CHUYÊN MỤC
ĐỒNG TÂM
LỊCH ÂM DƯƠNG
LIÊN KẾT WEBSITE
Thông tin khoa học tâm thức & tôn giáo » Phật Giáo  » Chi tiết
 
Làm sao tôi có thể tìm thấy hạnh phúc?
Nếu Đức Phật Cồ Đàm chỉ nói, "Chấm dứt những dục vọng dẫn đến bất hạnh, thì tức là Ngài đã không để lại cho các đệ tử của Ngài một sự giúp đỡ thực sự nào. May mắn là Ngài không ngừng lại việc dạy bảo bằng lời khuyên.

 Ngài hiểu hầu hết mọi người cần được giúp đỡ để biết cách ngăn chặn thèm muốn. Bài thuyết giảng đầu tiên của Ngài kết thúc với Tứ Diệu Đế quan trọng. Đưa ra lời tuyên bố cuối cùng về chân lý mà Ngài đã khám phá ra, Đức Cồ Đàm mô tả phương pháp mà con người có thể ngăn chặn thèm muốn. Từ thời Đức Phật Cồ Đàm, phương pháp này được gọi là "Bát Chánh Đạo". Tám bước này là phương pháp đặc trưng mà Đức Cồ Đàm đề nghị cho con người để tự giải thoát khỏi những nanh vuốt của dục vọng của chính mình.

(1) Chánh Kiến

Đức Cồ Đàm nói, bước thứ nhất tiến tới hạnh phúc là quan điểm đúng (chánh kiến) về bất hạnh. Trước khi có tiến bộ, người ta phải nhìn vào vấn đề xem vấn đề đó là gì. Khi thấy chính sự không hiểu biết của mình về những sự việc có thật trong đời mình đã gây ra phiền toái, và khi chấp nhận trách nhiệm về phiền toái ấy, thì ta đã đi vào con đường đúng. Đức Cồ Đàm không cho rằng Ngài đã tìm ra con đường độc đáo đi tới hạnh phúc. Ngài miêu tả con đường đó đã có từ xưa. Nhưng Ngài cảm thấy đa số người ta không ý thức được con đường này.

Đức Cồ Đàm nói, chừng nào chúng ta nhìn đời từ quan điểm sai lầm (tà kiến) chúng ta còn tiếp tục tham dục những thứ mà ta tưởng rằng những thứ đó làm chúng ta hạnh phúc. Đó là con đường tự lừa dối mình. Chúng ta phải học cách nhìn cho chính mình tại sao có ảo tưởng. Rồi chúng ta sẵn sàng đi vào bước thứ hai mà Đức Cồ Đàm gọi là chánh tư duy (khát vọng đúng).

(2) Chánh Tư Duy

Mọi người đều khao khát một cái gì đó. Cái khó khăn là hầu hết chúng ta, trong hoàn cảnh tinh thần và tình cảm rối rắm, đã khao khát những điều sai trái. Chúng ta đã không tập trung khao khát và nỗ lực của chúng ta vào mục tiêu đáng giá. Nhưng khi chúng ta từ bỏ những giá trị sai lầm dẫn chúng ta tới bất hạnh, chúng ta sẵn sàng chọn giá trị thực sự. Đức Phật vạch rõ lòng tốt và tình thương là chân giá trị. Những giá trị ấy chỉ có thể đạt được khi người ta vượt qua được vấn đề quan tâm đầu tiên của mình là cái "Ta", "Tôi" và "Của Tôi". Chỉ sau khi thôi không còn cho mình là trung tâm thì lòng tốt và tình thương chân thật xuất hiện ở mức tự phát và tự do.

Hai bước đầu tiên của Đức Phật trên con đường Trung đạo nói về tầm quan trọng của việc cải thiện thái độ. Ba bước kế tiếp nói về loại hạnh kiểm phải bắt nguồn từ thái độ đúng.

(3) Chánh Ngữ

Bước thứ ba là chánh ngữ. Người đi theo con đường Bát Chánh Đạo của Đức Phật thì không còn thích thú thị phi, phỉ báng, và lăng mạ hay chuyện vu vơ. Lời nói nặng sẽ được kiểm soát, ân cần và thận trọng, vì nó xuất phát từ thái độ tử tế đối với người khác. Một số người phạm tội do điều mà họ nói còn tồi tệ hơn cả những kẻ phạm tội chai lì làm. Đức Phật công nhận, giống như những nhà tâm lý học hiện đại công nhận, đây là một chướng ngại cho sự trưởng thành chân chính.

(4) Chánh Nghiệp (Hành Xử Đúng)

Bước kế tiếp trong Bát Chánh Đạo của Đức Phật là bước quan trọng của chánh nghiệp. Đức Phật không mô tả tường tận phạm vi của bước này. Nhưng những đệ tử của Ngài đã từng bước thảo một danh sách những gì ta không nên làm. Một bản liệt kê tiêu biểu nói không được giết, trộm cắp, tà dâm, nói dối hay dùng các chất say. Tuy nhiên, những lời dạy bảo cấm đoán này có liên quqn đến tầm quan trọng về hành xử mà Đức Cồ Đàm nói. Ngài biết rằng khuyến khích người ta làm một số điều quan trọng hơn là ra lệnh cho họ không được làm này nọ.

Đối với Đức Cồ Đàm, chánh nghiệp (hành xử đúng) có nghĩa là tình thương. Đức Cồ Đàm dạy rằng "tất cả những gì chúng ta có chính là kết quả những gì mà chúng ta nghĩ". Cho nên chúng ta không nên chứa chấp những cảm nghĩ của oán giận hay thù hận. Cảm nghĩ và tư tưởng làm hỏng cơ hội được hạnh phúc như hành động. "Nó hành hạ tôi, nó đánh bại tôi, nó làm tôi tiêu tan, nó cướp đoạt tôi -- ở những người chứa chấp những tư tưởng ấy, thù hận không bao giờ chấm dứt," Đức Cồ Đàm cảnh báo chúng ta. Vì Ngài khám phá ra rằng bất cứ lúc nào "hận thù cũng không chấm dứt hận thù, hận thù chỉ chấm dứt bằng tình thương". Và Ngài nói trong một dịp khác, "Hãy để cho con người vượt qua giận dữ bằng tình thương, hãy để cho con người khắc phục tội lỗi bằng điều thiện."

Đức Cồ Đàm thường nói với bạn bè rằng ngay cả khi bị đánh đập vũ phu, hoặc bị lăng mạ hay bị đánh bằng gậy gộc, bị ném đá, cũng không nên đánh lại hay có những tư tưởng hận thù. "Nếu ai chửi rủa bạn, bạn phải dẹp đi tư tưởng hận thù, và quyết tâm, 'Tâm ta sẽ không bị xáo trộn và không một lời giận dữ nào sẽ thoát ra từ môi chúng ta. Tôi vẫn tử tế và thân hữu và có những tư tưởng thương yêu và không thù oán giấu giếm nào.' Nếu bạn bị đánh bằng quả đấm, bằng đá, bằng gậy gộc, bằng gươm, bạn phải ném tư tưởng hận thù và gìn giữ tâm bạn với lòng thương yêu không có một thù oán giấu giếm nào."

(5) Chánh Mạng

Đối với một người thực sự tha thiết tìm cầu chân hạnh phúc, bước thứ năm là một bước kế tiếp hợp lý. Đó là kế sinh nhai đúng (chánh mạng). Đức Cồ Đàm tin rằng, có một số công việc mà người ta làm không thể không làm hại nghiêm trọng chính mình và người khác. Bất cứ một công việc nào làm tổn thương sự sống dưới bất cứ hình thức nào cũng không nên theo. Với người Phật Tử, việc làm ăn này gồm có: nghề đồ tể, người bán độc dược (ma túy, các chất say, và tương tự), buôn bán nô lệ, hay người chủ nô lệ. Ta không nên tham gia vào việc cất rượu hay phân phối rượu. Cũng chẳng nên làm quân nhân.

Điều này trái ngược hẳn với giáo lý của Ấn Độ Giáo mà Đức Cồ Đàm rất quen thuộc. Người Ấn Độ Giáo tin rằng một người sinh ra để làm nghề nghiệp thích đáng của mình. Nhưng Đức Phật tin rằng ta không nên cản trở người khác tìm cách thích ứng vừa ý nhất với cuộc sống. Vì thế, người ta có thể phải thay đổi nghề nghiệp. Chính Đức Phật có chung quanh Ngài những người đã từ bỏ đời sống gia đình và nghề nghiệp thường lệ để đi vào lối sống tu viện. Ngài cho rằng lý tưởng là tất cả những người thành thật tìm cầu đạo lý đều làm như vậy. Bằng cách đó, chắc chắn họ sẽ tìm được sự thỏa mãn lâu dài. Tuy nhiên sau này một đoàn thể cư sĩ được thành lập. Qua nhiều năm, ngày càng nhiều những người Phật Tử tiếp tục sống với gia đình, tìm những công việc thích hợp, hơn là bỏ lại những thứ như vậy để vào tu viện.

(6) Chánh Tinh Tấn

Bước thứ sáu là một bước vượt quá tầm mức hạnh kiểm. Ấy là Chánh Tinh Tấn, và đối với Đức Phật, những từ này có một ý nghĩa đặc biệt. Chánh Tinh Tấn có nghĩa là ta phải tìm cho chính mình một tốc độ riêng trên con đường Bát Chánh Đạo đi tới chân hạnh phúc. Người tìm cầu đạo lý không hành động quá chậm chạp hay quá vội vàng. Không có hạnh phúc nào đạt được trong cố gắng bắt kịp người khác. Bạn chính là bạn, có nhu cầu của riêng bạn và nhịp độ của chính bạn. Nhiệm vụ học hỏi để biết những cái ngã thực sự của chúng ta là học cách đi ở tốc độ tốt nhất.

(7) Chánh Niệm

Bước Thứ Bẩy của Đức Cồ Đàm là Chánh Niệm. Ngài tuyên bố rằng chính tâm dẫn con người vào hầu hết đời sống bất hòa. Đức Phật cho rằng, dục vọng thể chất làm quẫn trí, nhưng thường là vì tưởng tượng mạnh mẽ tạo quá nhiều dục vọng. Thèm muốn ăn uống tự nó không làm người ta bất hạnh. Bất hạnh phát triển khi ăn quá nhiều hay quá ham muốn ăn uống. Một phần của chánh niệm có nghĩa là học cách nghiên cứu dục vọng thể chất và tất cả mọi thứ khác xem chúng thực sự là gì không phải như tưởng tượng làm chúng biến thành.

Mục đích của Đức Phật là dạy con người rằng những đối tượng lôi cuốn giác quan có sức mạnh làm chúng ta không hạnh phúc vì chúng có thể dẫn đến tham dục thái quá. Ngài thấy rằng những người đàn ông bình thường có thói quen "lý tưởng hóa" phụ nữ. Ngài dặn dò các đệ tử của Ngài hãy vượt qua thói quen nô lệ về bộ mặt đẹp. Chuyện được kể lại về một người lữ khách một lần hỏi một nhà sư Phật Giáo, "Xin Ngài cho biết, Ngài có trông thấy một phụ nữ đi bộ dọc theo con đường này không?" Nhà sư trả lời, "Tôi không thể nói liệu đó là một phụ nữ hay nam giới đi qua con đường này. Điều mà tôi biết là một bộ xương đi qua con đường này". Đó là Chánh Niệm Phật Giáo dẫn tới chỗ cực đoan.

Đức Phật Cồ Đàm hy vọng những người hành trì Bát Chánh Đạo sẽ phát triển tính bình tĩnh trong việc tìm cầu hạnh phúc. Bằng cách đó, mỗi người hãy học cách lùi xa khỏi chính mình và quan sát những đam mê của chính mình mà không bị kích thích như khi nhìn các vì sao trên trời. Mỗi người phải tập coi những xúc cảm của mình xem chúng là gì, cả bên ngoài lẫn bên trong. Vấn đề này nhắc đến cả cảm nghĩ đau đớn lẫn cảm nghĩ vui sướng. Nhà sư Phật Giáo cố gắng luôn nhớ rằng cảm nghĩ tồn tại rất ngắn ngủi, nó đến rồi đi. Bằng cách này nhà sư có thể giữ vững mình không bị xáo trộn bởi cảm xúc, không thèm muốn, hay bám níu vào thứ gì. Những ai có thể chấp nhận cảm nghĩ của mình trong một cách khách quan này, sẽ ít bị xúc động bởi những thứ đó.

(8) Chánh Định

Bước cuối cùng của Bát Chánh Đạo được gọi là Chánh Định. Đức Cồ Đàm tán thán một số tập luyện Du Già đang thịnh hành vào thời Ngài. Tuy rằng Ngài không tìm thấy trong Du Già câu trả lời đầy đủ trước câu hỏi của Ngài về Bất Hạnh, Ngài đã được giúp đỡ bởi sự tu tập này để "an" tâm. Cho nên Ngài nói với các đệ tử của Ngài về giá trị của sự tu tập này.

Sự tập luyện Du Già được dạy cho từng cá nhân. Nó liên quan đến việc học cách lắng được những vọng tưởng của tâm cho đến khi người đó có thể đi thẳng vào kiến thức về nhu cầu thực sự của mình. Sự định tâm này do Đức Cồ Đàm chỉ dạy không phải là một tiến trình lập luận hay lô gic học. Nó là một cách hiểu biết khác -- bằng tuệ giác hay trực giác. Vì Đức Cồ Đám công nhận con người thay đổi nhiều về tính khí, Ngài đưa ra nhiều kiểu huấn luyện tâm để Chánh Định. Những phương cách này được phát triển bởi đệ tử của Ngài trong việc tu tập Du Già vẫn quan trọng đối vói những Phật Tử nhiệt tâm ngày nay.

NIẾT BÀN

Đức Cồ Đàm nhấn mạnh người hành trì nghiêm túc Bát Chánh Đạo sẽ đạt được Niết Bàn. Nghĩa hẹp của Niết Bàn là sự dập tắt thèm muốn, hận thù và tham lam. Như chúng ta đã thấy, đối với Đức Phật, sự dập tắt thèm muốn, và những thái độ không thích hợp là chân hạnh phúc. Niết Bàn có một nghĩa khác rất quan trọng đối với hầu hết các Phật Tử. Đó là thoát khỏi tất cả luân hồi trong tương lai, thoát khỏi "Vòng Trở Thành".

Vì người Phật Tử không nói đến linh hồn hay Cái Ta, cho nên họ ngần ngại nói về Đấng Tối Thượng như Phạm Thiên. Họ cảm thấy những vấn đề này không thể xác định chắc chắn được. Họ cho rằng, nói suông không quan trọng. Hiểu biết và tìm hiểu mới quan trọng. Nhưng dù có hay không có một linh hồn hay đấng Tối Thượng người Phật Tử tin có tái sanh. Vì những ảnh hưởng và các khuynh hướng thói quen của kiếp này sẽ tiếp tục tự tái sinh dưới hình thức này hay hình thức khác trong thời gian không hạn định của tương lai.

Niết Bàn không phải là nơi chốn. Nó là một trạng thái của tâm. Niết bàn đạt được sau những trầm tư nghiêm túc và nỗ lực mãnh liệt. Trầm tư là một trong những công đức chính của Người Phật Tử. Vô tư đáng trách. Người Phật Tử so sánh người vô tư với con khỉ cuồng nhiệt tìm kiếm thức ăn trong rừng.

Niết Bàn không có nghĩa là mất ý thức cá nhân vào lúc chết, vì Đức Cồ Đàm đã đạt niết bàn, và đã bỏ nhiều năm cố gắng giúp người khác đạt Niết Bàn. Tuy nhiên người Phật Tử sớm thấy cần nói về Niết Bàn tối hậu. Niết Bàn này có thể đạt được sau khi chết. Họ gọi đó là Parinirvana (Vô dư niết bàn).

Một người thực sự hạnh phúc là người đã đem cả tư tưởng và nỗ lực cần thiết để thực hiện Niết Bàn. Đức Phật không kính trọng chức tước hay đẳng cấp -- ngay cả đến những đẳng cấp thượng lưu của Ấn Độ. Ngài nói người ta không thể tiến tới hạnh phúc bằng dòng dõi gia đình mà người ấy được sinh ra. Phải chăng chính Ngài đã sinh ra không phải là một Thái Tử, thế mà có lúc Ngài đã từng là người bất hạnh nhất trong những người bất hạnh? Không phải bởi dơng dõi, không phải bởi của cải, mà là người ta phải khám phá ra cách vượt qua khổ đau. Bằng tìm cách vượt qua tham dục bất thiện, bằng cách duy trì việc tu tập Bát Chánh Đạo, bằng kiến thức của chính mình -- bằng những thứ này, ta đạt được hạnh phúc trường cửu.

Các thông tin cùng loại này
» Tìm hiểu biểu tượng 卐 (Vạn) của Đạo Phật (2012-11-29 12:03:36)
» Quan điểm về Giác Ngộ trong các Tôn giáo (2012-10-12 18:18:07)
» Thời-Không là gì? (2011-08-20 11:05:15)
» Cốt tủy của Phật pháp (2011-08-20 11:00:09)
» Đức Phật Trong Cái Nhìn Của Các Nhà Khoa Học (2011-04-04 11:41:32)
» Những biểu tượng đa dạng... (2011-02-12 16:52:07)
» Tích hợp Vật lý & Phật học? (2011-02-06 12:45:23)
» Con đường nào tôi phải đi? (2010-01-02 22:31:36)
» Tại sao tôi không hạnh phúc? (2010-01-02 22:30:15)
» Đức Phật hỏi và trả lời (2010-01-02 22:29:33)
» Nguồn gốc Phật giáo (2010-01-02 22:28:40)
  1  
 

CÔNG TY KHOA HỌC NĂNG LƯỢNG TÂM THỨC TOTHA
245 Trịnh Đình Trọng, P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM, VN - ĐT0909777929 - 0908883380 - 0909631630 - 0914359159 - Email:   phapluantotha@gmail.com

Copright 2009 www.totha.vn,
All rights reserved

Lượt truy cập: 18004142
Đang online : 155