1. Lời dạy thứ 2: “Không dính mắc vào danh xưng Bồ Tát, đó mới chính là chân danh Bồ Tát, chân danh Bát Nhã”
“Bồ Tát muốn chứng đạt cái không sinh không diệt, vẫn phải học cái giả danh và giả pháp của pháp Bồ Tát và pháp Bát Nhã”.
Tại sao lại học cái giả danh và giả pháp của pháp Bồ Tát và pháp Bát Nhã, rồi lại phải không được dính mắc vào thì mới là chân danh?
Đầu tiên, nếu muốn tinh tấn hơn thì ta phải có sự mong cầu cho mình ngày càng tiến lên (dục thần túc giác chi), do đó khi tu học cũng vậy, bố thí vô tướng và độ sanh vô ngã để tâm từ bi trải rộng và an trú được trong tâm bồ tát, nhưng nếu còn nghĩ đến danh bồ tát và bát nhã, thì có nghĩa là còn tưởng, mà còn tưởng thì vẫn còn xem ngũ uẩn là có thật. (Ngũ uẩn gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Trong kinh bát nhã, câu đầu tiên có dạy rằng: Quán tự tại Bồ Tát, hành thâm Bát nhã ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách. Có nghĩa là: an trú trong sự tụ tại và thực hành một cách uyên thâm tâm từ bi trải rộng cùng với trí tuệ siêu việt thấu quán tận cùng tánh không soi rõ và thấy biết rằng ngũ uẩn chính là những cấu hợp tạo thành, do đó không trường tồn, không có tự tánh, đó là điều cần thiết duy nhất giúp thoát khổ. Chính vì thế, một khi còn nghĩ đến danh Bồ Tát, Bát nhã, thì ngũ uẩn không thể giai không, mà như thế thì vẫn còn ràng buộc, vẫn chưa thoát khổ (Dukkha) được.
Chúng ta sẽ xem cụ thể hơn với sơ đồ bên dưới:
Thực hiện được bố thí vô tướng, độ sanh vô ngã để an trú trong tâm bồ tát (trú có nghĩa là trú quán, trú ngụ) tức là luôn luôn lúc nào cũng trú ở trong cái tâm bồ tát ấy một cách tự tại.
Sau đó sẽ tri kiến được giả danh Bồ tát và danh Bát nhã, vì sau khi an trú trong tâm bồ tát sẽ tri kiến được rằng chư pháp đều do nhân duyên hòa hợp mà thành, thì danh Bồ Tát và danh Bát nhã cũng không có thật, đều là do nhân duyên mà thành, đều là tên gọi để tiện việc diễn nói thôi. Do đó sẽ tri kiến được tường tận sự hạn hẹp của ngũ uẩn. Ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) đều không có thật, tất cả đều là sự kết nối của nhân duyên, Sắc chính là thân tứ đại, gồm 4 thứ hợp thành là đất, nước, gió, lửa đều không tồn tại mãi. Thọ, tưởng, hành, thức thì luôn biến đổi, như tâm ý của ta lúc như thế này lúc thế khác, đó chưa phải là tâm thật (chân tâm) của mình, do vậy, khi thấy được sự hạn hẹp của ngũ uẩn, sẽ giúp tri kiến được thực tướng chư pháp là không tướng, chỉ là do những cái thọ tưởng hành thức của mình là nó sinh ra nhiều tướng trạng khác nhau mà thôi. Thấy được mình, người và vạn vật chỉ là một, từ đó không còn phân biệt chư pháp nữa. Và do vậy, sẽ không còn bị sự chi phối của 6 căn, thấy chư pháp (sự vật hiện tượng) còn sự phân biệt, còn khác nhau đều là do lục căn đánh lừa chúng ta nên chúng ta mới còn dính mắc và bị lệ thuộc vào nó, mà những điều thấy biết này chỉ mới là thấy cái tướng do sắc thọ tưởng hành thức chứ chưa phải là thấy cái tánh thật của vạn pháp. Sau khi vượt qua giới hạn của 6 căn mà không còn chấp vào cái danh Bồ Tát, danh Bát Nhã nữa, thì lúc đó mới là thành tựu Bồ Tát thực sự.
Như vậy, chúng ta thấy được rằng mình hành bố thí, độ sanh nhưng không chấp vào việc mình làm, không nghĩ mình đang làm thì mới đạt được cái ngưỡng tiệm cận để thành Bồ Tát, rồi muốn thành Bồ Tát thực sự thì phải bỏ qua luôn cả việc nghĩ rằng ta là Bồ Tát vì đã làm xong cái hạnh Bồ Tát ấy. (Thực hiện được bố thí vô tướng và độ sanh vô ngã chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ để thành tựu trọn vẹn chân danh Bồ Tát thì phải bỏ luôn cái danh Bồ Tát và Bát Nhã)
Phần 3: Câu chuyện giữa tôn giả Tu Bồ Đề và vị tri thức Bà La Môn.
Một vị tri thức Bà La Môn vì nghe danh tôn giả Tu Bồ Đề là người đệ tử của Đức Phật hiểu rõ nhất về tính không nên muốn hỏi xem vì sao tất cả các vạn vật trên thế giới đang tồn tại rõ rang trước mắt vậy mà tại sao lại gọi là không?
Tôn giả bèn chỉ ngôi nhà trước mặt và giải thích rằng “ông hãy nhìn ngôi nhà kia, nó là do bốn yếu tố (đất, nước, gió, lửa) và các thứ nhân duyên khác hợp lại mà có. Nếu lấy riêng từng thứ vật liệu như gỗ, đất, gạch, ngói…từ ngôi nhà ẩy ra, thì chẳng những ngôi nhà đã không có, mà ngay cả tên gọi “ngôi nhà” cũng không có. Vì ngôi nhà ấy do tất cả những thứ không phải là nhà hợp lại mà có, cho nên chúng ta bảo ngôi nhà ấy là không. Không, không có nghĩa là phủ nhận không có ăn nhà, nó không mang nội dung của cặp ý niệm đối đãi có – không. Không là không có một bản ngã, một thực thể riêng biệt độc lập. Và chính vì vậy, không chính là bản thể của tất cả sự vật trên thế gian”.
Và người trí thức sau khi nghe xong vô cùng kính phục trước lời chỉ dạy ấy. Trước khi chia tay, tôn giả Tu Bồ Đề giải thích thêm: “Trong khi tóc của ông từ màu đen chuyển đổi thành trắng bạc, trong khi chiếc là ở đầu kia rụng xuống đất, vẫn có hạt giống của bông hoa kia rơi và bị chon vào lòng đất, rồi nảy mần, lớn lên, nở hoa, kết trái…trải qua một thời kỳ biến chuyển tuần hoàn, lại trở thành nguyên dạng của nó. Ông hãy ghi nhớ, đó là không đấy”.
Tôn giả đã dùng 1 ví dụ hết sức thực tế để giải thích về cái tính không của vạn vật, không có sự vật, hiện tượng gì mà có thể bất biến cả, tất cả đều không có cái bản ngã riêng, mà đều do nhân duyên, đều nương nhờ nhau mà tồn tại. Ví như chiếc bàn chúng ta đang ngồi, được làm từ gỗ, chúng ta thử suy nghĩ, cũng 1 đoạn cây đó nhưng khi còn lá cành thì gọi là cây, khi mang xuống cưa thành hình dài thì gọi là gỗ, được người thợ sắp xếp và dùng đinh kết lại thì gọi là bàn. Như vậy, cái bàn nó rõ rang không phải là một thực thể độc lập, cho nên nếu dùng phạm trù có- không để nói thì nhìn cái bàn là có mà nói không thì cũng không đúng, nhưng nếu nói có thì cũng không phải, vì trước khi có nhân duyên (người, đinh, ốc, vít…) tác động vào thì làm gì có cái được gọi là bàn, cái nhà cũng tương tự như thế. Đó chính là tính không của vạn vật., “không” có nghĩa là không có một bản ngã.
Hay như câu suy ngẫm của vị Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma trước khi Ngài quyết chí lên đường tìm thầy tu học:
Lúc chưa sanh tôi, ai là tôi?
Lúc sanh ra tôi, tôi là ai?
Cũng cùng ý nghĩa như thế, tất cả sự vật hiện tượng (vạn pháp) đều do nhân duyên hòa hợp mà thành chứ không có một vật nào tồn tại như một thực thể độc lập cả.
Phần 4: qua một số điều trong câu chuyện của tôn giả, ta có thể nhìn lại một số vấn đề như sau:
Chúng ta đều có thể đạt được những điều mong muốn nếu như ta có mong cầu đúng và thực hiện từ những việc nhỏ nhất, giống như ngài Tu Bồ Đề, từ nhỏ ông đã gieo cho mình 1 hạt giống bồ đề bằng những hành động hết sức đơn giản nhưng hiếm ai có được, bằng suy nghĩ hướng về những điều tốt đẹp, bằng lòng yêu thương, muốn mang yên vui đến cho mọi người (hướng về Chân – Thiện – Mỹ) theo thời gian cái hạt giống đó lớn dần theo từng ngày, rồi cái nhân tốt đó gặp điều kiện thuận lợi là giáo pháp đúng đắn của Đức Phật nên kết quả là đã có một tôn giả Tu Bồ Đề đứng đầu tăng đoàn về hiểu rõ tính Không – một giáo pháp huyền diệu đưa con người đến sự giải thoát hoàn toàn.
Giáo pháp của ĐP dù có khác nhau về cách tiếp cận tùy theo căn cơ của mỗi chúng sanh, nhưng tất cả đều dạy rằng muốn được diệt khổ (giải thoát thực sự) thì phải nhìn rõ được thật tướng của vạn pháp, thấy được chúng sanh đồng thể tánh, hay khác hơn đó chính là nhìn vào tâm để thấy tánh, cái tánh thật, cái chân tâm của mỗi người, không tìm tòi và mong cầu ở bên ngoài. Muốn tìm được cái thật tánh của mình, thì chúng ta làm từ những cái cốt lõi trước, đầu tiên là phải giữ gìn ngũ giới, sau đó là hành thập thiện nghiệp sau đó ta mới có thể dần dần tiến lên cao hơn ở các pháp tu tiếp theo. Vì pháp phật không phải chỉ hiểu là được giải thoát mà còn phải thực hành để thực sự chứng được, vì vậy mà chúng ta nên bắt đầu thực hiện dần từ những việc nhỏ hằng ngày để chỉnh sửa thân tâm ta (qua bài ngũ giới) và song song đó ta vẫn làm được việc thiện để giúp người (thập thiện nghiệp) để gieo cái hạt giống bồ đề và nuôi dưỡng nó lớn dần như bằng chứng từ những việc làm của tôn giả TBĐ mà chúng ta vừa tìm hiểu. Nếu không có sự hành trì thì dù có biết được bao nhiêu lời dạy cũng không thể giúp ta giải thoát được, như câu nói của ngài Đạt Ma Sư Tổ: “Nếu không thấy tánh thì dù giỏi nói 12 bộ kinh cũng chỉ là ma nói”.
Chúc tất cả cô chú anh chị chúng ta ngày càng tinh tấn và thực hành được ngày càng nhiều thiện nghiệp hơn nữa để cùng nhau hướng về ánh sáng của sự giác ngộ, giải thoát.
|