2/- Luận về Chùa Tháp, Đúc Tượng, Lễ Lạy:
Ngôn già-lam giả, Tây quốc ngữ, thử độ phiên vi thanh tịnh địa dã. Nhược vĩnh trừ tam độc, thường tịnh lục căn, thân tâm trạm nhiên, nội ngoại thanh tịnh, thị danh tu tạo già-lam. [Ngôn ngữ Ấnđộ, Già-Lam (स्तूप, stūpa) có nghĩa là chùa tháp là muốn chỉ nơi thanh tịnh. Nếu trừ dứt ba độc, sáu căn thường trong sạch, thân tâm vắng lặng an nhiên, trong ngoài đều thanh tịnh, như vậy gọi là tạo sửa chùa tháp].
Nhiễu tháp hành đạo giả, tháp giả thị thân dã. Đương tu giác hạnh tuần nhiễu thân tâm, niệm niệm bất đình, danh vi nhiễu tháp. Kim thời thế nhân bất hội thử lý, tằng bất nội hành, duy chấp ngoại cầu, tương chất ngại thân nhiễu thế gian tháp. Nhật dạ tẩu sậu, đồ tự bì lao, nhi ư chân tánh, nhất vô lợi ích. (Như nói đi quanh tháp để tỏ lòng cung kính, thì tháp đó tức là chỉ cho thân. Cho nên cần phải tu hạnh tỉnh giác, thường quán xét thân thân tâm, niệm niệm không dừng nghỉ. Như thế gọi là đi quanh tháp tỏ lòng cung kính. Người đời nay không hiểu được ý nghĩa đó, trong tâm chẳng tu tỉnh giác, chỉ hướng cầu bên ngoài, dùng cái thân vật chất ngăn ngại để đi quanh nhiễu tháp thế gian, cho nên nhọc nhằn suốt ngày đêm mà tự tánh chân thật chẳng được chút ích lợi gì.)
Hựu lục thời hành đạo giả, sở vị lục căn chi trung ư nhất thiết thời thường hành Phật đạo, tu chư giác hạnh, điều phục lục căn, trường thời bất xả, danh vi lục thời hành đạo. (Chỉ xét kỹ theo đó thì thấy ngay là không hợp lý. Còn nói việc ngày đêm sáu thời đi quanh cung kính1, ấy là trong sáu căn lúc nào cũng làm theo pháp Phật, thường tu các hạnh tỉnh giác, điều phục sáu căn không lúc nào buông thả. Như thế gọi là sáu thời đi quanh cung kính.) 1Nguyên tác dùng hai chữ hành đạo (行道), xưa nay vẫn thường bị hiểu sai theo nghĩa là "thực hành đạo lý". Thực ra, hành đạo ở đây mang nghĩa là "di trên đường", và ý nghĩa được dùng của cụm từ này liên quan đến một tập quán của người Ấn Độ vào thời đức Phật. Để tỏ lòng cung kính đối với một người hay một đối tượng thờ kính, người ta thường đi quanh người hay đối tượng ấy nhiều vòng theo chiều từ trái sang phải. Cách đi để tỏ lòng cung kính như thế cũng gọi là "đi nhiễu", như trong cụm từ "nhiễu tháp".
Chú tả hình tượng giả, tức thị hậu chư tổ nhất thiết chúng sanh cầu phật đạo dã. Sở vị tu chư giác hạnh, bàng pháp tượng chân dung diệu tướng, khởi vị chú tả kim đồng chi sở tác hồ. Thị cố cầu giải thoát giả, dĩ thân vi lô, dĩ pháp vi hoả, dĩ trí huệ vi xảo tượng, dĩ tam tụ tịnh giới, lục ba-la-mật dĩ vi mô quỹ, dung luyện thân trung chân như Phật tánh, biến nhập nhất thiết giới luật mô trung, như giáo phụng hành, nhất vô lậu khuyết, tự nhiên thành tựu chân dung chi tượng. Sở vị cứu cánh trường trụ vi diệu sắc thân, bất thị hữu vi bại hoại chi pháp. Nhược nhân cầu đạo, bất giải như thị chú tả chân dung, bằng hà triếp ngôn công đức? (Nói đúc vẽ hình tượng là các chư tổ đời sau muốn chỉ cho phương tiện hướng cầu con đường giác ngộ của hết thảy chúng sanh. Soi theo đó để tu mọi hạnh giác ngộ, phản ảnh bởi pháp tướng qua dung mạo toát lên tánh chân thật giúp diệu hóa các tướng, đâu phải là việc đúc vẽ bằng những thứ như vàng, đồng? Cho nên người cầu đạo giải thoát lấy thân làm lò đốt, lấy pháp làm lửa nóng, lấy trí huệ làm thợ khéo, lấy ba nhóm giới thanh tịnh cùng với sáu pháp ba-la-mật làm khuôn đúc để mà đúc luyện (tôi luyện) Phật tánh chân như trong tự thân, nhập thành hết thảy mọi khuôn phép giới luật, vâng làm theo đúng lời Phật dạy, không hề sai sót, tự nhiên thành tựu được tướng chân thật. Đó là sắc thân rốt ráo vi diệu thường còn, chẳng phải là pháp hữu vi hoại nát. Nếu người cầu đạo không hiểu được ý nghĩa của việc đúc vẽ hình tượng như vậy, thì do đâu có thể nói là được công đức?)
Hựu lễ bái giả, đương như pháp dã, tất tu lý thể nội minh, sự tuỳ quyền biến. Hội như thị nghĩa, nãi danh y pháp. Phù lễ giả, kính dã. Bái giả, phục dã. Sở vị cung kính chân tánh, khuất phục vô minh, danh vi lễ bái. (Lại nói về việc lễ lạy, cần phải theo đúng như chánh pháp. Lý trong tâm phải luôn sáng rõ, sự bên ngoài phải biết tùy hoàn cảnh mà thay đổi thích hợp. Hiểu được ý nghĩa như thế mới gọi là theo đúng như chánh pháp. Lễ tức là cung kính, lạy tức là khuất phục. Đó là nghĩa cung kính đối với chân tánh, khuất phục sự ngu si tăm tối, như vậy gọi là lễ lạy.)
Nhược năng ác tình vĩnh diệt, thiện niệm hằng tồn, tuy bất lý tướng, danh vi lễ bái. Kỳ tướng tức pháp tướng dã. Hậu Chư Tổ dục linh thế tục biểu khiêm hạ tâm, diệc vi lễ bái nhất thời phương tiện. Giác ngoại minh nội, tánh tướng tương ưng. Nhược phục bất hành lý pháp, duy chấp ngoại cầu, nội tắc phóng túng tham si, thường vi ác ngiệp, ngoại tức không lao thân tướng, trá hiện oai nghi, vô tàm ư thánh, đồ cuống ư phàm, bất miễn luân hồi, khởi thành công đức? (Nếu như có thể mãi mãi dứt được tánh ác, gìn giữ niệm lành thường còn, tuy chẳng lưu tâm đến hình tướng cũng gọi là lễ lạy. Tướng lễ lạy ấy là pháp tướng. Các Tổ sau nầy vì muốn cho người thế tục tỏ lòng khiêm hạ nên cũng dùng việc lễ bái tạm làm phương tiện. Bên ngoài rõ biết, bên trong sáng tỏ, tánh và tướng cùng tương hợp với nhau. Nếu không làm theo đúng pháp như thế, chỉ mê chấp cầu hình tướng bên ngoài, trong lòng buông thả những tham lam, ngu si, thường làm các nghiệp ác, thì ngoài chỉ nhọc nhằn thân xác vô ích, giả hiện vẻ uy nghi, không biết hổ thẹn với bậc thánh, dối gạt kẻ phàm tục, chẳng ra khỏi chốn luân hồi, làm sao lại thành công đức?)
Sở dĩ kim nhân vô năng giải ngộ, thiết kiến kim thời thiển thức, duy tri sự tướng vi công, quảng phí tài bảo, đa thương thuỷ lục, vọng doanh tượng tháp. Hư dịch nhân phu, tích mộc điệp nê, đồ thanh họa duyên. Khuynh tâm tận lực, tổn kỷ mê tha, vị giải tàm quý, hà tằng giác ngộ? Kiến hữu vi tắc cần cần ái trước, thuyết vô vi tắc ngột ngột như mê. Thả tham hiện thế chi tiểu từ, khởi giác đương lai chi đại khổ. Thử chi tu học, đồ tự bì lao, bội chánh quy tà, thuỳ ngôn hoạch phước? (Người đời nay không hiểu được những nghĩa lý ấy, do sự hiểu biết nông cạn của mình nên chỉ lấy những việc làm theo hình tướng mà cho là công đức, tốn kém biết bao nhiêu tiền của; đắp tượng, xây tháp uổng phí sức người; dốc lòng hết sức cũng chỉ tự làm tổn hại bản thân, mê hoặc người khác, chẳng biết là rất đáng hổ thẹn, biết bao giờ được giác ngộ? Thấy pháp hữu vi thì hết lòng đắm chấp, nghe nói đến pháp vô vi thì ngớ ngẩn, mê muội. Chỉ tham những điều lành nhỏ nhoi trước mắt, nào biết được nỗi khổ lớn mai sau?1 Tu học như thế chỉ tự mình nhọc công phí sức, bỏ chánh theo tà, ai bảo là được phước?)
1Điều lành nhỏ nhoi trước mắt tức là những việc thiện theo pháp hữu vi, dù có quả báo tốt nhưng chẳng giúp gì cho việc giải thoát. Nỗi khổ lớn mai sau tức là vòng sinh tử luân hồi triền miên chẳng dứt.
Đãn năng nhiếp tâm nội chiếu, giác quán ngoại minh. Tuyệt tam độc vĩnh sử tiêu vong, bế lục tặc bất linh xâm nhiễu. Tự nhiên hằng sa công đức, chủng chủng trang nghiêm, vô số pháp môn, nhất nhất thành tựu. Siêu phàm chứng thánh, mục kích phi dao. Ngộ tại tu du, hà phiền hạo thủ. (Chỉ cần có thể thâu nhiếp được tâm, soi chiếu bên trong, tỉnh thức rõ biết sáng tỏ bên ngoài, tham sân si vĩnh viễn dứt tuyệt, ngăn giữ sáu căn chẳng để cho ngoại trần quấy nhiễu, thì tự nhiên vô số công đức thảy đều trang nghiêm, vô số pháp môn thảy đều thành tựu, vượt phàm chứng thánh thấy ngay trước mắt, ngộ đạo trong giây lát, đợi chi đến lúc bạc đầu?)
Tổng quan:
3/- Luận về việc cầu vãng sanh:
Vấn: Như kinh thuyết ngôn: Chí tâm niệm Phật, tất đắc vãng sanh Tây phương Tịnh độ. Dĩ thử nhất môn, tức ưng thành Phật. Hà giả quán tâm, cầu ư giải thoát? (Như trong kinh dạy rằng: Hết lòng niệm Phật, chắc chắn được vãng sanh về cõi Tịnh độ phương tây. Chỉ cần theo một pháp tu ấy ắt được thành Phật. Sao phải nói việc quán tâm cầu giải thoát?)
Đáp: Phù niệm Phật giả, đương tu chánh niệm. Liễu nghĩa vi chánh, bất liễu nghĩa vi tà. Chánh niệm tất đắc vãng sanh, tà niệm vân hà đáo bỉ tai? (Nói về việc niệm Phật, cần phải chánh niệm. Hiểu rõ ý nghĩa mà niệm tức là chánh niệm; không hiểu rõ ý nghĩa mà niệm tức là tà niệm. Chánh niệm thì chắc chắn được vãng sanh, còn tà niệm thì làm sao sinh được về cõi ấy?)
Phật giả, giác dã. Sở vị giác sát thân tâm, vật linh khởi ác dã. Niệm giả, ức dã. Sở vị ức trì giới hạnh, bất vong tinh tấn. Liễu như thị nghĩa, danh chi vi niệm. Cố tri niệm tại ư tâm, phi tại ư ngôn. (Phật là giác,1 nghĩa là tỉnh thức, rõ biết. Đó là nói sự tỉnh thức, rõ biết thân tâm, không để khởi lên những tư tưởng xấu ác. Niệm là nhớ tưởng, nghĩ đến. Đó là nói luôn nghĩ nhớ đến giới luật, không quên sự chuyên cần nỗ lực tiến tới. Hiểu rõ được ý nghĩa như vậy gọi là niệm. Vì thế, nên biết rằng việc niệm cốt yếu ở tâm, chẳng phải ở chỗ thể hiện ra thành tiếng.)
1Phật, nói đủ là Phật-đà (佛陀), phiên âm từ tiếng Phạn là Buddha, dịch nghĩa là giác-giả (覺者), hay người tỉnh thức, rõ biết, hay bậc giác ngộ.
Nhân thuyên cầu ngư, đắc ngư vong thuyên. Nhân ngôn cầu ý, đắc ý vong ngôn. Ký xưng niệm Phật chi danh, tu tri niệm Phật chi đạo. Nhược tâm vô thật, khẩu tụng không danh, tam độc nội trăn, nhân ngã điền ức, tương vô minh tâm, hướng ngoại cầu Phật, đồ nhĩ hư công. (Nhờ cái nơm mà bắt cá, được cá rồi đừng chấp giữ cái nơm. Nhờ lời nói mà cầu ý nghĩa, hiểu được ý nghĩa rồi đừng chấp giữ lời nói. Đã gọi là niệm Phật thì cần phải hiểu rõ ý nghĩa, phương cách niệm Phật. Nếu trong lòng không chân thật, miệng chỉ đọc suông, trong lòng chất chứa tham sân si, nhân ngã phân biệt càng che lấp. Đem tâm ngu si mê ám hướng ra bên ngoài cầu Phật, thật chỉ nhọc công mà chẳng ích lợi gì!)
Thả như tụng chi dữ niệm, nghĩa lý huyền thù. Tại khẩu viết tụng, tại tâm viết niệm. Cố tri niệm tòng tâm khởi, danh vi giác hạnh chi môn. Tụng tại khẩu trung, tức thị âm thanh chi tướng. Chấp ngoại cầu lý, chung vô thị xứ. Cố tri quá khứ chư thánh sở tu niệm Phật, giai phi ngoại thuyết, chỉ thôi nội tâm. Tâm tức chúng thiện chi nguyên, tâm vi vạn đức chi chủ. Niết-bàn thường lạc do chân tâm sanh. Tam giới luân hồi diệc tùng tâm khởi. Tâm thị xuất thế chi môn hộ. Tâm thị giải thoát chi quan tân. Tri môn hộ giả khởi lự nan nhập? Thức quan tân giả, hà ưu bất thông? (Nên biết, tụng và niệm ý nghĩa thật khác nhau. Miệng đọc thành tiếng gọi là tụng, trong lòng luôn nhớ nghĩ gọi là niệm. Cho nên phải biết rằng: niệm theo tâm mà sinh khởi, gọi là phép tu tỉnh giác, rõ biết; tụng theo nơi miệng đọc, tức là tướng trạng của âm thanh. Chấp giữ lấy tướng trạng bên ngoài mà cầu được nghĩa lý, chẳng bao giờ được. Cho nên các bậc thánh ngày xưa tu niệm Phật đều không chạy theo lời nói bên ngoài, chỉ suy xét kỹ trong tâm. Tâm là nguồn cội của mọi điều lành, là đứng đầu trong muôn hạnh tốt. Niết-bàn thường an vui là do chân tâm mà sinh, luân hồi trong ba cõi lại cũng từ nơi tâm mà có. Tâm là lối ra xuất thế, là cửa ải giải thoát. Đã biết lối ra, lo gì khó đến? Đã rành cửa ải, ngại gì chẳng qua?)
(Xem tiếp->) |