những thông tin về học sinh, phụ nữ trẻ và công nhân nhà máy đồng loạt rơi vào trạng thái bị thôi miên tập thể, miệng lắp bắp, chân tay cứng đờ đã trở nên quá phổ biến ở quốc gia vạn đảo Indonesia.
Lina, từng là công nhân trong một nhà máy thuốc lá ở Indonesia, cho biết lần đầu tiên bị "linh hồn ác quỷ" chế ngự là năm cô 17 tuổi. “Chị gái của tôi bị trước. Chị ấy hét lên và toàn thân cứng đờ. Chị ấy
không thể cử động được. Sau đó linh hồn ác quỷ đó chuyển sang tôi”, Linan cho biết.
Đầu tháng này, đài truyền hình địa phương Metro TV đã cho phát một đoạn phim 11 học sinh và 5 giáo viên bị thôi miên tập thể trong một trường học ở hòn đảo Sumbawa, miền trung Indonesia. Khoảng 50 nữ công nhân trong một nhà máy may mặc ở Tangerang, gần Jakarta cũng rơi vào trạng thái thôi miên tập thể hồi tháng 6 năm ngoái. Khi bị thôi miên, họ khóc lóc và tự lao người vào mọi thứ.
Với nhiều người, thì hiện tượng thôi miên tập thể trên là do một thế lực siêu nhiên nào đó gây ra. “Ở Indonesia, thôi miên gắn liền với văn hóa”, Lidia Laksana Hidajat, nhà nghiên cứu về hiện tượng bị thôi miên tập thể, tại khoa tâm lý trường đại học Atma Jaya, Jakarta cho biết.
“Chúng tôi biết có những điệu nhảy thôi miên truyền thống ở Bali, nhưng đây đang là thế giới hiện đại. Indonesia đang phát triển rất nhanh. Tuy nhiên, dường như lúc nào cũng có hiện tượng thôi miên xảy ra”.
Rất ít người Indonesia cảm thấy thoải mái khi nói về những lần họ rơi vào trạng thái thôi miên. Lina , giờ đã 23 tuổi, là một trường hợp ngoại lệ. Cô cho biết cô bị chế ngự rất nhiều lần suốt 6 năm qua, và luôn luôn là do cùng một linh hồn ác quỷ ấy. “Mặt của nó giống y chang mặt của linh hồn đã chế ngự chị gái tôi, nhưng cơ thể thì khó có thể nhận biết được. Nó gọi tên tôi, nhưng khi tôi đi theo, nó biến mất”, cô cho biết.
Và cũng theo Lina, hiện tượng bị thôi miên tập thể rất phổ biến ở nhà máy thuốc lá tại Malang, nơi cô từng làm việc.
Báo chí Indonesia cũng đăng tin về hiện tượng thôi miên tập thể trong các công nhân ở nhà máy thuốc lá Bentoel ở Malang, Java, vào tháng 3/2006. Nhà nghiên cứu Hidajat đã phỏng vấn 30 trong số những nữ công nhân bị thôi miên ở đây. “Họ nói với tôi khi hiện tượng đó xảy ra, họ đang ngồi ở trong một căn phòng rất dài, làm việc theo hàng, và cuốn thuốc lá bằng tay. Họ làm việc trong im lặng. Đó là một trong những yếu tố để một người có thể rơi vào trạng thái thôi miên - khi yên tĩnh và khi họ chỉ làm một động tác đơn điệu”.
Đột nhiên, một công nhân thét lên và cơ thể của cô ta cứng đờ. Rồi người bên cạnh cô cũng bắt đầu khóc và không thể cử động được. Những người khác cố gắng giúp, nhưng chính họ cũng bắt đầu bị thôi miên, cứ như một hiệu ứng đô-mi-nô vậy.
Người ta đã mời một vị giáo sỹ Hồi giáo địa phương đến, nhưng những lời cầu nguyện của ông không có tác dụng gì. Cuối cùng những người phụ nữ kiệt sức ấy ngủ thiếp đi. Song khi tỉnh dậy, họ không còn nhớ gì hết.
Tuy nhiên Hidajat kết luận hiện tượng bị thôi miên tập thể là do bị kiệt sức và căng thẳng chứ không phải do những linh hồn ác quỷ chế ngự. Theo bà, có rất nhiều yếu tố giống nhau ở những nạn nhân bị thôi miên mà bà đã phỏng vấn.
“Thường họ là những người rất mê tín và đang có nhiều áp lực. Họ cũng thuộc tầng lớp ít học, nghèo khó, và rất nhiều người trong số họ có tuổi thơ không được hạnh phúc”.
“Tất cả những vũ công nhảy lên đồng mà tôi gặp ở Bali đều có những đặc điểm dễ bị tổn thương như vậy”.
Còn Eko Susanto Marsoeki, giám đốc Bệnh viện tâm thần Lawang ở Malang cho rằng làm việc quá sức là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng bị thôi miên tập thể trong các nhà máy.
“Hiện tượng này thường xảy ra đối với những người gặp nhiều bất trắc trong thời thơ ấu và những người phải làm việc quá cực nhọc. Đây là một dạng bị phân rã, chứ không phải là kiểu cuồng loạn”. “Họ không thể phản đối, nhưng họ có thể phản đối qua hình thức rơi vào trạng thái thôi miên tập thể.”
Còn khi hơn 30 học sinh ở trường trung học Pahandut Palangka Raya tại Kalimantan đồng loạt bị thôi miên vào tháng 11 vừa qua, nhiều người Indonesia cho rằng đó là do một linh hồn sống trên một cái cây gần đó chế ngự.
Đúng vào lễ chào cờ buổi sáng, một trong các nữ sinh đột nhiên hét lên và không cử động được. Tiếp theo đó là bạn bè của nữ sinh này, cho tới khi có tận hơn 30 em la hét và ngất đi. Theo thầy phó hiệu trưởng nhà trường, một số em tỉnh lại khi một bạn bật lời cầu nguyện của đạo Hồi trong nhạc chuông điện thoại lên. Một số khác phải được đưa tới thầy giải thôi miên địa phương.
Tuy nhiên, Friskila thích một cách giải thích ít mê tín hơn: “Chúng đã quá chán ngán, mệt mỏi và khi hiện tượng thôi miên xảy ra chúng được nghỉ học cả ngày”. (xem thêm)
Nguyên Hạ
Theo Reuters
|