Tại cuộc đối thoại của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo TP. Đà Nẵng với các doanh nghiệp ngày 7-9-2012, có một phụ nữ là giám đốc doanh nghiệp hiện đang bị đóng cửa vì... thiếu vốn. Sau khi trình bày hoàn cảnh, người này công bố một thông tin gây “sốc”: trong thời gian rảnh chị đã tiếp tục nghiên cứu, tìm phương thuốc chữa bệnh ung thư và hiện có khoảng chục người đang điều trị, tiến triển rất tốt. Thông tin trên khiến cả hội trường xôn xao và càng bàn tán rôm rả hơn khi Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh cho rằng: “Nếu Sở Y tế kiểm tra kỹ thấy đúng chị chữa được dứt điểm bệnh ung thư thì sẽ vận động hỗ trợ khoảng 50 tỷ đồng để phát triển chứ không cần phải... vay vốn”.
Tìm tới nhà chị Trần Thị Hường (SN 1966) tại thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến, Hòa Vang, Đà Nẵng, người đang thử nghiệm việc chữa bệnh ung thư, ấn tượng đập vào mắt chúng tôi là một khu nhà, xưởng bề thế bên con đường làng quanh co uốn lượn, trong lúc vị giám đốc lại hết sức chất phác, gương mặt chân quê hiện nhiều nét ưu tư...
Điều chúng tôi cảm thấy tiếc là trong khu nhà xưởng bề thế ấy, hệ thống máy móc, nguyên vật liệu sản xuất nước rửa chén đang bị “đắp mền”, mà theo chị là do thiếu vốn. Được biết, chị Hường từng nghiên cứu thành công loại nước rửa chén “Life fresh” (nhãn hiệu đã được đăng ký sở hữu trí tuệ) với giá rất mềm mà sử dụng hiệu quả nên được Trung tâm khuyến công hỗ trợ 100 triệu đồng để phát triển thương hiệu. Chị đầu tư cho hệ thống sản xuất này khoảng hai tỷ, nếu tính cả nhà đất thì tổng cộng gần năm tỷ đồng. Nhưng đầu năm nay đành phải ngưng sản xuất sau một thời gian hoạt động do vay ngân hàng (khoảng 1 tỷ) chưa được. Trước tình thế nan giải, xưởng đành phải đóng cửa.
Chị Hường bên bà Năm
Thời gian rảnh, chị Hường tiếp tục nghiên cứu tìm phương thuốc chữa bệnh ung thư. Theo chị thì cách đây 3 đời, bà cố nội của chị chuyên làm thuốc nam và chữa bệnh rất giỏi, nhưng trong gia đình chưa ai theo nghiệp này. Không hiểu vì sao từ nhỏ chị Hường đã đam mê đọc, nghiên cứu sách về y học, nhất là các loại thuốc nam. Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế, lập gia đình, chị theo con đường kinh doanh, nhưng luôn tìm hiểu kiến thức chữa bệnh, từ đó tích lũy dần..., cho đến khi xưởng tạm ngưng sản xuất, chị quyết tâm tìm “hướng đi mới”.
Trong nhà chị Hường lúc chúng tôi đến có 3 trường hợp đang chữa bệnh ung thư. Bà Lê Thị Năm (57 tuổi, thường trú tại tổ 116 Hòa Minh, quận Liên Chiểu) đang ngồi xem tivi, khi chúng tôi vào bà ngồi dậy tiếp chuyện, cho biết bị ung thư tử cung giai đoạn cuối, phát hiện từ tháng 10-2011, đã đi chữa nhiều nơi, tốn hàng chục triệu đồng nhưng đành phải nằm chờ chết. May mắn bà gặp được chị Hà (chị của chị Hường) nên biết được thông tin chị Hường đang nghiên cứu chữa bệnh ung thư.
Được biết, trước khi uống thuốc của chị Hường, nội tạng, da, lưỡi... bà Năm lở loét, không ăn không ngủ được, thân thể tiều tụy... Theo bà, trước khi lên chữa ở đây, bà đã xác định được hay không cũng mãn nguyện vì bệnh của mình bác sĩ đã bó tay. “Sau khi uống thuốc được sáu ngày, thấy nội tạng bớt đau, da, miệng đỡ lở loét, cơ thể dần ổn định trở lại, coi tivi được”, bà vui mừng khoe và cho biết thêm: “Không biết kết quả về lâu về dài thế nào, nhưng trước mắt tui thấy tiến triển hơn trước nên rất hy vọng”.
Vợ chồng ông Nghĩa
Trong những bệnh nhân đang chữa trị có trường hợp ông Trần Văn Nghĩa (59 tuổi, trú thôn 4, Tam Thạnh, Núi Thành, Quảng Nam) hết sức éo le. Giấy ra viện chẩn đoán: K (ung thư) dạ dày giai đoạn cuối, rối loạn tiền đình, viêm gan cấp, tràn dịch đa năng... Ông Nghĩa cho biết, khoảng tháng 11-2011 thấy đau dữ dội, đi khám bệnh thì biết mình bị ung thư. Gia đình chạy chữa khắp nơi nhưng không hy vọng gì, kinh tế lại khó khăn nên đành phải xin ra viện để về nhà nằm... chờ chết! Biết chị Hường chữa bệnh ung thư nên ông tìm tới. Lúc chúng tôi tiếp xúc (ngày 10-9), ông Nghĩa đã uống thuốc được gần năm ngày. Những hôm đầu bị phản ứng thuốc nên thấy cơ thể hơi mệt, nhưng càng về sau càng thấy đỡ hơn, điều quan trọng là ăn uống đã ngon miệng trở lại.
Còn ông Trần Nhơn (64 tuổi, quê Quảng Ngãi) bị ho nhiều, đau dữ dội, đi khám thì nhận tin “sét đánh”: ung thư phổi di căn qua gan. Dù đã chữa nhiều nơi, ai bày đâu trị đó nhưng vẫn không hy vọng gì, đành chờ ngày về với “tổ tiên ông bà”. Theo ông Nhơn, trước khi uống thuốc nam của chị Hường thì đầu đau như búa bổ, ho liên tục, trong ngực như có con gì cắn, xương sống như có luồng điện chạy qua. Uống thuốc được 5 ngày giờ đã bớt ho, đỡ đau ngực, ăn uống được hơn...
Ông bà Q.
Theo chị Hường thì việc thử nghiệm chữa bệnh ung thư mới diễn ra hơn 20 ngày với hai trường hợp “thí điểm” là ông Nguyễn Đ.Q (70 tuổi) và chị Trần Thị Ngọc Liên (49 tuổi, đều ở Hòa Tiến, Hòa Vang). Chúng tôi đến nhà của hai bệnh nhân này để tìm hiểu. Ông Q. khoe: “Trước đây khi ra viện tôi tiều tụy lắm, ăn uống không được, nhưng sau khi uống thuốc của chị Hường cho, bây giờ có da có thịt, sinh khí đang dần hồi phục, ăn uống đã trở lại bình thường”. Theo vợ ông Q. thì từ khi lấy ông tới giờ đã 44 năm chưa bao giờ thấy chồng đau ốm gì. Hôm đi khám phát hiện bị ung thư gan, sợ ông sốc nên gia đình đành phải giấu, xin bác sĩ về điều trị ngoại trú. “Trước khi uống thuốc của chị Hường, ông Q. lên từng cơn đau rất dữ dội, nhưng giờ giảm nhiều. Chị Hường cho thuốc nam uống đến nay vẫn chưa lấy tiền, chủ yếu làm từ thiện, chúng tôi biết ơn vô cùng”, vợ ông Q. cảm động kể.
Còn trường hợp chị Trần Thị Ngọc Liên đã đi chữa nhiều nơi nhưng vô vọng. Khi đưa về nhà người chị như tàu lá héo, tưởng không qua khỏi. Sau khi uống thuốc của chị Hường có đỡ hơn, ngồi dậy nói chuyện, ăn uống được, nhưng kết quả thế nào thì còn phải chờ...
Chai thuốc nam đang được đóng gói để gửi ra Quảng Bình
Theo chị Hường, từ đó đến nay chị chữa cho khoảng mười trường hợp ung thư. Hiện việc điều trị chứng bệnh nan y đang trong quá trình thể nghiệm, kết luận cuối cùng chỉ có cơ quan chức năng mới trả lời được.
Sáng 12-9-2012, trao đổi qua điện thoại, ông Phạm Hùng Chiến - Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng - cho biết, hiện đang bàn kế hoạch kiểm tra tình hình chữa trị ung thư của chị Trần Thị Hường theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh. Việc này phải làm rất kỹ lưỡng, không thể chủ quan. |