CHUYÊN MỤC
ĐỒNG TÂM
LỊCH ÂM DƯƠNG
LIÊN KẾT WEBSITE
Thông tin TOTHA » TOTHA  » Chi tiết
 
Quan điểm về Giác Ngộ trong các Tôn giáo tt2
(TOTHA) Giác ngộ là gì? Đây là câu hỏi và đề tài thật phức tạp luôn gây tranh cãi trong Đạo Phật suốt nhiều thế kỷ qua, cách diễn giải dị biệt ( khác nhau), miên viễn ( mơ hồ), huyễn hoặc (ngữ nghĩa siêu thực)... bế tắc!

    *Quan điểm Giác Ngộ theo giáo pháp của Đức Phật Cồ Đàm (Gautama) :

 

  Rất nhiều những tôn giáo, những pháp môn, những đạo sư đã nói đến giác ngộ, nhưng thường không nói rõ những trạng thái giác ngộ đó có bền vững hay không? Có các đạo sư ca ngợi trải nghiệm “sống trong hiện tại” như một trải nghiệm giác ngộ. Thực ra, trải nghiệm “sống trong hiện tại” chỉ là kết quả của Niệm xứ (Thân,Thụ, Tâm, Pháp) theo nhiều cách thức (đúng hơn là nghi thức) khác nhau, họ cũng cho rằng đó là Chánh niệm (theo pháp môn tu tập của họ), ta cần lưu ý phân biệt đúng (chánh tri kiến và tư duy) ý nghĩa Chánh niệm trong thuyết Bát Chánh Đạo của Đức Phật đã thuyết. Trải nghiệm “sống trong hiện tại” theo giáo pháp niệm xứ không bền, nghĩa là chánh niệm có thể mất đi rất nhanh bất cứ lúc nào. Ngay cả khi đạt được thiền định, những trải nghiệm trong định cũng mất đi rất nhanh khi xuất ra khỏi định. Một số đạo sư thuộc Ấn Độ giáo chỉ nhấn mạnh vào cái “giác ngộ” trong đời sống này. Họ không bàn về sự chấm dứt tái sanh hoặc không chứng minh được khả năng chấm dứt tái sanh. Theo giáo pháp của Đức Phật, nếu không chấm dứt được tái sinh thì sự giác ngộ nhất thời trong đời sống ngắn ngủi này sẽ trở thành vô nghĩa. Tất cả các tôn giáo, giáo phái của Ấn Độ giáo đều không xem việc chấm dứt tái sanh là cứu cánh của giải thoát [giáo thuyết căn bản của các trường phái đa phần là tôn tạo sự nượng tựa, phục vụ cho đấng nào đó để được độ trì tiếp dẫn trở về, đấng hình thức nầy được dựng lên bởi rất nhiều hình tướng khác nhau tuỳ theo giáo phái tín ngưỡng, tôn tạo từ huyền thoại, truyền thống,..]. Chỉ có hai tôn giáo sinh ra trên đất Ấn Độ đặt cứu cánh giải thoát là sự chấm dứt vòng luân hồi (samsara), đó là Đạo Phật và Đạo Jain.

       Trong kinh điển hệ Pali, Đức Phật không quan tâm đến các phạm trù Thượng Đế, Brahman, Tánh giác hay Phật tánh. Ngài từ chối không bàn bạc nhiều về Brahman của Bà La Môn giáo, cũng không bàn bạc nhiều về cái Tánh Giác hay Phật Tánh như các luận sư của Phật giáo Phát triển về sau này. Đức Phật không dính mắc vào tranh cãi triết học. Giáo pháp của Đức Phật không nhằm phát hiện hết tất cả quy luật vận hành của thế giới vật chất hay của thế giới tâm linh. Giáo pháp của Đức Phật chỉ nhắm vào mục đích làm cho con người hết đau khổ trong cuộc sống [Lá trong rừng kia nhiều so với lá trong nắm tay Như Lai chính là điều mà Như Lai cần nói chính là : Khổ và Diệt Khổ], và sau khi chết, người giác ngộ có thể an trú tại Nibbana mà không phải tái sanh [Niết bàn chỉ đạt được khi tâm đạt được sự trống không, chẳng còn vướng mắc bởi pháp hữu vi]. Giáo pháp của Đức Phật giúp con người không phải lập lại những chu kỳ vô tận của đời người mong manh và ngắn ngủi bởi sinh-lão-bệnh-tử [Tất cả các pháp hữu vi,như cơn mộng, như ảo ảnh, như bọt nước, như bóng, như sương mai, như ánh chớp thoáng qua]. Đích thực của Đạo Phật là thành tựu quả vị A-La-Hán (Diệt Thọ Tưởng Định), tất cả chúng sanh đều do mê lầm (vô minh) dính mắc vào những giả cảnh danh sắc, không nhận ra chân tướng của vạn pháp thảy đều do nhân duyên cấu thành nên, nếu kiên trì tinh tấn tu tập, triệt để tránh bị mọi vướng mắc vào những cảm thọ: sắc, thanh, hương,vị, xúc, pháp tức đã được giải thoát.

      Giác Ngộ trong giáo pháp thực sự của Đức Phật do nổ lực hoàn toàn tự thân. Sự giác ngộ này không nương nhờ tha lực hay sự ban phúc của một vị thầy [Hãy tự làm hòn đảo cho chính mình, hãy lấy chính mình làm nơi nương tựa, không nương tựa vào ai khác, hãy lấy Phật Pháp làm hòn đảo, lấy Phật Pháp làm nơi nương tựa, không ai khác có thể làm nơi nương tựa cho mình ]. Sự giác ngộ này không bám víu vào hạnh phúc của các cõi trời (thiên đàng), không tồn tại như một Đại Ngã mà hoàn toàn “Vô Ngã” [Muôn loài đều chung cùng một Bản thể. Bản thể ấy không phân biệt nhân và ngã. Tất cả vạn vật đều do nhân duyên hòa hợp mà sinh ra. Không có một pháp gì có thể tự nó tồn tại độc lập được. Ta và vạn pháp đã nương nhau mà tồn tại thì việc đem lòng từ bi và những ân huệ để bố thí cho chúng sinh, mới xem ra thì có vẻ như là vì người, mà thật ra thì chính ta cũng có được ích lợi lớn lao]. Chỉ riêng Đạo Phật nguyên thủy mới có các pháp Tuệ quán (Vipassana) hiểu như các pháp thiền quán để tạo ra các “tuệ giác ngộ”.

 

        Đạo Phật chỉ ra bốn cấp độ tiến tới thành tựu giác ngộ (còn gọi là bốn tầng thánh trí) tuỳ thuộc vào công phu tinh tấn của người tu tập. Bốn cấp độ giác ngộ trong Đạo Phật đều có tiêu chuẩn để nhận biết. Các bậc thiền định của Đạo Phật được mô tả rất chi tiết và có các tiêu chuẩn để hành giả xác nhận được mình đang ở bậc thiền nào. Các bậc thiền định hay tuệ quán của Đạo Phật nguyên thủy đều được mô tả rõ ràng, đồng thời cũng có những chuẩn mực, tiêu mốc để xác định và còn ghi lại trong các bộ Nikaya. Ví dụ: Sơ thiền là trạng thái định với năm thiền-chi (tầm, tứ, hỉ, lạc, định nhất tâm). Các giáo phái khác không bao giờ biết đến những chuẩn mốc này. Có giáo phái khi ngồi thiền thấy ánh sáng bèn cho mình đã đạt tới bản thể của thế giới, đã chứng ngộ Phật tánh. Có người khi ngồi thiền thấy các hình ảnh của chư thiên, thấy rồng bay phượng múa, bèn vui mừng cho rằng mình đã đắc thiền! Nếu hỏi đó là thiền gì? Định gì? Cấp độ gì? Giác ngộ gì? thì chắc chắn các giáo phái đó khó có câu trả lời minh bạch và thuyết phục!

         Do ý hướng về nội dung giác ngộ (thần thông, trở về đại ngã,...) có khác nhau nên phương cách tu tập và thực hành cũng phải khác nhau. Một tu sĩ bà La Môn giữ  phạm hạnh tuyệt đối để thực hành thiền định (samadhi), nếu thành công (đắc định) người tu sĩ này sẽ đạt đến cõi trời (thiên đàng) tương ứng của mức độ định mà mình tu tập được. Đối với Ấn giáo Bà La Môn, cõi trời cao nhất là giác ngộ cao nhất. Đức Phật cũng đã từng chứng đắc đầy đủ tám định của Bà La Môn nhưng Ngài không thấy cõi trời tối cao là Giác Ngộ tối thượng. Không thỏa mãn với các tầng trời, và bằng sự tự tin mãnh liệt luôn khát khao tìm ra con đường giải thoát đích thực, đã tích hợp thành động lực vĩ đại vượt qua mọi quái ngại (ái dục dậy khởi), khủng bố (ma vương quấy phá) trước khi thành tựu tứ thiền, ngài kiên trì tinh tấn truy quán đến tận cùng sâu thẩm của tâm thức đã chứng đắc giác ngộ đích thực (nhận ra chân tướng của vạn pháp và đoạn diệt lậu tận) đã tạo nên một kì tích tại cội Bồ Đề. Kinh điển có ghi lại diễn tiến tâm thức của Đức Phật dưới cội Bồ Đề khi Ngài thực hiện giác ngộ    [... Sau khi hoàn lại sinh lực (sau khi tu khổ hạnh vô ích), ta chú tâm giải thoát khỏi những tư tưởng tham ái, bất thiện và đạt được sơ thiền, sau đó nhị thiền, tam thiền và tứ thiền (Tứ thiền), nhưng những cảm giác hỉ lạc này không để lại dấu vết gì trong tâm ta...Khi tâm ta được an tịnh, thanh lọc, không bị dục vọng cấu uế, nhạy bén, chắc chắn, bất động, ta hướng nó về những kí ức và nhận thức về các kiếp trước. Ta nhớ lại nhiều tiền kiếp, một, hai, ba, bốn, năm, ..., trăm ngàn kiếp trước, nhớ những chu kì của thế giới. 'Nơi đó ta đã sống, tên của ta đã như thế, gia đình của ta là như thế, nghề nghiệp của ta, giai cấp xã hội của ta... Ta đã chết như vầy...'. Sự hiểu biết đầu tiên này ta đã đạt được trong canh đầu...Sau đó ta chú tâm đến sự sinh thành và hoại diệt của chúng sinh. Với con mắt của chư thiên, trong sáng, siêu việt mọi giới hạn nhân thế, ta thấy chúng sinh hình thành và tiêu hoại, ...chúng sinh tái sinh theo nghiệp lực. Ta nhận ra rằng 'Chúng sinh tạo nghiệp bất thiện qua ba ải thân khẩu ý đều chìm đắm sau khi chết, tái sinh trong đoạ xứ, địa ngục. Các chúng sinh nào tạo thiện nghiệp bằng thân khẩu ý được tái sinh trong thiện đạo, sau khi chết được lên cõi thiên'... Sự hiểu biết thứ hai này ta đã đạt được trong canh hai...Sau đó ta chú tâm nhận thức về sự tiêu diệt các lậu hoặc và nhìn nhận như thật: 'Đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là phương pháp tiêu diệt khổ, đây là con đường tiêu diệt khổ', và khi ta nhận thức được điều này, tâm ta thoát khỏi dục vọng, ham muốn tồn tại, vô minh. Ta tự hiểu chân lí 'Tái sinh ta đã đoạn, cuộc sống tu tập của ta đã hoàn tất, ta đã hoàn thành những gì phải làm. Cuộc sống (khổ đau) này ta đã vượt qua'... Sự hiểu biết thứ ba này ta đã đạt được trong canh ba]

        “Chánh pháp” của Đạo Phật là tất cả những gì Đức Phật đã thực hành 49 ngày dưới cội Bồ Đề tại Bodhgaya. Bởi vì giác ngộ là đỉnh điểm cuối cùng cho một quá trình tu chứng, là trải nghiệm duy nhất và riêng biệt trong tâm của người tu chứng, cho nên không dễ dàng gì để nói hết hay mô tả tường minh về trạng thái này [Ai ăn người ấy no, ai tu người ấy chứng]. Tuy nhiên dù sao ta vẫn có thể hình dung gián tiếp “trạng thái giác ngộ” qua con đường tu tập dẫn đến giác ngộ.  Ta sẽ thấy giác ngộ của Đạo Phật nguyên thủy là kết quả của một quá trình tu tập rất khoa học để nhận biết tâm, làm trong sạch tâm, để phát triển các loại trí (wisdom) đến cùng cực ( tuệ giác thành tựu) và cuối cùng nhận ra Níp bàn (như một đối tượng đặc biệt của tâm). Hoàn toàn không có tính thần bí trong sự  giác ngộ, không có sự ban phúc từ thượng đế hay một vị thầy nào cho người tu tập. Các giáo phái thuộc hệ tư tưởng Bà La Môn hoặc các giáo phái bí mật cho rằng Thầy (minh sư) có thể truyền tâm ấn, khai ngộ (initiate) cho đệ tử (cẩn thận chữ “khai ngộ” ở đây không phải là giác ngộ hoàn toàn). Điều này cũng đúng, bởi vì tâm của tất cả các chúng sanh đều nằm trong một thể thống nhất (continuum) cho nên có những mối liên hệ nhất định với nhau. Tuy nhiên “initiation” chỉ là những tương tác thuận lợi (trong tam giới) để cố giúp sự tương đồng giữa tâm đệ tử với tâm người thầy. Khai ngộ không thể thay thế cho nổ lực tu tập tự thân của người đệ tử. Hai nữa, khai ngộ là kĩ thuật trong sự tu tập thiền của các giáo phái Bà la Môn, tức những thiền đưa đến giác ngộ các cõi trời (thiên đàng) trong tam giới. Điều này khác hẳn với việc tu tập tuệ quán (Vipassana), mà Đạo Phật đã vạch ra (tuyên thuyết khắp đại chúng) nhằm mục đích là  sự nhận ra (thấy, biết) sự thật của vạn pháp (vô tướng) và thấu quán đến cùng cực nguyên lý tự nhiên (giác ngộ) nhằm giúp chúng sinh vượt thoát sự tái sinh trong tất cả các cõi kể cả cõi trời. Sự tu tập của từng cá nhân có tiến bộ hay không còn tùy thuộc vào hành vi (nghiệp) mà họ tích luỹ (hiện tại, quá khứ) tốt hay xấu. Lịch sử Đạo Phật còn biết rõ Anan vốn là thị giả, người thân cận nhất, đồng thời cũng là em họ của Đức Phật, nhưng mãi tận đến sau khi Đức Phật nhập diệt ngài mới chứng đắc quả A La Hán, rõ ràng lúc còn tại thế Đức Phật không thiên vị một ai, không tu dùm một ai cả [Ai ăn người ấy no, ai tu người ấy chứng]. Ngài không can thiệp vào luật nhân quả [Ta không phải là Thượng đế tối cao hay Thần linh chuyên hành quyền phán quyết…mà là người chì đường (Đạo) như bao tiền nhân Minh Triết khác mà thôi, nhằm giúp cho chúng sanh (mọi loài) thoát khỏi sinh, tử, luân hồi nếu đi đúng đường]. Cũng vậy,trong hàng đệ tử Phật thì thần thông của Mục Kiền Liên không ai sánh bằng, nhưng cho dù ông có tài thiên biến vạn hóa đi chăng nữa thì thần thông của ông cũng không thể nào thắng nổi luân hồi nhân quả và nghiệp lực để giải thoát cho chúng sinh ra khỏi sanh tử, phiền não:  Một ngày nọ kinh thành Ca Tỳ La Vệ của dòng họ Thích Ca bị vua Lưu Ly của nước Kiều Tất La (Kosala) xâm lược dùng trăm vạn đại quân vây khốn thành Ca Tỳ La Vệ cho đến một giọt nước cũng không lọt thì con người làm sao mà thoát khỏi được. Mục Kiền Liên bèn dùng thần thông bay vào trong thành chọn năm trăm người ưu tú của dòng Thích Ca, rồi hóa phép để họ trong bình bát và bay ra ngoài mở nắp bình để thả năm trăm người ấy ra, nhưng tất cả đều hóa thành máu cả. Ông chợt nhớ lại trước khi hành động Đức Phật đã bảo tôn giả rằng:

      - Mục Kiền Liên! Dòng họ Thích Ca chịu quả báo của tội nghiệp nhiều kiếp đã qua, đó là cộng nghiệp chiêu cảm, cho nên ông không thể chịu thay cho họ. Họ chẳng chịu sám hối, tham lam kiêu mạn, không sửa đổi, cũng giống như nhà cửa mục nát thì phải đến ngày sụp đổ thôi. Mục Kiền Liên nghe Phật nói, tuy biết đó là sự thật, nhưng nghĩ đến thần thông quảng đại của mình nên muốn dùng nó để cứu nạn dân chúng trong thành. Đến lúc nầy tôn giả mới biết lời Phật nói không sai. Luật nhân quả không thể làm ngược lại, thần thông cũng không thắng được nghiệp lực!..Rõ ràng Đức Phật không thể gánh nghiệp cho Anan hoặc cho chúng sinh thành Ca Tỳ La Vệ hay cho bất cứ ai, cũng như không thể gia trì cho Anan hoặc cho bất cứ ai sớm chứng đắc đạo quả được. Trong khi có các giáo chủ Bà La Môn tuyên bố “gánh nghiệp”, “xóa nghiệp” cho các tín đồ! Nhưng Đức Phật trong qúa khứ đã không gánh nghiệp, xóa nghiệp cho bất cứ ai! Điều này quả không làm phấn khởi cho sự mong ước của đa số Phật Tử, nhưng thực sự Giáo Pháp nguyên thủy là như vậy! Chân lý là như vậy! Ai cũng muốn sự tu tập của mình được nhanh chóng, ai cũng muốn tìm được con đường tắt, nhưng cũng nên hiểu rõ tính gian khó của việc tu tập giúp ta trải nghiệm, lịch sử của Đạo Phật còn để lại rành rành, chính Đức Phật cũng đã từng trải nghiệm vượt thử thách để được thành tựu. Cái nào cũng có cái giá của nó! Rất khó để tin rằng một người có thể bất ngờ, tự nhiên hay “hốt nhiên” mà đại ngộ được nếu không tinh tấn tu tập đúng chánh pháp! Nếu có, thì đó là một nội dung giác ngộ hoàn toàn khác (dĩ nhiên kết quả thành tựu cũng sẽ khác) so với sự giác ngộ của Đức Phật dười cội Bồ đề ngày xưa.

        Đạo Phật thời Đức Phật còn tại thế đã mô tả một đạo lộ Giới-Định-Tuệ rõ ràng cho sự tu tập. Dùng chữ “Đạo lộ” là ý muốn nói đến một chương trình tu tập theo thứ tự (step by step) để người tu biết cách rèn luyện để chuyển biến một tâm thức phàm phu đến các tầng bậc chứng ngộ ( đạo quả) và cuối cùng giác ngộ Níp-bàn.

        Bốn mức giác ngộ của Đạo Phật nguyên thủy:

         1. Tầng thánh trí thứ nhất: Sơ quả hay Tu đà hoàn (Sotàpatti, Dự lưu), còn được gọi là Thất lai, người không thể tái sinh quá 7 lần

         2.  Tầng Thánh trí thứ hai: là Nhị quả Tư đà hàm còn được gọi là Nhất lai (Sakadàgàmì) chỉ tái sinh trong Dục giới một lần nữa

         3.  Tầng Thánh thứ ba: là Tam quả A na hàm (Anàgàmi), nghĩa là bậc Bất lai, người không còn trở lui các cõi dục giới nữa

         4.  Tầng Thánh trí thứ tư chính là quả vị A La hán, người chấm dứt toàn bộ phiền não,không còn tái sanh nữa.

      Trong kinh Sư Tử Hồng, Đức Phật đã thuyết pháp mạnh mẽ, như tiếng rống của Sư tử,  rằng chỉ có bốn quả Sa Môn (bốn bậc thánh) mới là đặc thù của Chánh Pháp mà ngài đã thuyết giảng.

      – Này các Tỷ-kheo, chỉ ở đây là có Sa-môn (tầng thánh trí) thứ nhất; ở đây là có Sa-môn thứ hai; ở đây là có Sa-môn thứ ba; ở đây là có Sa-môn thứ tư; các ngoại đạo khác (ngoài con đường giải thoát khác) không có Sa-môn. Này các Tỷ-kheo, các Ông hãy chân chánh rống tiếng rống sư tử (dũng mảnh nói lên cho tất cả cùng nghe) như vậy. (MN 011- Tiểu kinh Sư Tử Hống, Trung Bộ Kinh)   

    Níp bàn (Nibbana)       

     Giác ngộ của Đạo Phật gọi là Níp Bàn. Níp bàn không phải là một thực tại tuyệt đối cao nhất, không phải Brahman, không phải God, không phải đấng sáng tạo. Giác ngộ trong Đạo Phật là trạng thái tâm đoạn tận được các ô nhiễm (lậu-hoặc, taints), không còn bị tham ái, sân, si khống chế. Con người giác ngộ hoàn toàn tự do, không tái sanh, vô sanh (Ajāti), không ‘trở thành”, không già, không bệnh, không chết. Níp Bàn không phải là trạng thái đoạn diệt và hư vô (annihilation). Níp Bàn được ví như khi ngon lửa tắt đi nhưng thực sự nó không mất đi đâu, giống như khi nó sanh ra, nó chẳng từ đâu đến. Các bậc Thánh thường mô tả trạng thái giác ngộ như sau:

               Tâm định tĩnh, an lạc, thanh thản, vô sự. Tâm giải thoát này kiên cố, không lay chuyển được (akuppa cetovimutti).

        Sau khi giác ngộ, các ngài thường nói:

                  “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, nay không thối lui nữa!”

       Níp Bàn là một phạm trù đặc biệt, không thuộc danh (consciousness) hay thuộc sắc (matter), không phải đoạn diệt và hư vô (annihilation). Thực sự với đầu óc phàm phu (chưa được khai tuệ) chúng ta rất khó thể nào hình dung Níp-bàn như thế nào! Vì đây là cảnh giới trải nghiệm của những người tu tập thành quả vị A La Hán, thế gian tôn vinh là bậc thánh (tuệ giác thành tựu). Mọi chúng sanh đều có khả năng tu tập để đạt đến thành tựu nầy [Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành]. 

  Lời kết :

         Dưới sự giáo hoá minh bạch, thực tế của đức Phật (Tôi là Phật đã thành, Chúng sanh là Phật sẽ thành) vào thời điểm ngài còn tại thế (cách nay hơn 2500 năm), kết nối cùng tăng đoàn Tỳ kheo nhiệt tâm tận tuỵ  truyền giảng rộng rải giáo pháp đích thực (chánh pháp), nội dung dẫn dắt không hình thức tôn tạo siêu huyền, sát cánh đối ứng vào từng hoàn cảnh của chúng sanh gồm đủ các thành phần (giai cấp, trình độ, đạo đức,...)  giúp họ sớm được khai ngộ. Trong Tăng đoàn của Phật từ lúc Ngài thành đạo đến khi nhập Niết Bàn (suốt 45 năm giáo hoá) đã giúp chứng đắc khoảng 2400  A La Hán. Trong số đó bậc ưu tú về mặt đạo hạnh, sở trường và sở chứng, có mười người tu thành đạt phẩm vị lớn nhất (Thập đại đệ tử) so trong tăng đoàn Phật giáo. Thập đại đệ tử (zh. 十大弟子, bo. ཉན་ཐོས་ཉེ་འཁོར་བའུ་) được nhắc nhở trong kinh sách Đại thừa (sa. mahāyāna) gồm :

1.   Ma-ha-ca-diếp (zh. 摩訶迦葉, sa. mahākāśyapa, bo. འོད་སྲུང་ཆེན་པོ་): Đầu-đà (tu khổ hạnh) đệ nhất, được xem là Sơ tổ Thiền tông Ấn Độ; ông là người yêu cầu mở đại hội kết tập kinh điển lần đầu tiên của Phật giáo.

2.   A-nan-đà (zh. 阿難陀, sa. ānanda, bo. ཀུན་དགའ་བོ་): Đa văn đệ nhất, người “nghe và nhớ nhiều nhất”, được xem là Nhị tổ Thiền tông Ấn Độ. A-nan-đà hay được trình bày trong tranh tượng đứng bên cạnh Phật cùng với Ma-ha-ca-diếp; tuy là Đa văn đệ nhất nhưng sau khi Đức Phật Niết-bàn ông mới chứng quả A-la-hán rạng sáng ngày kết tập kinh điển đầu tiên.

3.   Xá-lợi-phất (zh. 舍利弗, sa. śāriputra, bo. ཤཱ་རིའི་བུ་): Trí huệ đệ nhất, đệ tử quan trọng nhất của Phật trong các kinh Tiểu thừa (sa.hīnayāna); trước khi xuất gia, ông là một luận sư nổi tiếng trong giáo đoàn Bà-la-môn.

4.   Tu-bồ-đề (zh. 須菩提, sa. subhūti, bo. རབ་འབྱོར་): Giải Không (sa. śūnyatā) đệ nhất. Tu-bồ-đề thường xuất hiện trong kinh điển hệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

5.   Phú-lâu-na (zh. 富樓那, sa. pūrṇa, bo. གང་པོ་): Thuyết Pháp đệ nhất;

6.   Mục-kiền-liên (zh. 目犍連, sa. mahāmaudgalyāyana, bo. མོའུ་འགལ་གྱི་བུ་): Thần thông đệ nhất, hay đi đôi với Xá-lợi-phất; sau khi xuất gia được 7 ngày ông đã đoạn trừ hết các lậu hoặc, chứng quả A-la-hán (阿羅漢; sa. arhat, arhant; pi. arahat, arahant)

7.   Ca-chiên-diên (zh. 迦旃延, sa. katyāyana, bo. ཀ་ཏྱའི་བུ་): Biện luận đệ nhất;

8.   A-na-luật (阿那律, sa. aniruddha, bo. མ་འགགས་པ་): Thiên nhãn đệ nhất;

9.   Ưu-ba-li (優波離, sa. upāli, bo. ཉེ་བར་འཁོར་): Giới luật đệ nhất;

10. La-hầu-la (羅睺羅, sa. rāhula, bo. སྒྲ་གཅན་འཛིན་): Mật hạnh đệ nhất, ông cũng là người con duy nhất của Thái tử Tất Đạt Đa (Phật Thích Ca Mâu Ni)

        *Nhận xét :

          Những vị đệ tử ưu tú trên thảy đều xuất phát tử ngoài đời (thế tục) và đã từng hưởng thụ lạc trần, nhưng với tinh thần tinh tấn quyết vượt qua mọi chướng ngại (ma chướng Tham-Sân-Si) đã giúp họ thành tựu với những quả vị cao quý nhất. Chúng ta cùng nhau xem đó là những tấm gương sáng giúp mình soi rọi trên con đường tu tập tiến hoá, xoá tan đi mặc cảm tự ti rằng đời mình đã từng bị nhiễm ô không đạt đủ phẩm hạnh,...khép nép, thụ động nương tựa, cầu cạnh, tự hạ mình vái lạy, núp bóng vào bề ngoài được tôn tạo hào nhoáng của người khác (minh sư) một cách mê muội, liệu rằng người dẫn dắt ấy có đủ phẩm hạnh để độ tha giúp ta tiến hoá được không hay là ngược lại?.. Và bản thân ta không tự tin chính mình thì làm sao tìm thấy sự tự tại (mãi tự trói mình vào những nghi thức, đám đông mê tín, tà kiến biện thông,...), không được tự tại thì sao mà thấy, mà lần ra con đường giải thoát được?.....Chúng ta hãy bình thản và tự tin, đối chiếu vào giáo lý nguyên thuỷ của đức Phật qua những lời khai thị của Ngài đối với 10 vị đại đệ tử ưu tú nêu trên, qua tích sử để lại (trong số đó có ngài Ưu ba li xuất thân từ giai cấp Thủ đà la : nô lệ, thất học) giúp cho ta thấy rằng Phật Pháp là phương pháp giáo hoá hướng tâm chúng sanh giác ngộ (nhận ra chân lý của vũ trụ : vô thường, vô ngã, nhân quả, chân không và  con đường giải thoát), pháp luận dẫn dắt hoàn toàn mang tính khoa học (nhắc nhở mọi người luôn trí kiến và tư duy rà soát lại Thân và Tâm mình ngày càng tinh tấn để khai sáng Tuệ giác mà nhận ra chân lý giác ngộ), bám sát thực tế (khổ và cách diệt khổ), phát triển rộng rải khắp đại chúng. Đức Phật đã dẫn dắt thành công 2400 người chứng đắc thánh quả A La Hán trong đó xuất thân từ đủ thành phần giai cấp cao thấp khác nhau: trí thức, nô lệ, tướng cướp, kỷ nữ,...với phương pháp giáo hoá thật là bình dị với chủ hướng cơ bản là giúp cho muôn loài cùng nhau giác ngộ không phân biệt cao thấp, hoàn toàn không phải là học thuyết siêu huyền, tôn tạo quyền lực cực đoan, giáo điều mê tín mà các thế hệ kế thừa càng về sau càng chế tác dần sai lệch xa so với nội dung của giáo pháp chính thống (nguyên thuỷ), biến hoá hình ảnh bình dị của người Trí giả thẩm lặng kiên định (Thích ca : sự kiên định, Mâu ni : trí giả thầm lặng) ngày ấy trở  thành một vị giáo chủ, vị thần linh, thượng đế,...[ Người nào ca ngợi Như Lai, tán thán Như Lai mà không chuyên tâm tinh tấn hiểu đúng, hành đúng theo giáo pháp mà Như Lai đã chỉ. Đó chính là phỉ báng nặng nề Như Lai...] . Nhận thức từ luận thuyết cơ bản của Tứ Y PhápTam Pháp Ấn mà đức Phật đã gói gọn lại những điểm trọng yếu trong học thuyết của mình, nhắc nhở các đệ tử trước khi ngài nhập Niết Bàn, nhằm tránh bị hiểu sai, bị thiêu dệt theo làm biến dị  tính cốt lõi của giáo pháp mà Ngài cần nói với thế gian : Đó là con đường giải thoát luân hồi. Theo thời gian lịch sử đã dần dần biến dị giáo lý chân thật cao quý giúp cho muôn loài thật sự giải thoát khổ đau, thay vào đó ngày càng hình thành nên những kiến giải huyễn hoặc, tôn tạo, phi thực tế sai lệch hoàn toàn giáo lý nguyên thuỷ (hình thành nên vấn nạn tà kiến biện thông) làm mê hoặc tín đồ, nhất là trong chu trình biến động sự sống hiện nay (Thiên tai, Địa tai và Nhân tai) khiến cho Thân, Tâm con người càng bị rối loạn kéo theo không phân biệt đâu là chánh tà lẫn lộn, nên dễ bị sa vào (si mê) tà kiến tôn tạo danh sắc hỗn tạp (Hạ ngươn mạt pháp), vì vậy sẽ tạo điều kiện (nhân duyên) cho tà pháp ngày càng phát triển (pháp tuỳ nhân duyên sinh), tất yếu tạo điều kiện (nhân duyên) làm lu mờ dần chánh pháp (pháp cũng theo nhân duyên diệt), dần dần gây nên sự  thất truyền chánh pháp...Do đó, đứng trên quan điểm khách quan hoà đồng Khoa học-Tâm linh-Tôn giáo như đã giới thiệu về ý nghĩa việc làm của công ty TOTHA với chủ hướng Chân-Thiện-Mỹ, nhằm nghiên cứu phân tích chắt lọc ra những cốt lõi của vấn đề chính yếu thiết thực, đó là những lời khai thị đúng theo tinh thần Phật học nguyên thuỷ (không tôn tạo, giáo điều), loại bỏ những thiêu dệt huyễn ảo thần thoại. Với tiêu chí là chúng ta cùng tự đối chiếu theo gương sáng tiền nhân, cùng nhau tu học theo đúng chánh pháp và luôn tự tin vào chính mình, chúng ta sẽ tìm ra sự tự tại đích thực - mạch nối thông dẫn đến sự giải thoát luân hồi - hãy tinh tấn, tự tin và tự tại ắt ta sẽ  tìm ra chân lý...                               

                *Tứ Y Pháp   [Bốn điều luôn theo đúng để hiểu được đây là Pháp Phật nguyên thuỷ (chính thống)  tránh bị vướng mắc vào tà pháp và ngoại đạo lôi cuốn]:                        

                          1 * Đúng Pháp (Khổ và Diệt Khổ) chứ không bị cuốn theo người (đám đông, tin đồn,kinh điển, lịch sử, truyền thống,người giảng).   [Y Pháp Bất Qui Nhân]

                            2 * Đúng ý nghĩa rõ rầng, phù hợp chân lý chứ không bị cuốn theo đủ thứ luận điểm tôn tạo cao siêu, lời lẻ xa vời, áp đặt của người đi trước, không thực tế.  [Y Nghĩa (Lý) Bất Qui Lời (Luận)]

                       3 * Đúng nghĩa chính rõ ràng, dứt khoát (Liễu Nghĩa) đó là cứu cánh giải thoát chứ không bị cuốn theo những ngữ nghĩa hảo huyền, mê hoặc, tôn tạo xa rời giáo lý Khổ và Diệt Khổ.    [Y Liễu nghĩa Bất Qui Bất Liễu nghĩa (Huyễn nghĩa hư cấu, tôn tạo, mê tín, giáo điều]

                      4 *Đúng với Trí sáng suốt (Chánh Tri Kiến và Tư Duy) nhận ra lẽ thật của vạn pháp chứ không bị cuốn theo những hình thức bề ngoài (đám đông, tổ chức tôn tạo, chức danh xưng tụng, nghi thức mê tín, tôn tạo minh sư).    [Y Trí Bất Qui Thức]             

 

              *Tam Pháp Ấn (Ba điều thiết thực trọng yếu mà Đức Phật cần nói với chúng sanh):

  1 * Mọi vận hành của sự vật, hiện tượng trong thế giới danh, sắc đều không trường tồn, đó là quy luật tất yếu.      [Chư Hành Vô Thường Ấn]

  2 * Mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới danh, sắc,  đều không có cái riêng biệt tự do, đó là quy luật tất yếu.       [Chư Pháp Vô Ngã Ấn]

  3 * Tồn tại một nơi trong sạch, tự tại ngoài thế giới danh, sắc gọi là Niết Bàn, đó là quy luật tất yếu.   [Niết Bàn Tịnh, Tĩnh, Không]

                                                                                                                                     TOTHA Thu 2012

        Tư liệu tham khảo :

                                           1/- vi.wikipedia.org

                                2/- bsphamdoan.wordpress.com

                               3/- Các bản dịch Kinh : Kim cang, A hàm, Tăng chi bộ, Lăng già

Các thông tin cùng loại này
» Sự thật về Đức Phật (2018-03-13)
» Ký Ngữ Chuyển Giải trong Phật học nguyên thủy (2018-03-10)
» Bản chất chư pháp (2015-09-03)
» Sáu cửa khai ngộ thật sự (2015-08-01)
» Chánh Tri kiến & Tư duy về Pháp/Giáo pháp (2015-08-08)
» Chánh Tri kiến & Tư duy về Giải thoát (2015-08-01)
» Tri kiến & Tư duy về Công Đức (2017-02-20)
» Quan điểm về Giác Ngộ trong các Tôn giáo (2012-12-11)
» Tam Bảo của các Tôn Giáo (2017-02-20)
» Sơ đồ mô tả Luật Luân hồi (2018-02-10)
» Khái niệm về Tâm thức và Tâm linh theo Pháp luận TOTHA : (2016-11-29)
» NĂNG LƯỢNG TÂM THỨC (2016-11-29)
  1  
 

CÔNG TY KHOA HỌC NĂNG LƯỢNG TÂM THỨC TOTHA
245 Trịnh Đình Trọng, P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM, VN - ĐT0909777929 - 0908883380 - 0909631630 - 0914359159 - Email:   phapluantotha@gmail.com

Copright 2009 www.totha.vn,
All rights reserved

Lượt truy cập: 18004024
Đang online : 126