Cây giao (hay còn gọi là cây xương cá, cây nọc rắn, cây càng tôm, cây xương khô) thuộc họ thầu dầu. Loại cây này thường được trồng cùng với cây hoa quỳnh (nên người ta hay gọi “cây quỳnh cành giao”). Cành giao còn gọi là càng cua, xương khô, san hô xanh, thập nhị, có thể cao đến 3m, thân nhánh tròn, màu xanh lục, khi bẻ cành có nhiều mủ trắng chảy ra. Dân gian thường dùng cành giao để trị đau nhức, côn trùng đốt, chấn thương…
Toàn cây giao có vị cay, hơi chua, tính mát, hơi có độc, có tác dụng thúc sữa, sát trùng, khử phong, tiêu viêm, giải độc. Nhưng, nhựa cây rất độc có thể gây mù mắt (nếu dính vào mắt); gây phồng, rộp đỏ da, niêm mạc. Ở Ấn Độ, cây giao được dùng để chữa mụn cóc; ở Indonesia dùng để chữa ngoài da và làm thuốc xổ; ở Thái Lan cây giao cũng được người dân dùng chữa bệnh.
Sau đây là một số cách dùng cây giao chữa bệnh trong dân gian:
- Chữa viêm xoang, viêm mũi dị ứng: Dùng khoảng 15 đốt cành giao, cắt nhỏ từng đoạn ngắn, cho vào túi nylon đập nát rồi cho vào nồi cùng nước, đun sôi. Dùng giấy cuộn thành ống lắp vào đầu vòi, cho vào mũi để hít hơi thuốc vào mũi, thỉnh thoảng hít cả vào miệng. Thời gian xông 10 -5 phút. Xông liên tục 3-5 ngày, bệnh nặng có thể xông đến 7 ngày. Không dùng cho phụ nữ có thai.
- Chữa côn trùng, ong, rắn cắn, bò cạp đốt: Dùng cành giao giã nhỏ, đắp lên nơi bị cắn.
- Chữa chấn thương, đau nhức: Dùng cành giao giã nhỏ, đắp lên tổn thương ở cơ bắp, khi khô lại dùng rượu nhạt nhỏ thêm vào bã thuốc.
- Chữa mụn cơm: Dùng nhựa cây giao đắp lên mụn cơm. Không được để nhựa mủ cây thuốc này bắn vào mắt.
Như trên đã nói, cây giao có độc tính, nhất là nhựa cây có thể gây mù mắt (nhựa dính vào mắt), không để nhựa dính vào da, mắt. Và có độc, nên không sử dụng cành giao dài ngày. Theo kinh nghiệm dân gian nên tối đa không quá 10 ngày.
Lương y Quốc Trung