Người phụ nữ 20 năm “tắm” cho hài cốt
(ĐSCT) “Tắm” cho hài cốt là nghề đòi hỏi phải có “thần kinh thép”, không phải ai cũng làm được. Thế mà hơn 20 năm qua, có một người đàn bà vẫn lặng lẽ hành nghề không giống ai, chị đã “tắm” cho hàng ngàn hài cốt, vớt hàng trăm xác trên sông. Nhắc đến chị bà con chòm xóm quên cả họ của chị, họ gọi chị là Bình “hài cốt” hay Bình “vớt xác”. Chị là Phạm Thị Bình (ngụ Tiên Tân, Duy Tiên, Hà Nam).
20 NĂM HÀNH NGHỀ “TẮM” HÀI CỐT
Một đêm đông cuối tháng mười một, trời tối đen như mực, gió lạnh thấu xương ào ào thổi, trong nghĩa địa lô nhô những ngôi mộ cao thấp, đám người đứng ngồi trên những ngôi mộ xung quanh ỉ ôi khóc hờ. Giữa quầng sáng, trong cái hố sâu, đám người đào huyệt lầm lũi gạt lớp đất đá để lộ dần cỗ quan tài bằng gỗ bắt đầu mục nát. Xà beng cứ thế giáng xuống. Cho đến khi bốn bên ván thiên bục ra, trong ánh sáng lờ mờ của chiếc đèn nhỏ, nhìn xuống cỗ quan tài không thấy ngay bộ xương, mà là quần áo, lâu ngày thành những đường nếp uốn lượn, nằm giữa vũng nước đen đặc. Lúc này tiếng khóc tỉ tê càng to hơn, không khí não nề, bi ai. Trong làn khói sương mờ ảo, dưới ánh đèn loang loáng trên mặt nước, chị Bình nhẹ nhàng xắn tay áo và bắt đầu công việc “tắm” cho hài cốt.
Chị Bình và anh trai
Chị cẩn thận thò tay vào cỗ quan tài, nhặt một mảnh vải và vứt lên bờ, lần được ngay những mẩu xương nhỏ. Chị lôi ra một ống quần, rút được xương ống chân. Cứ thế, lựa xương giữa những lớp quần áo... Có những lúc, tay chị lùa xuống dưới nước một cách hú họa, mò mẫm những mẩu xương còn xót lại. Riêng phần sọ của hài cốt, được chị khoắng xuống vài ba lần và xúc, một thứ nước đen ộc ra trên nền màu gan gà của đất. Chiếc sọ lộ dần màu trắng ngà. Lúc này có một thứ mùi rất lạ, không xộc lên mà len sâu vào khứu giác, rợn người. Một mùi ẩn hiện đặc thù, dứt khoát không giống bất kỳ thứ mùi nào. Tiếp đó, bằng động tác nhẹ nhàng nhưng cũng rất thận trọng, bộ xương được lau rửa sạch sẽ, sức nước thơm và xếp gọn ghẽ vào chiếc tiểu sành, sau đó cắm một bó hương to giữa lòng đáy huyệt, từ dưới đáy một làn khói trắng đậm đặc bay thẳng lên trời. Vậy là mọi công việc đã hoàn tất.
Tâm sự với chúng tôi, chị Bình bảo: “Nghề này dù sức khỏe tốt đến đâu thì cũng suy kiệt trông thấy qua từng đêm. Đêm lạnh, sương gió ngấm vào người, rồi mùi xác chết, tử khí thấm qua hơi thở, qua da tay. Mặc dù nguy hiểm, nhưng khi cải tang cho người đã khuất, không bao giờ chị dùng găng tay khi “tắm” cho hài cốt, bởi găng tay dày dễ làm sót lại những đốt xương ngón tay, ngón chân, có tội với người đã khuất lắm”.
Nghề “tắm” cho người đã khuất này đến với chị bắt nguồn cách đây gần 20 năm. “Năm 1992, khi đó tôi 16 tuổi, trong một lần ra quốc lộ 1A đoạn qua xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên vào lúc 3 giờ sáng thì bắt gặp một vụ tai nạn thương tâm. Nạn nhân bị tàu hỏa nghiến đứt ra làm ba mảnh, thấy vậy tôi liền đi báo công an xã. Sau đó công an nhờ nhặt xác giúp họ. Không ngần ngại, vừa nhặt từng mảnh gom vào chiếc chiếu rách, đầu óc tôi vừa run sợ. Nhưng rồi thành quen không sợ nữa - chị Bình trầm ngâm kể.
Từ hôm đó, hễ có người nào chết đuối, người ta cũng tìm đến chị để thông báo và chị lại lặng lẽ ra làm. Không chỉ có người quanh vùng, mà ở các địa phương khác như Hải Phòng, Việt Trì, Hưng Yên, Vĩnh Phúc...cũng tìm đến nhờ chị. Biệt danh “Bình bốc xác” gắn liền với chị từ đó.
NHỮNG LẦN VỚT XÁC TRÊN SÔNG
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ tuềnh toàng, chị Bình nói: “Tôi đi xây mới cho bao nhiêu “người” nhưng nhà mình thì vẫn chưa xây được. Công việc dạo này bận rộn nhưng chủ yếu là làm phúc nên việc xây nhà cho mình khó có thể thực hiện. Đến nay tôi vẫn chưa lập gia đình, không phải vì tôi xấu mà có lẽ bởi nghề tôi làm không người đàn ông nào muốn đến gần”.
Ngoài làm nghề “tắm”cho hài cốt, chị Bình còn kiêm luôn nghề vớt xác trên sông và nhặt xác người trong các vụ tai nạn giao thông. Không những thế, chị luôn nhiệt tình giúp đỡ lực lượng công an làm nhiệm vụ mỗi khi có người chết đuối hay bị tai nạn. Chị đã từng vớt những xác người mất đầu hoặc mất tay chân do cá ăn hoặc ngâm lâu ngày dưới nước bị mủn ra. Cùng với đó là những câu chuyện về những cái chết của nạn nhân mà khi nghe xong, lòng chị đau đớn vì uất nghẹn như vụ hiếp dâm rồi vứt xác người con gái chưa tròn 18 tuổi xuống sông...
Bao năm trong nghề, tiếp xúc với nhiều xác chết. Có những vụ đã để lại trong chị nhiều ám ảnh như vụ chết đuối trên sông Cái cách đây 3 năm. “Khi biết tin, tôi vội vã đến khúc sông có người chết đuối. Người nhà nạn nhân đang đứng đợi chúng tôi trên bến. Lúc đó nhìn dòng sông cuồn cuộn chảy xiết, thỉnh thoảng chỉ có tiếng ù ù của gió từ lòng sông thổi vào nghe ớn lạnh, nhìn xác trương phồng căng cứng, mắt tôi đờ đi, đưa được xác lên bờ về nhà vẫn còn sợ. Cảm giác đó đến giờ vẫn in sâu trong tâm trí”.
Làm cái việc vất vả và “đặc biệt” như vậy, nhưng chị không bao giờ để ý đến tiền công xá, ai cho bao nhiêu thì biết bấy nhiêu, nhiều khi chị còn phải bỏ tiền túi ra lo cho những người không rõ thân nhân. Thậm chí, có khá nhiều người, sau khi chị chôn cất đến nhận người thân, nhà nghèo quá, chị phải bỏ tiền túi ra giúp đỡ việc đi lại, đưa về quê.
Đến nay mới bước sang tuổi 36 nhưng chị đã có thâm niên 20 năm trong nghề bốc và vớt xác người. Ngần ấy thời gian, chị đã cất, bốc mộ cho xấp xỉ 800 người, lượm xác cho khoảng hơn 70 vụ tai nạn, 100 vụ vớt xác người chết trôi sông Hồng, sông Đáy và sông Nhuệ.
Chúng tôi chia tay chị khi trời chạng vạng tối. Lúc này có đồng chí công an đến nhờ chị “xử lý” giúp trong một vụ án mà nạn nhân bị chết đuối. Tôi rất ấn tượng với câu nói của chị: “Làm phúc xuất phát từ cái tâm chứ không phải vì tiền, bản thân mình có duyên với những người không may mắn nên bằng mọi cách phải “lên nhà” cho họ thật đẹp”. (Xem thêm)
ĐSCT |