Các biểu tượng khác nhau của Đức Thích-ca Mâu-ni và các chư Phật trải suốt theo dòng lịch sử phát triển của Phật giáo trong nền văn minh Đông phương nói chung và văn hoá tâm linh nói riêng, chứng minh cho chúng ta thấy tính nhân văn, đại chúng, không tôn tạo huyền bí, huyển ảo trong trii thức giải thoát của Phật học nguyên thuỷ, tinh thần cơ bản cốt lõi của Phật học luôn định hướng về sự dẫn dắt tâm thức con người tiến về bản nguyên Chân-Thiện-Mỹ, chứ không mê tín, giáo điều, tôn tạo cho quyền lực tối cao, nguỵ tạo,.. mà con người hiện nay đang dần dần dàn dựng...biến Phật học - Khoa học của Tâm Thức - trở thành Phật giáo tiêu cực (tôn tạo uy quyền, hình thức giả tạo, nguỵ tôn, giáo điều...). Trích lược lại đôi dòng lịch sử về một trong những đúc tính cao quý của người là sự khiêm cung, bác ái, bình đẳng, đại đồng, hỉ xả,...:
"Một thuở nọ sau khi đắc quả Phật, ăn mặc giản dị , đi chân trần lặn lội giáo hóa khắp nơi, đức Thích Ca về tới xứ Ca Tỳ La hôm sau Ngài ngự đi trì bình khất thực, với chư Sa Môn. Bấy giờ có tin báo cho vua Tịnh Phạn hay. Vua liền đi ra kiếm Phật, cản đầu mà nói rằng ; Ngài chẳng biết tôi là vua sao ? Tôi có đủ sức cúng dường Ngài và chư đại chúng, đến bao lâu cũng được, sao Ngài lại đi xin làm chi cho xấu hỗ, cực nhọc; vả lại dòng họ Thích Ca từ xưa đến nay, thảy đều là vua chúa, nào có ai phải đi xin ăn đâu ? Xin Ngài chớ làm việc ấy.
Đức Thế Tôn trả lời rằng : Dòng họ của bệ hạ là vua chúa, nên sự bảo giữ ấy là rất phải. Còn như tôi, dòng họ tôi là Phật, cả chư Phật mười phương ba đời, thảy đều Khất sĩ cả, tôi có bổn phận phải noi dấu, giữ lại họ hàng Khất sĩ, chủng tộc Sa Mon của tôi, cũng y như bệ hạ vậy.
Thế là sau đó, đức Phật thản nhiên đi khất thực, vua Tịnh Phạn đành gạt nước mắt nhìn trân, không biết làm sao cản được !
Sau đó người ta đến hỏi Phật rằng : Sao lại họ Khất sĩ là họ của chư Phật, xấu xa như thế ?
Đức Phật giải rằng : Với lẽ thật trong võ-trụ, chúng-sanh sanh ra, do nhơn duyên chuyền níu, chẳng đầu duôi, cả thảy đều là bố-thí cho nhau, chan sớt chia xẻ cho nhau, đang xin lẫn nhau, mới có cái sống biết, và sống biết tu học. Vì thế mà ai ai cũng là Khất sĩ cả, kẻ giác-ngộ trí thức mới thấy ra cái chơn-lý ấy; mục-đích của chúng-sanh là xin học. kìa chúng-sanh đang xin với cỏ cây, nước, đất, thú, người, Trời, Phật tất cả, ai cũng xin cả, xin lẫn nhau, hiểu đến lẽ xin học, thì thấy rõ chơn như ngay, vì chúng-sanh xin được học tạm, thì không có cái chi là tham sân si vọng động được cả, không có cái ta cảu ta gì hết, như vậy là sự khổ chết đâu còn có nữa được. Con đường Khất sĩ của chúng-sanh ấy, trong sạch chánh lý lắm, chẳng xấu xa đâu, bởi chúng-sanh vô minh lầm lạc, tưởng phải làm quấy, lấy quấy làm phải, nên hằng ngày lấy cắp ngang giành của nhau, không màng xin hỏi, gây sự bất công đàn áp, tội lỗi chứa chấp riêng mình, càng ngày to lớn quên lãng không hay, nên ngày nay mới khổ chết như cõi đời đây mãi vậy
1- Cũng vì thế mà chư Phật, tánh của các ngài là Khất sĩ.
2- Các Ngài nói mình Khất sĩ là : để giữ mãi cái gốc vốn chơn như không tham vọng.
3- Các Ngài nhớ mình Khất sĩ là : để cho ý muốn tham chẳng còn sanh.
4- Các Ngài thật hành Khất sĩ là : để cho thấy rõ cái không không của không tham vọng.
Khất sĩ là giải thoát trói buộc phiền não vô mình vọng động để sống bằng chơn như trí huệ, an lạc thong thả, rảnh rang, không còn tạo nghiệp, thì luân hồi sanh tử khổ, mới đặng dứt."
Bài viết chúng tôi sử dụng tư liệu tham khảo lược trích từ tạp chí Le Point (số 5, tháng 2 và 3, năm 2010) của ông Gilles Béguin, hiện là giám đốc Bảo tàng viện Cernuschi, một bảo tàng viện chuyên về nghệ thuật Á châu, được khánh thành vào năm 1898 và là một trong các bảo tàng viện xưa nhất của thủ đô Paris., tài liệu do Hoang phong chuyển ngữ.
Trong suốt một thời gian dài sau khi Đức Phật tich diệt thì người sau chỉ biết gợi nhớ đến Ngài bằng cách tôn kính xá lợi. Nhiều thế kỷ sau đó khi giáo lý của Đức Phật đã được truyền bá rộng rãi thì hình ảnh của Ngài mới được tượng trưng bằng nhiều biểu tượng khác nhau. Hầu hết các biểu tượng của Đức Phật đều xuất phát từ nghệ thuật Ấn độ, sau này mới biến đổi đi để thích ứng với các nền văn hóa địa phương.
Trong các thời kỳ phát tiển đầu tiên, Phật giáo không có ảnh tượng nào cả để tượng trương cho Đức Phật. Tại Ấn độ thời bấy giờ, những gì cụ thể chứng thực cho tín ngưỡng Phật giáo chỉ là các "nấm mồ xá lợi", còn gọi là các "bảo tháp" (stupa). Các bảo tháp đầu tiên được xây cất vào thế kỷ thứ II trước Tây lịch. Các bảo tháp này mang tính cách thiêng liêng, vì thế đã được ngăn cách với thế giới phàm tục bên ngoài bằng một bờ tường bao bọc chung quanh, bờ tường này cũng dùng để giới hạn và hướng dẫn các đoàn phật tử diễn hành chung quanh ngôi bảo tháp. Mặt trong của bờ tường được điêu khắc bằng cách chạm nổi, các hình tượng trên tường bắt đầu bằng những cảnh tôn kính và thờ phụng, tiếp theo đó khi càng đi tới thì người Phật tử sẽ nhìn thấy những cảnh mô tả lại các kiếp trước của Đức Phật và sau hết là các tấm điêu khắc gợi lại các biến cố liên quan đến kiếp tái sinh sau cùng của Ngài. Nhưng tuyệt nhiên trên các tấm điêu khắc đó không bao giờ có hình ảnh của Đấng Thế Tôn, Đức Phật chỉ được tượng trưng bằng những ký hiệu quy ước : chẳng hạn như một chiếc ngai trống không hoặc một cái lọng thế thôi. Đôi khi ở giữa các tấm tranh chạm nổi đó là một khoảng trống, không có một điêu khác nào cả, khoảng trống không ấy tượng trưng cho Đấng Như Lai. Các cảnh điêu khắc trên đây đôi khi cũng dùng để gợi lại các biến cố quan trọng trong cưộc đời của Đức Phật : chẳng hạn như cảnh tôn kính gốc Bồ đề nơi Đức Phật đạt được Giác ngộ, hoặc cảnh các Phật tử đang cung kính trước trụ đá kỷ niệm ở vườn Lộc Uyển nơi Đức Phật thuyết giáo lần đầu tiên...
Hình ảnh của Đức Phật
Các loại điêu khắc không nêu lên hình ảnh trực tiếp của Đức Phật mà chỉ dùng những ký hiệu tượng trưng như trên đây đã biến mất trước nhất trong các vùng Bắc Ấn và sau đó thì đến lượt các vùng Nam Ấn, nhưng các địa danh và thời điểm xảy ra các biến cố đó thì không được biết đích xác và vẫn còn là một chủ đề tranh cãi, hơn nữa lại còn gây ra nhiều cuộc bút chiến giữa các quốc gia trong vùng. Suốt từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ III, nguyên một vùng rộng lớn gồm Bắc Pakistan ngày nay, xứ Afghanistan và một phần lớn đồng bằng sông Hằng được đặt dưới quyền cai trị của triều đại Scythe (Scythia), người Scythe là các sắc dân du mục đã đồng hóa thành dân I-ran và họ còn được gọi là người Khouchan.
Chính trong đế quốc mênh mông này hai sự kiện quan trọng đã xảy ra làm cho Phật giáo biến đổi hẳn: sự kiện thứ nhất là sự hình thành của Đại thừa và sự kiện thứ hai là sự xuất hiện các ảnh tượng của Đức Phật. Thật ra cũng phải nói rằng rất khó xác định là hai biến cố ấy có liên hệ gì với nhau hay không, hay chỉ là sự ngẫu nhiên. Người ta thấy có hai trung tâm sáng tạo nghệ thuật rất quan trọng đươc hình thành tại đế quốc Kouchan, trung tâm thứ nhất được thiết lập tại kinh đô lịch sử là thành Mathura chỉ cách Dheli 150 kilomét, trung tâm thứ hai nằm trong tỉnh Gandhara (thuộc Afghanistan ngày nay), là một vùng nông nghiệp rất giàu có thuộc lãnh thổ Taxila. Vào thế kỷ thứ I, cũng tại nơi này tập Phổ diệu kinh (Lalitavistara) (có nghĩa là "Tiểu sử khai triển tùy sở thích") được trước tác bằng tiếng Phạn kể lại lịch sử Đức Thích-ca Mâu-ni. Tập kinh này đã làm nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ trong suốt nhiều thế kỷ sau đó. Các phân đoạn trong kinh được chọn lựa, thêm bớt và thay đổi qua thời gian. Theo các chuyên gia thì những bức điêu khắc nổi chung quanh ngôi đền nổi tiếng Borobudur (thế kỷ thứ IX) trên đảo Java (Inđônêsia) đã ghi lại đầy đủ nhất tất cả các diễn biến về cuộc đời của Đức Phật.
Ảnh hưởng nghệ thuật Hy Lạp
Nghệ thuật tranh tượng liên quan đến Đức Phật dần dần được hình thành qua nhiều trường phái nghệ thuật khác nhau, tuy nhiên thực chất thì vẫn tùy thuộc vào sự tiến triển của nghệ thuật Ấn độ. Lúc ban đầu, các hình tượng vẫn còn dựa vào các khuôn mẫu công thức đã có từ xưa. Vì thế mà trung tâm nghệ thuật tại thị trấn Mathura, các pho tượng tượng Đức Phật vẫn còn được tạc dựa vào các hình ảnh có sẳn từ trước là các vị "thần linh nơi rừng núi" (yaka), rất được tôn kính tại các vùng nông thôn. Các tượng điêu khắc đó có dáng dấp thấp lùn và gân guốc, ngực nở nang, giới tính rõ nét, đầu giống như búp pê, nhưng lại ăn mặc theo lối nhà sư, trong số này có hai pho tượng xưa nhất thuộc vào thế kỷ thứ I đã được xác định chắc chắn và đấy chỉ là hai pho tượng của hai vị Bồ tát tượng trưng cho Đức Thích-ca Mâu-ni trước khi Ngài đạt được Giác ngộ
.
Trung tâm nghệ thuật trong vùng Gandhara thì lại chọn các khuôn mẫu muôn thuở của nghệ thuật Tây phương. Hình tượng của Đức Thích-ca Mâu-ni có thân hình to lớn và cân đối, rập theo khuôn mẫu của thần Apollo, rất phổ biến trong các vùng Cận đông đã được Hy Lạp hóa, tuy nhiên vẫn có sự khác biệt là các hình tượng ấy mặc áo nhà sư thật trang nhã ôm sát vào người. Nghệ thuật Gandhara (thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ IV) mà trước đây được xem là một nghệ thuật tượng hình đặc thù thì nay danh xưng ấy đã bị lỗi thời và chỉ được xem là một thứ "nghệ thuật Hy Lạp mang đặc tính Phật giáo". Tuy nhiên nền nghệ thuật này đã có công lần thứ nhất đưa ra cả một bộ sưu tập các biểu tượng thuật lại thật mạch lạc các tình tiết trong cuộc đởi của Đức Thích-ca Mâu-ni và cả các tiền kiếp của Ngài.
Các loại thủ ấn rập theo quy ước (còn gọi là mudra, "dấu ấn" hay "dấu hiệu") trên hình tượng của Đức Thế Tôn có thể giúp để xác định ý nghĩa của các cảnh tượng điêu khắc. Từ nguyên thủy, các loại thủ ấn ấy được thiết lập để hỗ trợ các cuộc tranh luận trong việc trình bày các luận chứng bằng cử chỉ trong mục đích giúp cho những người ngồi quá xa dù không nghe được rõ nhưng vẫn theo dõi được.
Đối với tất cả các dấu hiệu trên người của Đức Phật được mô tả trong kinh sách thì các nhà tu hành sau này chỉ còn giữ lại hai dấu hiệu mà thôi: đó là cục bứu to trên đỉnh đầu (usnisa) và một chòm lông nhỏ phía dưới trán giữa hai mắt (urna). Đức Thích-ca Mâu-ni trước khi thành Phật tức là khi còn là một vị hoàng tử thì hai dái tai được căng ra cho rộng thêm, nhưng sau khi Ngài quyết tâm từ bỏ thế tục thì hai dái tai của Ngài bỗng trĩu xuống một cách tư nhiên và có hình dáng đặc biệt.
Quy tắc hóa các biểu tượng
Khoa tạo hình của nghệ thuật Gandhara đưa ra hình ảnh của Đức Thích-ca Mâu-ni trong thời kỳ đang bị một nhà tu khổ hạnh hành xác quá mức, gương mặt và thân hình của Ngài giống như một bộ xương, thật là một hình ảnh vô cùng hiện thực có thể làm người xem phải rùng mình
Xem tiếp
|