III/-Đệ Tam Môn Nhị Chủng Nhập: [2 thứ vào (Lý nhập và Hạnh nhập)]
Phù nhập đạo đa đồ, yếu nhi ngôn chi, bất xuất nhị chủng. Nhất thị lý nhập, nhị thị hạnh nhập. (Trong việc tu tập, tuy có nhiều đường vào đạo, nhưng về cơ bản mà nói thì cũng không ra ngoài hai nhóm này: Một là nương theo nghĩa lý mà vào đạo, hai là nương theo công hạnh mà vào đạo)
Lý nhập giả, vị tá giáo ngộ tông. Thâm tín hàm sanh đồng nhất chân tánh, câu vị khách trần vọng tưởng sở phú, bất năng hiển liễu. (Nương theo nghĩa lý mà vào đạo, đó là nhờ nơi kinh giáo mà hiểu rõ được tông chỉ, tin chắc rằng tất cả chúng sinh đều có cùng một tánh chân thật, thảy đều do vọng tưởng nương theo các duyên khởi lên che lấp, làm cho tánh chân thật ấy không thể hiển lộ.)
Nhược dã xả vọng quy chân, ngưng trụ bích quán, vô tự vô tha, phàm thánh đẳng nhất, kiên trụ bất di, cánh bất tuỳ ư văn giáo. Thử tức dữ lý minh phù, vô hữu phân biệt, tịch nhiên vô vi, danh chi lý nhập. (Như có thể lìa bỏ vọng tưởng, quay về với tánh chân thật, gom tâm về một mối như ngó vào vách đá, không có ta, không có người, thánh phàm cũng chẳng khác, kiên trì giữ được như thế không lay chuyển, lại không bị trói buộc vào câu chữ trong kinh giáo, như vậy tức là phù hợp với nghĩa lý sâu xa, không còn có chỗ phân biệt, thể nhập vào chỗ tự nhiên vắng lặng vô vi. Đó gọi là nương theo nghĩa lý mà vào đạo.)
Hạnh nhập giả, vị tứ hạnh. Kỳ dư chư hạnh tất nhập thử trung. Hà đẳng tứ da? Nhất báo oán hạnh, nhị tuỳ duyên hạnh, tam vô sở cầu hạnh, tứ xứng pháp hạnh. (Nương theo công hạnh mà vào đạo, đây kể ra có 4 hạnh. Còn lại hết thảy các hạnh khác cũng đều không ra ngoài 4 hạnh này. Bốn hạnh là: hạnh báo oan, hạnh tùy duyên, hạnh không mong cầu và hạnh xứng pháp.)
Vân hà báo oan hạnh? Vị tu đạo hành nhân nhược thọ khổ thời, đương tự niệm ngôn, ngã tòng vãng tích vô giáo kiếp trung, khí bản tòng mạt, lưu lãng chư hữu, đa khởi oán tăng, di hại vô hạn. Kim tuy vô phạm, thị giai túc ương, ác nghiệp quả thục, phi thiên phi nhân sở năng kiến dữ. Cam tâm nhẫn thọ, đô vô oán tố. (Thế nào là hạnh báo oan? Đó là nói người tu hành khi phải chịu đựng khổ đau nên tự nghĩ rằng: "Ta từ trong kiếp xa xưa không người chỉ dạy, bỏ gốc theo ngọn, trôi dạt trong ba cõi1, thường khởi lòng oán ghét, gây tổn hại khôn kể xiết. Nay tuy không mắc phải lỗi lầm như thế, nhưng chính là nghiệp ác đã tạo từ trước nay mới kết thành, như trái cây chín rụng, chẳng phải trời hại, chẳng phải người hại." Nghĩ như vậy rồi vui lòng nhẫn chịu, không một lời than oán.) 1Nguyên văn dùng chư hữu (諸有), tức chỉ cho 25 cảnh có ( Nhị thập ngũ hữu- 二十五有), cũng tức là Tam giới (三界) hay Ba cõi, bao gồm Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.
Kinh vân: Phùng khổ bất ưu. Hà dĩ cố? Thức đạt cố. Thử tâm sanh thời, dữ lý tương ưng, thể oan tấn đạo cố, thuyết ngôn báo oan hạnh. (Kinh dạy rằng: "Gặp khổ chẳng lo buồn." Vì sao vậy? Là vì đã hiểu biết thông suốt. Khi sinh tâm như vậy là tương ứng, phù hợp với nghĩa lý sâu xa. Nhờ chịu đựng oan khuất mà tiến tới trên đường đạo, cho nên gọi là hạnh báo oan.)
Nhị tuỳ duyên hạnh giả. Chúng sanh vô ngã, tịnh duyên nghiệp sở chuyển. Khổ lạc tề thọ, giai tòng duyên sanh. Nhược đắc thắng báo vinh dự đẳng sự, thị ngã quá khứ túc nhân sở cảm, kim phương đắc chi. Duyên tận hoàn vô, hà hỷ chi hữu. Đắc thất tòng duyên, tâm vô tăng giảm. Hỷ phong bất động, minh thuận ư đạo, thị cố thuyết ngôn tuỳ duyên hạnh dã. (Thứ hai là hạnh tùy duyên. Chúng sinh vốn không có gì thật là "cái ta", thảy đều do nơi nhân duyên và nghiệp lực quyết định. Mọi nỗi khổ vui ta nhận chịu đều là theo nhân duyên mà sinh ra. Nếu như được quả báo tốt đẹp, những việc vinh dự, cũng đều là nhờ việc đã làm trong quá khứ. Khi duyên hết trở lại thành không, có gì là vui? Việc được mất đều tùy nơi duyên ngoài, trong tâm vốn thật không hề thêm bớt. Những việc mừng vui vì thế chẳng làm cho tâm mình lay động, ngầm thuận theo với đạo. Vì thế mà gọi là hạnh tùy duyên.)
Tam vô sở cầu hạnh giả. Thế nhân trường mê, xứ xứ tham trước, danh chi vi cầu. Trí giả ngộ chân, lý tương tục phản, an tâm vô vi, hình tuỳ vận chuyển. Vạn hữu tư không, vô sở nguyện lạc, công đức hắc ám, thường tương tuỳ trục. Tam giới cửu cư do như hoả trạch, hữu thân giai khổ, thuỳ đắc nhi an. Liễu đạt thử xứ, cố xả chư hữu, tức tưởng vô cầu. (Thứ ba là hạnh không mong cầu. Người thế tục mãi sống trong mê lầm, dù ở đâu cũng không khỏi sự tham lam, đắm chấp, nên gọi là mong cầu. Kẻ có trí hiểu rõ được lẽ chân thật, ngược lại với thế tục, trong tâm an ổn không có chỗ làm, ngoài thân tùy duyên động chuyển. Muôn vật đều là Không, chẳng có gì đáng mong muốn, ưa thích. Những việc tốt xấu xen đuổi theo nhau, ở mãi trong ba cõi khác nào như căn nhà đang cháy. Đã có thân này là có khổ, nào ai được an ổn? Hiểu rõ được chỗ ấy nên buông bỏ mọi việc, dứt mọi tư tưởng, chẳng còn mong cầu.)
Kinh vân: Hữu cầu giai khổ, vô cầu nãi lạc. Phán tri vô cầu chân vi đạo hạnh, cố ngôn vô sở cầu hạnh dã. (Trong kinh dạy rằng: "Có mong cầu đều là có khổ. Không mong cầu mới được vui." Rõ ràng biết được rằng không mong cầu thực là hạnh của người tu. Vì thế mà gọi là hạnh không mong cầu.)
Tứ xứng pháp hạnh giả. Tánh tịnh chi lý, mục chi vi pháp. Tín giải thử lý, chúng tướng tư không, vô nhiễm vô trước, vô thử vô bỉ. (Thứ tư là hạnh xứng pháp. Tánh thật vốn thanh tịnh, lý ấy gọi là pháp. Tin hiểu được lý ấy thì hết thảy các tướng đều là không, chẳng còn nhiễm ô, chẳng còn đắm chấp, không có ta, không có người.)
Trí giả nhược năng tín giải thử lý, ưng đương xứng pháp nhi hành. Pháp thể vô khan, ư thân, mạng, tài hành đàn xả thí. Tâm vô hy tích, đạt giải tam không. Bất ỷ bất trước, đãn vi khứ cấu. Xứng hố chúng sanh, nhi bất thủ tướng. Thử vi tự hành, phục năng lợi tha, diệc năng trang nghiêm bồ-đề chi đạo. Đàn thí ký nhĩ, dư ngũ diệc nhiên. Vị trừ vọng tưởng tu hành lục độ, nhi vô sở hành, thị vi xứng pháp hạnh. (Người có trí tuệ, nếu có thể tin hiểu được lý này thì việc làm xứng hợp theo pháp. Thể của pháp vốn không tham tiếc, nên có thể dùng cả thân thể, tánh mạng và tài sản để thực hành pháp bố thí ba-la- mật, lòng không tham tiếc. Hiểu thấu được ba pháp không2, không còn phụ thuộc cũng không chấp giữ, chỉ cần loại bỏ cấu nhiễm. Tùy điều kiện mà giáo hóa chúng sinh nhưng không chấp giữ hình tướng. Như thế là tự làm cho mình, nhưng cũng mang lại lợi ích cho người khác, lại có thể trang nghiêm đạo Bồ-đề. Việc bố thí đã là như thế, năm pháp ba-la- mật3 khác cũng lại như thế. Vì trừ các tư tưởng hư vọng mà tu hành sáu pháp ba-la-mật, nhưng thật vốn không có chỗ làm. Như thế gọi là hạnh xứng pháp.)
2Ba pháp không: Người thực hành hạnh bố thí quán xét thấy thật ra là không có vật bố thí, không có người bố thí, và cũng không có người nhận bố thí.
3Ngoài bố thí ba-la-mật, năm pháp ba-la-mật còn lại là trì giới, ba-la-mật, nhẫn nhục ba-la-mật, tinh tấn ba-la-mật, trí huệ ba- la-mật và thiền định ba-la-mật.
Xem video clip:
https://www.youtube.com/watch?v=QQyH2si9O-g
IV/- Đệ Tứ Môn: An Tâm Pháp Môn
Mê thời nhân trục pháp, giải thời pháp trục nhân. Giải tắc thức nhiếp sắc, mê tắc sắc nhiếp thức. Đãn hữu tâm phân biệt kế giảo, tự thân hiện lượng giả tất giai thị mộng. Nhược thức tâm tịch diệt vô nhất động niệm xứ, thị danh chánh giác. (Khi còn mê muội, người đuổi theo các pháp. Lúc hiểu rõ rồi, các pháp đuổi theo người. Hiểu rõ rồi thì các thức1 chế ngự hình sắc2, còn mê muội thì hình sắc chế ngự các thức. Chỉ cần sinh tâm phân biệt so tính thì mọi sự xét lường hiện nay của tâm3 thảy đều là mộng tưởng. Nếu hiểu được tâm, đạt đến chỗ tịch diệt không mảy may động niệm, như vậy gọi là giác ngộ chân chánh.)
1Có 6 thức là nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.
2Nguyên văn dùng sắc (色). Các pháp được chia làm sắc pháp và danh pháp. Sắc pháp chỉ những gì thuộc về hình sắc, vật thể, có thể nhìn thấy, sờ mó được.Danh pháp chỉ những gì không hình sắc, không thể nhìn thấy, sờ mó được.
3Nguyên tác ghi là 自身現量 (Tự thân hiện lượng), không hợp với văn cảnh trong câu hỏi tiếp theo là 自心現量 (Tự tâm hiện lượng). Chúng tôi đã tham khảo phần này trong Tông cảnh lục và Chánh pháp nhãn tạng đều thấy ghi là 自心現量 (Tự tâm hiện lượng). Có lẽ đây là một sai sót trong in ấn, nên chúng tôi đã điều chỉnh lại cho phù hợp.
Vấn: Vân hà tự tâm hiện lượng? (Thế nào là sự xét lường hiện nay của tâm?)
Đáp: Kiến nhất thiết pháp hữu, hữu tự bất hữu, tự tâm kế tác hữu. Kiến nhất thiết pháp vô, vô tự bất vô, tự tâm kế tác vô. Nãi chí nhất thiết pháp diệc như thị, tịnh thị tự tâm kế tác hữu, tự tâm kế tác vô. Hựu nhược nhân tạo nhất thiết tội, tự kiến kỷ chi pháp vương, tức đắc giải thoát. Nhược tòng sự thượng đắc giải giả, khí lực tráng. Tòng sự trung kiến pháp giả, tức xứ xứ bất thất niệm. Tòng văn tự giải giả, khí lực nhược. Tức sự tức pháp giả thâm, tòng nhữ chủng chủng vận vi. Khiêu lương điên quệ, tất bất xuất pháp giới, diệc bất nhập pháp giới. Nhược dĩ pháp giới nhập pháp giới, tức thị si nhân. Phàm hữu sở thi vi, chung bất xuất pháp giới tâm. Hà dĩ cố? Tâm thể thị pháp giới cố. (Khi thấy hết thảy các pháp là có, cái có ấy chẳng phải tự có, mà do tâm tự suy lường mà cho là có. Khi thấy hết thảy các pháp là không, cái không ấy chẳng phải tự không, mà do tâm tự suy lường mà cho là không. Cho đến hết thảy các pháp1 cũng đều như vậy, thảy đều là do tâm tự suy lường mà cho là có, tâm tự suy lường mà cho là không. Lại như có người làm hết thảy mọi điều tội lỗi, nếu tự thấy được vị vua pháp của chính mình2 liền được giải thoát. 1Đoạn trước nói về sắc pháp (những sự vật do mắt nhìn thấy), đoạn này muốn bao gồm cả sắc pháp và tâm pháp (gồm cả những pháp không thể nhìn thấy). 2Nguyên tác dùng kỷ chi pháp vương(己之法王), vị vua pháp của chính mình, đó là chỉ cho tự tâm, bởi trong kinh dạy rằng tâm là vua của các pháp. Như người vượt lên trên sự việc mà hiểu rõ, đó là khí lực mạnh mẽ. Như người từ trong sự việc mà thấy được pháp thì dù ở đâu cũng không mất chánh niệm. Như người do nơi văn tự mà hiểu rõ, đó là khí lực yếu ớt. Như người hiểu được sự tức là pháp, pháp tức là sự, đó là khí lực thâm sâu, hết thảy mọi hành vi, chuyển vận, cho dù dọc ngang lên xuống cũng không ra ngoài cõi pháp, lại cũng không vào trong cõi pháp. Nếu dùng cõi pháp để vào cõi pháp, đó là kẻ ngu si. Nói chung, hết thảy mọi hành vi rốt cùng đều không ra ngoài cõi pháp của tâm. Tại sao vậy? Vì thể của tâm chính là cõi pháp.)
Vấn: Thế gian nhân chủng chủng học vấn, vân hà bất đắc đạo? (Người thế gian học hỏi đủ điều, vì sao lại không đắc đạo?)
Đáp: Do kiến kỷ cố bất đắc đạo. Kỷ giả, ngã dã. Chí nhân phùng khổ bất ưu, ngộ lạc bất hỷ, do bất kiến kỷ cố. Sở dĩ bất tri khổ lạc giả, do vong kỷ cố. Đắc chí hư vô, kỷ tự thượng vong, cánh hữu hà vật nhi bất vong dã. (Vì còn thấy có bản thân mình nên không đắc đạo. Bản thân mình, ấy là "cái ta". Bậc chí nhân gặp khổ không lo, gặp vui không mừng là vì không thấy có bản thân mình. Do quên bản thân mình nên không còn biết đến những nỗi khổ vui. Đạt đến chỗ hư vô, bản thân mình còn tự quên mất thì còn có sự vật gì mà chẳng quên?)
Vấn : Chư pháp ký không, a thuỳ tu đạo? (Các pháp đã không, vậy người nào tu đạo?)
Đáp: Hữu a thuỳ, tu tu đạo. Nhược vô a thuỳ, tức bất tu tu đạo a thuỳ giả diệc ngã dã. Nhược vô ngã giả, phùng vật bất sanh thị phi. Thị giả ngã tự thị, nhi vật phi thị dã. Phi giả ngã tự phi, nhi vật phi phi dã. Tức tâm vô tâm, thị vi thông đạt Phật đạo. Tức vật bất khởi kiến, danh vi đạt đạo. (Nếu có "người nào" tức cần phải tu đạo. Nếu chẳng có "người nào" thì không cần phải tu đạo. "Người nào" đó tức là "cái ta". Như không có "cái ta" thì đối với sự việc chẳng sinh ra điều phân biệt đúng sai. Đúng, ấy là "cái ta" tự cho rằng đúng, mà sự việc thật không có đúng. Sai, ấy là "cái ta" tự cho rằng sai, mà sự việc thật không có sai. Ngay nơi tâm này mà không tâm, đó là thông đạt đạo Phật. Ngay nơi sự vật trước mắt mà không khởi lên kiến chấp, đó gọi là đắc đạo.)
Phùng vật trực đạt, tri kỳ bản nguyên, thử nhân huệ nhãn khai. Trí giả nhậm vật bất nhậm kỷ, tức vô thủ xả vi thuận. Ngu giả nhậm kỷ bất nhậm vật, tức hữu thủ xả vi thuận. (Người mở thông con mắt trí huệ thì nhìn vào sự việc liền trực tiếp hiểu thấu, biết rõ đến tận nguồn cội. Người có trí thì tùy nơi sự việc, chẳng tùy tự thân, liền không có chỗ lấy bỏ, thuận nghịch. Người ngu si thì tùy nơi tự thân, chẳng tùy nơi sự việc, liền có chỗ lấy bỏ, thuận nghịch.)
Bất kiến nhất vật, danh vi kiến đạo. Bất hành nhất vật, danh vi hành đạo. Tức nhất thiết xứ vô xứ, tức tác xứ vô tác pháp, tức thị kiến Phật. Nhược kiến tướng thời, tức nhất thiết xứ kiến quỷ. Thủ tướng cố đoạ địa ngục, quán pháp cố đắc giải thoát. (Không thấy có sự việc nào cả, gọi là thấy đạo. Không làm việc gì cả, gọi là làm theo đạo, liền thấy đâu đâu cũng là cõi không, nơi nào cũng là cõi pháp, dù ở đâu cũng là không ở, không làm, đó tức là thấy Phật. Nếu như thấy có hình tướng, liền thấy đâu đâu cũng là ma quỷ. Do chấp giữ hình tướng nên đọa vào địa ngục. Do quán xét các pháp nên được giải thoát.)
Nhược kiến ức tướng phân biệt, tức thọ hoạch thang lô thán đẳng sự, hiện kiến sanh tử tướng. Nhược kiến pháp giới tánh, tức Niết-bàn tánh, vô ức tưởng phân biệt, tức thị pháp giới tánh. Tâm thị phi sắc cố phi hữu. Dụng nhi bất phế cố phi vô. Dụng nhi thường không cố phi hữu, không nhi thường dụng cố phi vô. (Nếu như thấy có sự phân biệt nhớ tưởng, liền phải chịu lấy những cảnh cực hình như chảo nước sôi, lò than nóng... Tướng sanh tử liền hiện ra trước mắt. Nếu như thấy được tánh của cõi pháp, đó chính là tánh Niết-bàn. Không có sự phân biệt nhớ tưởng tức là tánh của cõi pháp. Tâm vốn không hình sắc nên chẳng phải có. Có chỗ dùng đến không bỏ nên chẳng phải không. Dùng đến mà vẫn thường không nên chẳng phải có. Không mà vẫn thường dùng đến nên chẳng phải không.)
Tổng quan:
.png)
Xem video clip:
https://www.youtube.com/watch?v=5LuV1wzVblU
V/- Đệ Ngũ Môn: NgộTánh Luận
Kinh vân: Ly nhất thiết chư tướng, tức danh chư Phật. Thị tri hữu tướng thị vô tướng chi tướng. Bất khả dĩ nhãn kiến, duy khả dĩ trí tri. Nhược văn thử pháp giả, sanh nhất niệm tín tâm, thử nhân dĩ phát đại thừa, nãi siêu tam giới. Tam giới giả, tham, sân, si thị. Phản tham, sân, si, vi giới định, huệ, tức danh siêu tam giới. (Kinh dạy rằng: "Lìa bỏ hết thảy mọi hình tướng, liền gọi là chư Phật." Cho nên biết rằng mọi hình tướng có đó chính là cái tướng "không tướng", không thể dùng mắt để thấy, chỉ có thể dùng trí để biết. Nếu ai nghe được pháp này mà phát sinh một niệm tin nhận, đó là đã phát khởi pháp Đại thừa, liền vượt thoát ngoài ba cõi. Ba cõi đó chính là tham lam, sân hận và si mê. Khi chuyển hóa được tham, sân, si trở thành giới, định, huệ liền gọi là vượt thoát ngoài ba cõi.)
Nhiên tham, sân, si diệc vô thật tánh, đãn cứ chúng sanh nhi ngôn hĩ. Năng phản chiếu liễu liễu kiến, tham, sân, si tánh tức thị Phật tánh, tham sân, si ngoại cánh vô biệt hữu Phật tánh. (Nhưng tham, sân, si cũng không có tánh thật, chỉ do nơi chúng sinh gọi tên. Nếu thường quay vào tự tâm soi rọi rõ biết sẽ thấy rằng tánh của tham, sân, si chính là tánh Phật. Ngoài tham, sân, si ra thật không riêng có tánh Phật nào khác.)
Kinh vân: Chư Phật tòng bản lai, thường xử ư tam độc, trưởng dưỡng ư bạch pháp, nhi thành ư Thế Tôn. Tam độc giả, tham, sân, si dã. Ngôn đại thừa, tối thượng thừa giả, giai Bồ-tát sở hành chi xứ dã. Vô sở bất thừa, diệc vô sở thừa, chung nhật thừa vị thường thừa, thử vi Phật thừa. Kinh vân: Vô thừa vi Phật thừa dã. (Kinh dạy rằng: "Chư Phật xưa nay thường ngụ trong ba độc mà nuôi dưỡng các pháp thanh tịnh, thành bậc xuất thế." Ba độc đó, chính là tham, sân, si. Nói pháp Đại thừa hay Tối thượng thừa đều là nói đến chỗ sở hành của Bồ-tát. Không gì không là pháp ấy, lại cũng không có gì là pháp ấy. Suốt ngày tu pháp ấy mà chưa từng tu pháp, đó là Phật thừa. Kinh dạy rằng: "Vô thừa là Phật thừa.")
Nhược nhân tri lục căn bất thật, ngũ uẩn giả danh, biến thể cầu chi, tất vô định xứ, đương tri thử nhân giải Phật ngữ. Kinh vân: Ngũ uẩn quật trạch, thị danh thiền viện. Nội chiếu khai giải tức đại thừa môn. Bất ức nhất thiết pháp, nãi danh vi thiền định. Nhược liễu thử ngôn giả, hành trụ, toạ, ngoạ giai thị thiền định. (Như có người nào rõ biết rằng sáu căn là không thật, năm uẩn đều là tên gọi giả tạo, cầu tìm khắp trong đó cũng không có chỗ nào chắc thật, nên biết rằng người ấy đã hiểu được lời Phật dạy. Kinh dạy rằng: "Nơi tụ hội của năm uẩn gọi là thiền viện. Soi sáng trong tâm, mở thông rõ biết tức là pháp Đại thừa. Không nhớ tưởng bất cứ pháp nào nên gọi là thiền định." Nếu như hiểu rõ được lời dạy này thì dù trong khi đi đứng nằm ngồi cũng đều là thiền định.)
Ly chư động định, danh đại tọa thiền. Hà dĩ cố? Phàm phu nhất hướng động, Tiểu thừa nhất hướng định. Vị xuất quá phàm phu, tiểu thừa chi tọa thiền, danh đại toạ thiền. Nhược tác thử hội giả, nhất thiết chư tướng bất ly tự giải. Nhất thiết chư bệnh bất trị tự sái. Thử giai đại thiền định lực. (Không còn xao động và yên định, đó gọi là phép ngồi thiền cao tột. Vì sao vậy? Người phàm tục thảy đều hướng theo xao động, hàng tiểu thừa thảy đều hướng theo yên định, nên nói rằng vượt qua khỏi chỗ ngồi thiền của người phàm tục và hàng tiểu thừa gọi là pháp ngồi thiền cao tột. Nếu nhận hiểu được điều này thì hết thảy các tướng không lìa mà tự cởi mở, hết thảy các bệnh không trị mà tự khỏi. Đó đều là nhờ sức định của pháp thiền cao tột.)
Phàm tương tâm cầu pháp giả vi mê, bất tương tâm cầu pháp giả vi ngộ. Bất trước văn tự danh giải thoát, bất nhiễm lục trần danh hộ pháp. Xuất ly sanh tử danh xuất gia. Bất thọ hậu hữu danh đắc đạo. Bất sanh vọng tưởng danh Niết-bàn. Bất xử vô minh vi đại trí huệ. Vô phiền não xứ danh bát Niết- bàn. Vô tướng xứ danh vi bỉ ngạn. (Lấy tâm để cầu pháp là mê, không lấy tâm cầu pháp là ngộ. Không trói buộc vào văn tự gọi là giải thoát. Chẳng nhiễm sáu trần gọi là giữ được pháp. Lìa khỏi sinh tử gọi là xuất gia. Không còn thọ lãnh thân đời sau gọi là được đạo. Chẳng sinh vọng tưởng gọi là Niết-bàn. Chẳng ở trong vô minh gọi là trí huệ lớn. Chẳng còn nơi nào phiền não gọi là nhập vào Niết-bàn. Chẳng còn nơi nào có hình tướng gọi là bờ bên kia.)
Mê thời hữu thử ngạn, ngộ thời vô thử ngạn. Hà dĩ cố ? Vi phàm phu nhất hướng trụ thử. Nhược giác tối thượng thừa giả, tâm bất trụ thử, diệc bất trụ bỉ, cố năng ly ư thử bỉ ngạn dã. Nhược kiến bỉ ngạn dị ư thử ngạn, thử nhân chi tâm dĩ vô thiền định. (Khi mê có bờ bên này, khi ngộ không có bờ bên này. Vì sao vậy? Người phàm tục thảy đều hướng về ở nơi bờ bên này. Nếu là người hiểu rõ được pháp Tối thượng thừa, tâm chẳng ở nơi bờ bên này, cũng chẳng ở nơi bờ bên kia, nên có thể lìa cả đôi bờ. Nếu thấy bờ bên kia khác với bờ bên này, ấy là trong tâm thật không có thiền định.)
Phiền não danh chúng sanh, ngộ giải danh Bồ- đề. Diệc bất nhất bất dị, chỉ cách kỳ mê ngộ nhĩ. Mê thời hữu thế gian khả xuất, ngộ thời vô thế gian khả xuất. Bình đẳng pháp trung bất kiến phàm phu dị ư thánh nhân. (Phiền não gọi là chúng sanh, tỉnh giác rõ biết gọi là Bồ-đề, chẳng phải là một, cũng chẳng phải khác nhau, chỉ phân cách do nơi mê với ngộ mà thôi. Khi mê có cõi thế để ra khỏi, khi ngộ chẳng có cõi thế nào để có thể ra khỏi. Trong pháp bình đẳng không thấy rằng kẻ phàm phu khác với bậc thánh.)
Phàm ngôn nhất tâm giả, tự phá ngỗ thạch, trúc mộc vô tình chi vật. Nhược tri tâm thị giả danh vô hữu thật thể, tức tri tự tịch chi tâm, diệc thị phi hữu, diệc thị phi vô.
Hà dĩ cố? Phàm phu nhất hướng sanh tâm, danh vi hữu. Tiểu thừa nhất hướng diệt tâm, danh vi vô. Bồ Tát dữ Phật vị tằng sanh tâm, vị tằng diệt tâm, danh vi phi hữu phi vô tâm. Phi hữu phi vô tâm, thử danh vi trung đạo. (Nói chỉ một tâm này, tưởng như là phá vỡ hết muôn vật vô tình tre cây, ngói đá. Nhưng nếu biết rằng "tâm" cũng chỉ là một tên gọi giả tạo, không có thực thể, thì liền biết được cái tâm tự tịch tĩnh, cũng không phải có, cũng chẳng phải không. Vì sao vậy? Kẻ phàm tục thảy đều hướng đến sinh tâm nên gọi là có. Hàng Tiểu thừa thảy đều hướng đến diệt tâm nên gọi là không. Chư Phật, Bồ Tát chưa từng sinh tâm, chưa từng diệt tâm, nên gọi là tâm chẳng có chẳng không. Tâm chẳng có chẳng không, đó gọi là trung đạo.)
Thị tri tương tâm học pháp, tắc tâm pháp câu mê. Bất tương tâm học pháp, tất tâm pháp câu ngộ. Phàm mê giả, mê ư ngộ. Ngộ giả, ngộ ư mê. Chánh kiến chi nhân, tri tâm không vô, tức siêu mê ngộ. Vô hữu mê ngộ, thuỷ danh chánh giải chánh kiến. (Cho nên biết rằng, dùng tâm để học pháp thì tâm với pháp đều mê. Không dùng tâm để học pháp thì tâm với pháp đều ngộ. Mê, đó là mê ở nơi ngộ. Ngộ, đó là ngộ ở nơi mê. Người có được cái thấy chân chánh thì biết rằng tâm vốn không không, liền vượt thoát cả mê và ngộ. Không có mê ngộ mới gọi là thấy biết chân chánh.)
Sắc bất tự sắc, do tâm cố sắc. Tâm bất tự tâm, do sắc cố tâm. Thị tri tâm sắc lưỡng tướng câu hữu sanh diệt. (Sắc, chẳng phải tự là sắc, do nơi tâm nên là sắc1. Tâm chẳng phải tự là tâm, do nơi sắc nên là tâm. Cho nên biết rằng cả hai tướng tâm và sắc đều có sinh diệt.)
1Sắc và tâm ở đây chỉ sắc pháp và tâm pháp, do đối đãi với nhau mà có trong thế giới nhận thức của chúng ta
Hữu giả, hữu ư vô. Vô giả, vô ư hữu. Thị danh chân kiến. Phù chân kiến giả, vô sở bất kiến, diệc vô sở kiến. Kiến mãn thập phương, vị tằng hữu kiến. Hà dĩ cố? Vô sở kiến cố, kiến vô kiến cố, kiến phi kiến cố. Phàm phu sở kiến, giai danh vọng tưởng. Nhược tịch diệt vô kiến, thuỷ danh chân kiến. (Có, đó là đối với không. Không, đó là đối với có. Như vậy gọi là cái thấy chân thật. Cái thấy chân thật thì chẳng có gì là không thấy mà cũng chẳng có gì thấy. Thấy khắp mười phương mà chưa từng thấy. Vì sao vậy? Vì không có gì để thấy, vì thấy được cái không thấy, vì thấy mà không phải là thấy. Những gì người phàm tục nhìn thấy đều gọi là vọng tưởng. Nếu đạt đến tịch diệt không nhìn thấy mới gọi là cái thấy chân thật.)
Tâm cảnh tương đối, kiến sanh ư trung. Nhược nội bất khởi tâm, tắc ngoại bất sanh cảnh. Cố tâm cảnh câu tịnh, nãi danh vi chân kiến. Tác thử giải thời, nãi danh chánh kiến.
Bất kiến nhất thiết pháp, nãi danh đắc đạo. Bất giải nhất thiết pháp, nãi danh giải pháp. Hà dĩ cố? Kiến dữ bất kiến, câu bất kiến cố. Giải dữ bất giải, câu bất giải cố. Vô kiến chi kiến, nãi danh chân kiến. Vô giải chi giải, nãi danh chân giải. (Do tâm và cảnh đối nhau mà phát sinh cái thấy. Nếu trong không khởi tâm thì ngoài không sinh cảnh, do đó mà tâm và cảnh đều thanh tịnh, mới gọi là cái thấy chân thật. Khi hiểu biết được như vậy mới gọi là thấy biết chân chánh. Không thấy hết thảy các pháp, gọi là đắc đạo. Không hiểu hết thảy các pháp, gọi là hiểu pháp. Vì sao vậy? Vì không thấy cả chỗ thấy và không thấy, vì không hiểu cả chỗ hiểu và không hiểu. Cái thấy không thấy mới gọi là cái thấy chân thật. Cái hiểu không hiểu mới gọi là cái hiểu chân thật.)
Phù chân kiến giả, phi trực kiến ư kiến, diệc nãi kiến ư bất kiến. Chân giải dã, phi trực giải ư giải, diệc nãi giải ư bất giải. Phàm hữu sở giải, giai danh bất giải. Vô sở giải giả, thuỷ danh chân giải. Giải dữ bất giải, câu phi giải dã. (Cái thấy chân thật đó, chẳng phải thấy ngay trước mắt mà thấy, cũng là thấy chỗ không thấy. Cái hiểu chân thật đó, chẳng phải hiểu ngay trước mắt mà hiểu, cũng là hiểu chỗ không hiểu. Nếu có chỗ hiểu đều gọi là không hiểu. Không có chỗ hiểu mới gọi là cái hiểu chân thật. Hiểu và chẳng hiểu đều chẳng phải là hiểu.)
Kinh vân: Bất xả trí huệ, danh ngu si. Dĩ tâm vi không, giải dữ bất giải câu thị chân. Dĩ tâm vi hữu, giải dữ bất giải câu thị vọng. (Kinh dạy rằng: "Không lìa bỏ trí huệ, gọi là ngu si." Nếu tâm là không thì hiểu với không hiểu đều là chân thật. Nếu tâm là có thì hiểu với không hiểu đều là hư vọng.)
Nhược giải thời, pháp trục nhân. Nhược bất giải thời, nhân trục pháp. Nhược pháp trục ư nhân, tắc phi pháp thành pháp. Nhược nhân trục ư pháp, tắc pháp thành phi pháp. Nhược nhân trục ư pháp, tắc pháp giai vọng. Nhược pháp trục ư nhân, tắc pháp giai chân. (Như khi hiểu rồi thì các pháp đuổi theo người. Như khi chưa hiểu thì người đuổi theo các pháp. Nếu các pháp đuổi theo người thì không phải pháp cũng thành pháp. Nếu người đuổi theo các pháp thì pháp cũng thành không phải pháp. Nếu người đuổi theo các pháp thì các pháp pháp đều là hư vọng. Nếu pháp đuổi theo người thì các pháp đều là chân thật.)
Thị dĩ thánh nhân diệc bất tương tâm cầu pháp, diệc bất tương pháp cầu tâm, diệc bất tương tâm cầu tâm, diệc bất tương pháp cầu pháp. Sở dĩ tâm bất sanh pháp, pháp bất sanh tâm. Tâm pháp lưỡng tịch, cố thường vi tại định. (Vì thế cho nên bậc thánh nhân không dùng tâm để cầu pháp, cũng không dùng pháp để cầu tâm, không dùng tâm để cầu tâm, cũng không dùng pháp để cầu pháp. Do đó mà tâm không sinh pháp, pháp không sinh tâm, tâm pháp đều vắng lặng nên thường trong định.)
Mê thời lục thức ngũ ấm giai thị phiền não sanh tử pháp, ngộ thời lục thức ngũ ấm giai thị Niết-bàn vô sanh tử pháp. Tu đạo chi nhân bất ngoại cầu đạo. Hà dĩ cố? Tri tâm thị đạo. Nhược đắc tâm thời, vô tâm khả đắc. Nhược đắc đạo thời, vô đạo khả đắc. Nhược ngôn tương tâm cầu đạo đắc giả, giai danh tà kiến. Mê thời hữu Phật hữu pháp, ngộ vô Phật vô pháp. Hà dĩ cố? Ngộ tức thị Phật pháp. (Khi mê thì sáu thức, năm ấm đều là pháp phiền não sanh tử. Khi ngộ thì sáu thức, năm ấm đều là pháp Niết-bàn không sanh tử. Người tu hành không cầu đạo ở bên ngoài. Vì sao vậy? Rõ biết tâm chính là đạo. Khi được tâm rồi, thật không có tâm nào để được. Khi đắc đạo rồi, thật không đạo nào để đắc. Nếu ai nói dùng tâm cầu đạo mà được, đều gọi là tà kiến. Khi mê thì có Phật, có pháp. Khi ngộ thì không Phật, không pháp. Vì sao vậy? Chỗ ngộ ấy chính là Phật pháp.)
Nhược nhất niệm tâm khởi, tắc hữu thiện ác nhị nghiệp, hữu thiên đường địa ngục. Nhược nhấtniệm tâm bất khởi, tức vô thiện ác nhị nghiệp, diệc vô thiên đường địa ngục. (Nếu trong một niệm khởi tâm, liền có hai nghiệp lành dữ, có thiên đường địa ngục. Nếu trong một niệm không khởi tâm, liền không có hai nghiệp lành dữ, cũng không có thiên đường địa ngục.)
Vi thể phi hữu phi vô. Tại phàm tức hữu, tại thánh tức vô. Thánh nhân vô kỳ tâm, cố hung ức không đỗng, dữ thiên đồng lượng. Tâm đắc Niết- bàn thời, tức bất kiến hữu Niết-bàn. Hà dĩ cố? Tâm thị Niết-bàn. Nhược tâm ngoại cánh kiến Niết-bàn, thử danh trước tà kiến giả. (Tự thể vốn chẳng phải có, chẳng phải không. Nơi người phàm tục là có, nơi bậc thánh là không. Bậc thánh nhân không có tâm ấy nên lòng dạ rỗng suốt, rộng bằng trời đất. Khi tâm được niết bàn tức không thấy có Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì tâm chính là Niết-bàn. Nếu ngoài tâm thấy có Niết-bàn, đó gọi là vướng mắc vào tà kiến.)
Ly tâm vô Phật, ly Phật vô tâm, diệc như ly thủy vô băng, diệc như ly băng vô thủy. (Lìa tâm không có Phật, lìa Phật không có tâm. Cũng như lìa nước không có băng, lìa băng không có nước.)
Ngôn ly tâm vô Phật giả, phi thị viễn ly ư tâm, đãn sử bất trước tâm tướng. Kinh vân: Bất kiến tướng danh vi kiến Phật. Tức thị ly tâm tướng dã. (Nói lìa tâm không có Phật, chẳng phải là nói lìa xa cái tâm, chỉ dạy đừng vướng mắc vào cái tướng của tâm. Kinh dạy rằng: "Không thấy hình tướng, gọi là thấy Phật." Đó là nói lìa cái tướng của tâm.)
Chúng sanh dữ Bồ-đề, diệc như thủy dữ băng. Vi tam độc sở thiêu, tức danh chúng sanh. Vi tam giải thoát sở tịnh, tức danh Bồ-đề. Vi tam đông sở đông tức danh vi băng. Vi tam hạ sở tiêu, tức danh vi thủy. Nhược xả khước băng, tức vô biệt thủy. Nhược khí khước chúng sanh, tắc vô biệt Bồ-đề. Chúng sinh với Bồ-đề cũng ví như nước với băng. Bị ba độc nung đốt nên gọi là chúng sanh. Do ba pháp giải thoát1 mà được thanh tịnh nên gọi là Bồ- đề. Bị ba tháng mùa đông làm cho đông lại nên gọi là băng. Do ba tháng mùa hạ làm cho tan chảy nên gọi là nước. Nếu lìa bỏ băng, tức không có nước nào khác. Nếu lìa bỏ chúng sinh, tất không có Bồ-đề nào khác.) 1Ba pháp giải thoát, hay tam giải thoát môn, bao gồm Không (空; Sanskrit: śūnyatā), Vô tướng (無相; Sanskrit: ānimitta), Vô nguyện (無願; Sanskrit: apraṇihita). Ba pháp quán tưởng giúp người tu tập đạt đến sự giải thoát nên gọi là Ba pháp giải thoát.
Chúng sanh độ Phật, Phật độ chúng sanh, thị danh bình đẳng. Chúng sanh độ Phật giả, phiền não sanh ngộ giải. Phật độ chúng sanh giả, ngộ giải diệtphiền não. Phi vô phiền não, phi vô ngộ giải. Thị tri phi phiền não vô dĩ sanh ngộ giải, phi ngộ giải vô dĩ diệt phiền não. Nhược mê thời Phật độ chúng sanh, nhược ngộ thời chúng sanh độ Phật. Hà dĩ cố? Phật bất tự thành, giai do chúng sanh độ cố. (Chúng sinh độ Phật, Phật độ chúng sanh, đó gọi là bình đẳng. Chúng sanh độ Phật, đó là phiền não sinh giác ngộ. Phật độ chúng sinh, đó là giác ngộ dứt trừ phiền não. Chẳng phải là không có phiền não, chẳng phải là không có giác ngộ. Cho nên biết rằng, không có phiền não thì chẳng lấy gì sinh ra giác ngộ. Không có giác ngộ thì không lấy gì dứt trừ phiền não. Nếu còn mê thì Phật độ chúng sinh, nếu ngộ rồi thì chúng sinh độ Phật. Vì sao vậy? Phật không tự thành, đều do chúng sinh độ thành.)
Giải thánh pháp giả, danh vi thánh nhân. Giải phàm pháp giả, danh vi phàm phu. Đãn năng xả phàm pháp tựu thánh pháp, tức phàm phu thành thánh nhân hĩ. Thế gian ngu nhân, đãn dục viễn cầu thánh nhân, bất tín huệ giải chi tâm vi thánh nhân dã. (Hiểu rõ được pháp của bậc thánh thì gọi là thánh nhân. Hiểu pháp của thế tục thì gọi là phàm phu. Chỉ cần lìa bỏ pháp của thế tục, thành tựu pháp của bậc thánh thì phàm phu liền trở thành thánh nhân. Những người ngu ở thế gian chỉ cầu được thánh nhân ở nơi xa xôi, chẳng tin rằng tâm trí huệ rõ biết chính là thánh nhân.)
Kinh vân: Vô trí nhân trung, mạc thuyết thử kinh. Thử kinh giả, tâm dã pháp dã. Vô trí chi nhân, bất tín thử tâm giải pháp, thành ư thánh nhân, đãn dục viễn cầu ngoại học ái mộ không trung, Phật tượng quang minh hương sắc đẳng sự, giai đọa tà kiến, thất tâm cuồng loạn. (Kinh dạy rằng: "Trong đám người không có trí huệ, đừng giảng nói kinh này." Đó là muốn nói việc tâm hiểu được pháp. Người không có trí huệ không tin rằng chính tâm này hiểu được pháp sẽ thành thánh nhân, chỉ muốn cầu ở xa xôi, học ở bên ngoài, ưa mến hình tượng Phật giữa cõi không, cùng với những việc như: ánh sáng, hình sắc, hương thơm... thảy đều rơi vào tà kiến, cuồng loạn đánh mất bản tâm.)
Kinh vân: Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai. Bát vạn tứ thiên pháp môn, tận do nhất tâm nhi khởi. Nhược tâm tướng nội tịnh, do như hư không, tức xuất ly thân tâm nội bát vạn tứ thiên phiền não bệnh bản dã. Phàm phu đương sanh ưu tử, lâm bão sầu cơ, giai danh đại hoặc. Sở dĩ chí nhân bất mưu kỳ tiền, bất lự kỳ hậu, vô biến đương kim, niệm niệm quy đạo. (Kinh dạy rằng: "Nếu thấy rằng các tướng chẳng phải là tướng, liền thấy Như Lai." Tám vạn bốn ngàn pháp môn, thảy đều do một tâm này sinh khởi. Nếu tướng của tâm bên trong vắng lặng, đồng như hư không, liền lìa thoát được cội gốc của tám vạn bốn ngàn căn bệnh phiền não trong thân tâm. Kẻ phàm phu đang sống lo chết, vừa lo no đói, đều gọi là mê lầm lớn. Cho nên bậc chí nhân chẳng tính việc trước, chẳng lo việc sau, chẳng làm thay đổi việc hiện tại, lúc nào cũng quay về nơi đạo.)
Xem video clip:
https://www.youtube.com/watch?v=MNtAYKLdfVM
https://www.youtube.com/watch?v=GrPGavWnQM8
https://www.youtube.com/watch?v=z7-YToib61k
Tổng quan:
.png)
(Xem tiếp->) |