*Thuyết Giảng về Tam Quy và Sám Hối:
Này các thiện tri thức, phải nên bằng tự thể của mình mà thọ vô tướng giới này, và đồng thời niệm những lời Huệ Năng tôi sắp nói. Như thế sẽ giúp cho các thiện tri thức thấy được tam thân Phật trong chính mình. “Tôi xin quy y thanh tịnh Pháp thân Phật trong sắc thân của chính mình; tôi xin quy y trăm, ngàn, ức Hóa thân Phật trong sắc thân của chính mình; tôi xin quy y viên mãn Báo thân Phật của tương lai trong chính sắc thân mình” (tụng những lời trên ba lần). Sắc thân chính là nhà của mình, nên không thể nói quay về. Tam thân mà tôi vừa đề cập đến ở ngay trong tự tánh của chư vị. Người đời ai cũng sở hữu (tam thân ấy), chỉ vì mê mờ mà không nhìn thấy, cho nên mới hướng ra ngoài mà tìm tam thân của Như Lai, không thấy được rằng tam thân Phật hiện hữu ngay trong sắc thân của chính mình.
Này các thiện tri thức, lắng nghe! Tôi sẽ chỉ cho chư vị thấy rằng trong chính sắc thân mình có hiện hữu tam thân Phật của tự tánh mình. Tam thân của Phật này phát sinh từ tự tánh của chư vị.
Thanh tịnh Pháp thân Phật là gì? Này các thiện tri thức, thế nhân bổn tính vốn tự thanh tịnh, vạn pháp vốn hiện hữu trong tự tánh họ. Nếu người ta tư lương về tất cả việc ác ắt sẽ thực hành việc ác. Nếu người ta tư lương về tất cả các việc thiện, ắt sẽ tu các thiện hạnh. Do đó, chúng ta biết rằng tất cả các pháp đều hiện hữu trong tự tánh, mà tự tánh lại thường thanh tịnh. Cũng như mặt trời và mặt trăng thường sáng rỡ song nếu bị mây che phủ, thì dù ở trên sáng rỡ, ở dưới lại tối ám, cho nên không trông thấy rõ được mặt trời, mặt trăng, tinh tú. Song nếu hốt nhiên gặp được ngọn gió trí tuệ thổi đến cuốn hết mây mù, sâm la vạn tượng lập tức hiển hiện. Bản tánh thanh tịnh của con người cũng như bầu trời quang tịnh, tuệ cũng như mặt trời, trí giống như mặt trăng. Mặc dù trí tuệ thường sáng rỡ, song nếu mình chấp trước ngoại cảnh, vọng niệm và mây nổi lập tức che phủ, tự tánh không thể chiếu sáng được nữa. Cho nên nếu gặp được bậc thiện tri thức thổi tan hết mê vọng, trong ngoài lập tức trong sáng thấu suốt, vạn pháp đều xuất hiện trong tự tánh mình, bởi vì tất cả các pháp đều hiện hữu trong tự tánh. Đây gọi là thanh tịnh Pháp thân Phật, tự quy y có nghĩa là trừ hết các hành vi bất thiện, đó gọi là quy y.
Trăm ngàn ức Hóa thân Phật có nghĩa là gì? Khi không tư lương, thì tự tánh không tịch, tư lương ắt tự mình biến hóa. Tư lương ác pháp thì hóa ra địa ngục, tư lương thiện pháp thì hóa ra thiên đường. Tư lương việc độc hại thì biến thành súc sinh, tư lương từ bi thì biến thành Bồ tát. Tư lương về trí tuệ thì hóa sinh trên thượng giới, tư lương ngu si thì sẽ hóa sinh nơi hạ giới. Tự tánh biến hóa nhiều vô cùng, song kẻ mê mờ không ý thức và thấy được như thế. Các niệm liên tục khởi ác, thường hành ác đạo, song chỉ cần một niệm thiện hồi chuyển, trí tuệ lập tức sanh. Đây gọi là tự tánh Hóa thân Phật. Viên mãn Báo thân Phật là gì? Cũng như một ngọn đèn có thể trừ được một ngàn năm bóng tối, thì một ánh sáng của tuệ cũng có thể diệt được một vạn năm ngu si. Đừng nghĩ về dĩ vãng, hãy thường nghĩ đến tương lai, nếu các niệm trong tương lai của mình luôn luôn thiện, mình có thể được gọi là Báo thân Phật. Một niệm ác có thể gây ra sự hủy diệt hàng ngàn năm thiện, một niệm thiện có thể đền bù cho hàng ngàn năm ác hại. Từ vô thủy cho đến nay, nếu các niệm tương lai luôn luôn thiện, thì đó gọi là Báo thân Phật. Tư lương từ quan điểm Pháp thân Phật thì đây chính là Hóa thân Phật. Nếu các niệm liên tục đều thiện, thì đó chính là Báo thân Phật. Tự ngộ tự tu gọi là quy y vậy. Da thịt là sắc thân, sắc thân là nhà. Chẳng nói quay về nương tựa...
Chỉ cần giác ngộ được tam thân, ắt hiểu được đại ý của Phật pháp.
Giờ đây các thiện tri thức đã quy y tam thân rồi, tôi xin cùng chư vị phát bốn đại nguyện. Xin các thiện tri thức tụng theo Huệ Năng: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, Phiền não vô biên thệ nguyện đoạn, Pháp môn vô biên thệ nguyện học, Vô thượng Phật đạo thệ nguyện thành” (tụng ba lần).
Này các thiện tri thức, “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ” không có nghĩa là Huệ Năng độ các thiện tri thức, mà có nghĩa là (trong tâm) các chúng sanh, mọi người nơi tự tánh mình phải độ chính mình. “Tự độ mình nơi tự tánh mình” có nghĩa là gì? Dù rằng trong sắc thân của mình có đủ cả tà kiến, phiền não, ngu si, mê vọng, song ai cũng vốn sở hữu bổn giác tánh, và với chánh kiến mình có thể được giải thoát. Nếu ngộ được chánh kiến, trí Bát nhã sẽ trừ hết ngu si mê vọng, lúc ấy chúng sanh mỗi người sẽ tự độ chính mình. Nếu tà kiến đến, bằng chánh kiến mình sẽ được độ; nếu mê đến, bằng trí mình sẽ được độ; nếu ác đến, bằng thiện mình sẽ được độ; nếu phiền não đến, bằng Bồ đề mình sẽ được độ. Độ bằng cách này, gọi là chơn (chân) độ.
“Phiền não vô biên thệ nguyện đoạn” nghĩa là trừ hư vọng bằng tự tâm mình. “Pháp môn vô biên thệ nguyện học” có nghĩa là học vô thượng chánh pháp. “Vô thượng Phật đạo thệ nguyện thành” là luôn luôn hành động khiêm tốn, cung kính đối với tất cả, xa lìa mê chấp, giác tri Bát nhã. Khi trừ hết mê vọng rồi, tức là tự ngộ thành Phật đạo và thực hành thệ nguyện lực.
Nay sau khi đã phát xong bốn đại nguyện rồi, tôi xin truyền pháp vô tướng sám hối cho các thiện tri thức để diệt tội chướng ba đời” [quá khứ, hiện tại, tương lai (TOTHA chú dẫn)].
Đại sư nói: “Này các thiện tri thức, nếu nơi niệm trước, niệm sau và niệm hiện tại, các niệm liên tục không bị ngu si nhiễm, và nếu như lập tức diệt trừ bằng tự tánh mình những hành vi ác trước kia thì đó tức là sám hối. Nếu nơi niệm trước, niệm sau và niệm hiện tại, các niệm liên tục không bị ngu si nhiễm, diệt trừ mãi mãi được hết các tâm niệm kiêu ngạo trước đây, thì đó gọi là tự tánh sám hối. Nếu nơi niệm trước, niệm sau, niệm hiện tại, các niệm liên tục không bị tị nạnh nhiễm, trừ được hết tâm tị nạnh bằng tự tánh mình thì đó chính là sám hối . [tự tánh vốn tự dọ(không bị các pháp trói buộc, phủ phục sắc tướng) tự tin(tín căn giác chi) tự tu tự ngộ tự thành tự tại tự giác giác tha,...(TOTHA chú dẫn)].
Này các thiện tri thức, sám hối có nghĩa là gì? “Sám” có nghĩa là cả đời không làm ác, “hối” có nghĩa là biết các ác nghiệp dĩ vãng và luôn luôn không quên điều ấy. Nói miệng “sám hối” trước mặt chư Phật cũng vô ích mà thôi. Trong pháp môn của tôi, mãi mãi không bao giờ làm ác đó mới gọi là sám hối.
Nay sau khi đã sám hối hết rồi, tôi xin truyền thọ các thiện tri thức vô tướng Tam quy y giới”.
“Này các thiện tri thức, quy y Đấng Giác ngộ, Lưỡng túc tôn (Phật); quy y sự thật (Pháp) cao thượng giải thoát con người khỏi tham dục; quy y Tăng tịnh, tôn quý nhất trong chúng sanh (Tăng). Xin thắp sáng bằng lòng từ bi Tam bảo của tự tánh chư vị. Này các thiện tri thức, Huệ Năng tôi xin khuyên chư vị hãy quy y Tam bảo nơi tự tánh của mình. Phật là giác ngộ, Pháp là chơn (chân) lý, Tăng là thanh tịnh. Tự tâm quy y giác, tà mê không sanh, thiểu dục tri túc, xa lìa tài sắc, cho nên Phật mới được gọi là Lưỡng túc tôn. Tự tâm quy y chơn lý (Pháp), bởi vì các niệm liên tục không sanh khởi tà tâm, cho nên không có ái trước, bởi vì không có ái trước, Pháp mới được gọi là giáo lý tôn quý nhất giải thoát người ta khỏi tham dục. Tự tâm quy y tịnh Tăng, thì tuy rằng tất cả trần lao vọng niệm có trong tự tánh mình, tự tánh vẫn chẳng hề bị nhiễm trước, cho nên Tăng mới được gọi là tôn quý nhất trong chúng sanh. Phàm phu không hiểu và hết ngày này qua ngày khác thọ (nương tựa) Tam quy y giới. Nếu bảo là quy y Phật, thì Phật ở đâu? Nếu như không thấy Phật, thì đâu có đối tượng để quy y. Nếu đã không có đối tượng quy y, thì những gì người ấy nói đều là hư vọng(sai trái, giả dối, ngụy tạo).
Này các thiện tri thức, mỗi người phải tự quan sát, đừng có dụng ý một cách sai lầm. Trong kinh chỉ dạy quy y Phật nơi chính mình chứ không nói quy y Phật nào khác. Nếu không quy y tự tánh, thì đâu có chỗ nào để quy y?.
*Đối vấn cùng sứ quân :
Sứ quân: “Tôi nghe nói lúc Đạt Ma Đại sư khai hóa Lương Võ đế, Võ đế hỏi Đạt Ma: “Trẫm cả đời xây chùa, bố thí, cúng dường, có công đức hay không”. Ngài Đạt Ma trả lời: “Chẳng có công đức gì cả”. Võ đế không vui, bèn đuổi Đạt Ma ra khỏi bờ cõi. Kính xin Hòa thượng giải thích cho”.
Lục Tổ: “Quả thực chẳng có công đức gì cả. Sứ quân đừng nghi ngờ lời Đạt Ma Đại sư. Võ đế chấp trước tà kiến, không hiểu chánh pháp”.
“Xây chùa, bố thí, cúng dường chỉ là tu phước, không thể lấy phước làm công đức được. Công đức ở tại Pháp thân, không phải ở phước điền. Tự trong pháp tánh đã có công đức. Kiến tánh là công, bình đẳng là đức. Bên trong thấy Phật tánh, bên ngoài tu hành cung kính. Nếu như khinh tất cả mọi người, không cắt đứt được sự chấp ngã, thì tự mình không thể có công đức được. Nếu như tự tánh mình hư vọng, Pháp thân không còn có đức nữa. Nếu trong niệm niệm liên tục có tu hành phước đức và bình đẳng chơn tâm, thì công đức sẽ không nhỏ và hành vi luôn luôn cung kính. Tự tu thân là công, tự tu tâm là đức. Công đức là do tự tâm mà ra, phước và công đức là khác nhau. Võ đế không hiểu chánh lý, chứ không phải là Tổ Đạt Ma Đại sư lầm lẫn đâu”.
Sứ quân: “Tăng chúng, đạo, tục, thường niệm A Di Đà Phật và nguyện vãng sanh Tây phương. Xin Hòa thượng giải thích rõ cho đệ tử xem người ta có thực sự vãng sanh ở đó được không, ngõ hầu để dẹp tan mối nghi của đệ tử”.
Lục Tổ: “Sứ quân lắng nghe, Huệ Năng tôi sẽ giải thích cho ông. Thế Tôn lúc ở Xá Vệ quốc, thuyết giảng về Tây phương để dẫn hóa chúng sanh. Kinh văn nói rõ ràng rằng: “Tây phương cách đây không xa. Chỉ vì muốn dạy những người có căn cơ thấp mới nói là xa, còn nói gần là để dạy người có trí tuệ cao. Tuy con người có hai loại, pháp chẳng hề có bất “đồng”. Giữa mê và ngộ có sự dị biệt, cũng như kiến giải có mau có chậm. Kẻ mê niệm Phật hy vọng vãng sanh Tây phương, người ngộ chỉ thanh tịnh tâm mình. Cho nên Phật nói: “Tùy tâm mình tịnh, là Phật độ tịnh”.
Sứ quân, người ở phương Đông nếu chỉ cần tịnh tâm là lập tức hết tội chướng, người ở Tây phương Tịnh độ tâm mà không tịnh là lập tức có lỗi lầm. Kẻ mê nguyện vãng sanh Đông phương hay Tây phương, còn người ngộ thì ở bất cứ đâu cũng là một cả. Chỉ cần tâm không có bất tịnh, là Tây phương chẳng cách xa đây. Còn như tâm mà khởi bất tịnh, thì dù có niệm Phật để cầu vãng sanh cũng khó mà đạt được. Trừ được mười điều ác tức là đi được mười vạn sặm, không có tám điều tà tức là đã vượt qua được tám ngàn dặm. Song nếu tu hành chơn tâm, mình sẽ đến Tây phương trong nháy mắt.
Sứ quân, chỉ nên lo tu thập thiện, cần gì phải nguyện vãng sanh. Nếu như ông không đoạn cái tâm làm mười điều ác, Phật nào đến đón ông đây? Nếu giác ngộ được giáo pháp đốn ngộ vô sanh, chỉ trong sát na là ông thấy Tây phương. Nếu như không ngộ giáo lý đốn ngộ của Đại thừa, con đường niệm Phật để mong vãng sanh quá xa vời, làm sao mà đạt đến được?”.
*Đối vấn cùng Pháp Đạt:
Lục Tổ: “Này Pháp Đạt, nói về pháp thì ông rất là đạt đã tụng kinh Pháp Hoa suốt bảy năm, nhưng tâm ông thì không đạt. Đối với kinh, ông chẳng có điều nghi hoặc gì cả, chỉ vì chính tâm ông tự nghi mà thôi. Tâm ông tà mà ông đòi cầu Chánh pháp. Tâm mình chánh định, tức là trì kinh. Tôi suốt cả đời chẳng bao giờ biết chữ. Ông đem kinh Pháp Hoa đến đây, đọc cho tôi nghe một lần, tôi nghe là hiểu ngay”.
Pháp Đạt: Liền đem kinh đến, đọc cho Đại sư nghe một lần.
Lục Tổ: Sau khi nghe xong, Lục Tổ đã hiểu ý chỉ của Phật, bèn giảng kinh Pháp Hoa cho Pháp Đạt. Lục Tổ nói: “Này Pháp Đạt, kinh Pháp Hoa, không có nói gì thừa cả. Cả bảy quyển chỉ nói thí dụ về nhân duyên. Như Lai rộng nói ba thừa, chỉ vì người đời căn cơ cạn cợt. Kinh văn nói rõ ràng, chỉ có một Phật thừa, không có thừa nào khác”.
“Này Pháp Đạt, ông hãy lắng nghe về một Phật thừa này, chớ nên cầu Phật thừa thứ hai nào khác mà làm mê mờ bổn tánh mình đi. Trong kinh chỗ nào dạy Phật thừa? Để tôi nói cho ông nghe. Kinh nói: “Chư Phật Thế Tôn đều vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện trên thế gian”. Mười sáu chữ trên là Chánh pháp. Pháp này phải hiểu như thế nào? Ông nghe tôi nói đây. Tâm con người vốn không liên hệ gì với tư tưởng, vốn uyên nguyên không tịch. Cắt đứt các tà kiến, tức là cái một đại sự nhân duyên kia. Trong ngoài không mê tức là xa lìa hai biên kiến. Nếu bên ngoài mà mê tức là bị chấp trước vào tướng, bên trong mà mê tức là bị chấp vào không. Nếu ở trong tướng mà lìa tướng, ở trong không mà lìa không, đó là trong ngoài không mê. Nếu như giác ngộ được pháp này thì trong một niệm tâm lập tức khai mở và ông sẽ xuất hiện trên thế gian. Tâm khai mở vật gì? Khai Phật tri kiến, và Phật có nghĩa là giác ngộ. Giáo lý này phân ra làm bốn cửa: khai giác tri kiến, thị giác tri kiến, ngộ giác tri kiến, nhập giác tri kiến. Đây gọi là khai thị ngộ nhập. Từ một chỗ vào tức là giác tri kiến, và bằng vào đó, ông sẽ thấy được bổn tánh của mình và siêu việt thế gian”.
“Này Pháp Đạt, tôi thường nguyện rằng tất cả người đời thường tự khai Phật tri kiến trên tâm địa mình. Đừng nên khai chúng sanh tri kiến, bởi vì người đời tâm tà, ngu mê làm ác, cho nên họ mới khai chúng sanh tri kiến. Nếu như người đời tâm chánh, khởi trí tuệ quán chiếu thì sẽ tự khai mở Phật tri kiến cho mình. Đừng nên khai mở chúng sanh tri kiến. Khai Phật tri kiến có nghĩa là xuất thế gian”.
“Này Pháp Đạt, đây là Nhất thừa pháp của kinh Pháp Hoa, sau đó lại phân chia ra làm ba, nguyên do là để dẫn độ người mê. Ông chỉ nên dựa vào một Phật thừa mà thôi”.
“Này Pháp Đạt, nếu ông tu hành nơi tâm thì ông chuyển Pháp Hoa, nếu không như thế thì Pháp Hoa chuyển ông. Nếu tâm ông chính thì ông chuyển Pháp Hoa, nếu tâm ông tà thì Pháp Hoa chuyển ông. Nếu khai Phật tri kiến thì ông chuyển Pháp Hoa, nếu khai chúng sanh tri kiến thì ông bị Pháp Hoa chuyển”.
“Nếu ông nỗ lực theo pháp tu hành, đó tức là chuyển kinh”.
Pháp Đạt: Vừa nghe lập tức đại ngộ, cảm động bật khóc, nói: “Bạch Hòa thượng, đệ tử quả thực chưa từng chuyển Pháp Hoa,suốt bảy năm nay toàn bị Pháp Hoa chuyển. Từ rày trở đi, đệ tử sẽ chuyển Pháp Hoa, và luôn luôn không ngớt tu hành Phật hạnh”.
Lục Tổ: “Phật hạnh chính là Phật”.
Lúc ấy, những người lắng nghe, không ai không giác ngộ.
(Xem tiếp->) |