Sống là cho...
Với quan niệm như thế nên Thanh Tâm đến với việc hiến máu cứu người này cũng rất tình cờ, mà như có sự sắp đặt trước của cuộc đời.
Chị kể: "Mười lăm năm trước, bố tôi bị bệnh nặng phải vào viện cấp cứu, lại thiếu máu. Trong lúc nguy kịch không biết tìm máu ở đâu, thì một người bạn của bố tôi đến thăm, ông đã truyền máu cứu sống bố tôi. Sau đó, nỗi ám ảnh cứu sống một mạng người đối với tôi rất lớn. Nếu có dịp, tôi cũng sẽ hành động như người bạn của bố tôi vậy".
|
Hầu hết những người tôi cho máu đều là những bệnh nhân nghèo. Tôi chỉ nghĩ một điều rằng, những giọt máu của mình đã cứu được tính mạng con người, thế là tôi vui. Công Huyền Tôn Nữ Thanh Tâm |
|
Năm 18 tuổi, cô gái Huế này rời quê hương vào TP.HCM làm thợ may kiếm sống. Vất vả với vòng xoay "cơm, áo, gạo, tiền", song trong thâm tâm của cô vẫn mong muốn được một lần truyền dòng máu của chính mình vào người khác. "Bởi tôi biết được niềm hạnh phúc của họ khi mình cho máu, cũng như niềm vui của chúng tôi khi bố tôi trở về từ cõi chết lúc trước", Thanh Tâm nói.
Một lần, tình cờ Tâm đi ngang qua một con phố, bắt gặp những tấm băng-rôn treo các khẩu hiệu có nội dung liên quan đến chuyện hiến máu nhân đạo. Vượt qua những run sợ, dè dặt của một cô gái mới chân ướt chân ráo vào thành phố náo nhiệt này, Tâm mạnh dạn bước vào cho máu. "Lần đầu tôi hơi sợ nên không dám nhìn thẳng vào kim tiêm mà ngó lơ sang một nơi khác", Thanh Tâm nhớ lại.
Từ lần đầu tiên ấy, và hơn 40 lần sau này (15 lần ở TP.HCM và 28 lần ở Huế), cứ mỗi lần đưa tay cho bác sĩ lấy máu, điều tâm niệm duy nhất chị luôn mang theo bên mình là "cứu một mạng người còn hơn xây chín bậc phù đồ".
Với thành tích 43 lần hiến máu cứu người, Thanh Tâm được Hội Chữ thập đỏ TP.HCM và tỉnh Thừa Thiên - Huế trao tặng Huy chương Vàng và Bạc để khen ngợi cho hoạt động nhân đạo tích cực này của chị. Với Tâm, hiến máu nhân đạo là một niềm hạnh phúc.
Cả nhà cùng hiến máu
Là người đi tiên phong hiến máu cứu người, dần dần Thanh Tâm đã thuyết phục được thêm 13 thành viên khác trong gia đình từ anh, chị, em đến những đứa cháu cùng tham gia.
Hiện tại, ngôi nhà số 141 đường Trần Huy Liệu, TP Huế đã trở thành một địa chỉ vàng, một... chi nhánh "ngân hàng máu sống" không riêng gì với những bệnh nhân cần tiếp máu trực tiếp, mà còn quen thuộc hơn đối với Trung tâm huyết học truyền máu khu vực Duyên hải miền Trung (tại Huế).
Tất cả họ đều không một mảy may suy nghĩ, đắn đo, tính toán thiệt hơn cho sức khỏe của mình. Với 3 nhóm máu, nên bất cứ lúc nào bệnh nhân cần máu, các thành viên trong nhà sẽ phân nhau đến tiếp máu cho họ. Chính tình thương yêu con người đã đưa họ đến với những quyết định táo bạo mà không phải ai cũng làm được như thế. Hàng chục nghìn đơn vị máu của những con người ấy đã hòa chảy trong rất nhiều trái tim biết bao người bệnh, cứu họ thoát khỏi ngưỡng cửa của thần chết. Làm ơn nhưng không phải để mong người khác trả ơn cho mình.
Năm 2004, Thanh Tâm là khách mời của chương trình Người đương thời "Gặp gỡ những thanh niên tiêu biểu" tại Đại hội Hội LHTN VN lần thứ V, một chương trình biểu dương những cá nhân điển hình trên nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau đã có nhiều đóng góp, cống hiến tích cực về trí tuệ, công sức cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khích lệ tinh thần sáng tạo lao động của toàn xã hội.
Hai năm trở lại đây, dù phải tập trung cho việc chăm sóc con nhỏ, nhưng chị vẫn luôn nghĩ đến những bệnh nhân cần máu. Chị bảo: "Sắp tới tôi sẽ trở lại với hoạt động này. Sau này tôi cũng khuyến khích và hướng cho bé Gấm (con gái chị) đi theo truyền thống này của gia đình".