CHUYÊN MỤC
ĐỒNG TÂM
LỊCH ÂM DƯƠNG
LIÊN KẾT WEBSITE
Thông tin Đồng Tâm » Những Mảnh Đời Bất Hạnh  » Chi tiết
 
Làng mù
(CATP) Xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình có đến 150 người mù và số người mù liên tục tăng theo thời gian. Nỗi đau truyền kiếp khiến những ngôi làng nhỏ ven biển chìm ngập trong nghèo đói, khổ đau và lo lắng...

     (CATP) Xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình có đến 150 người mù và số người mù liên tục tăng theo thời gian. Nỗi đau truyền kiếp khiến những ngôi làng nhỏ ven biển chìm ngập trong nghèo đói, khổ đau và lo lắng. Số ít người đã vượt qua mặc cảm, số phận, để vươn lên giúp ích cho mình và cộng đồng.

Chìm trong bóng tối

      Ông Phạm Xuân Hựu, Chủ tịch Hội người mù xã Quảng Xuân, chậm rãi rót nước chè xanh mời khách, rồi giở cuốn sổ dài dằng dặc ra thống kê một cách nặng nhọc: “Toàn tỉnh có hơn 700 hội viên Hội người mù nhưng huyện Quảng Trạch có hơn 300 người, riêng xã Quảng Xuân có 150 người. Cả bốn làng Thanh Bình, Thanh Lương, Xuân Hòa và Xuân Kiều đều có người mù, riêng Thanh Bình nhiều nhất với 52 người. Phần lớn các gia đình đều nghèo khó, trong đó gia đình ông Dương Lư ở xóm 4, thôn Thanh Bình là bi đát nhất với năm người bị mù”.

 

Anh Nguyễn Văn Mỵ bị mù, có ba con gái bị mờ, con gái đầu tâm thần, bị lừa tình và sinh ra đứa trẻ mù 

      Suốt một ngày quanh quẩn ở xã Quảng Xuân, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp những người khiếm thị. 150 người mù là chừng ấy số phận nghiệt ngã. Ông Đậu Trọng Dũng (57 tuổi, ở xóm 1, thôn Thanh Bình) cho biết: “Vợ chồng tui sinh được 5 con thì hai đứa bị mù bẩm sinh, ba đứa có vấn đề thần kinh. Vợ chồng tui già cả rồi không sao, chỉ tội các con, sau này không biết sẽ nương tựa vào ai?”.

      Bi đát chẳng kém gì gia đình ông Dương Lư là gia đình anh Nguyễn Văn Mỵ (xóm 3, thôn Xuân Hòa) với 5 người bệnh. Bệnh tật, nghèo đói khiến gia đình anh chẳng thể ngóc đầu lên được. Cô con gái đầu bị “hâm”, bị một gã đàn ông lừa tình, sinh một đứa con cũng bị mù mờ. Bản thân bị mù không có khả năng nuôi con, anh Mỵ gửi ba đứa con gái bị mù nhờ các sơ ở nhà thờ nuôi nấng.

      Nhiều trường hợp người mù còn mang trong mình đến hai, ba căn bệnh hiểm nghèo như bà Vắn bị mù và ung thư tử cung; bà Vó bị mù, đau thận, dạ dày; con anh Mỵ bị mù, khuyết tật tay chân...

      Đau đớn, nghiệt ngã hành hạ những người mù, có người đã tìm đến cái chết vì quẫn bách, uất ức. Người dân làng Thanh Bình vẫn xót xa khi kể về cái chết bi thảm của chị Xấu và em trai tên Nhường bị mù bẩm sinh. Thường xuyên ở nhà phụ giúp gia đình việc lặt vặt, một hôm chị Xấu bị một người đàn ông đến cưỡng hiếp. Bụng chị to dần khiến ai cũng lo lắng nhưng an ủi, động viên rằng có con để chăm sóc, đỡ đần lúc về già. Éo le thay, đứa con ra đời bị mù bẩm sinh. Chị Xấu buồn, khóc lóc chẳng thiết ăn uống, đứa con khát sữa mẹ được hàng xóm thương tình nuôi nấng.  Hai tháng sau, mọi người phát hiện hai mẹ con chết không rõ nguyên nhân. Anh Nhường cũng thắt cổ tự vẫn.

 

Cô sinh viên mù Đậu Thị Giang (bìa trái) luôn dẫn đầu lớp về thành tích học tập giữa cộng đồng sinh viên sáng mắt và luôn được bạn bè yêu thương, chia sẻ 

       Đi qua những ngôi làng ở Quảng Xuân, cảm nhận của chúng tôi ở đây cũng giống như bao ngôi làng ở Việt Nam bình yên, xanh tươi nhưng sao lại có nhiều người bị mù đến vậy.

      Còn ông Hựu thì lý giải một số nguyên nhân: thứ nhất, do nhiều người dân sử dụng giếng nước khơi, giếng đào và có nguồn nước ngầm nối vào nước kênh Xuân Hưng đã bị ô nhiễm trầm trọng; thứ hai, người Quảng Xuân đi cách mạng nhiều, sau khi trở về, họ mang theo chất độc hóa học và con cháu bị di truyền”.

        Đó là ý kiến riêng của ông Hựu, còn nguyên nhân chính khiến Quảng Xuân có nhiều người mù thì vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

  Tìm về phía “mặt trời”

       Cái tin cô gái mù Đậu Thị Giang (xóm 1, thôn Thanh Bình) đậu vào Học viện Âm nhạc Huế khiến ai cũng ngỡ ngàng thán phục. Bố mẹ Giang là những cựu chiến binh, thanh niên xung phong chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên. Họ sinh được 5 con thì hai con bị mù bẩm sinh, ba con có vấn đề về thần kinh. Mang số phận éo le nhưng Giang không hề mặc cảm. Năm 9 tuổi, em được đưa vào Đà Nẵng học ở Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu. Lên cấp 2 và 3, Giang học chung với học sinh bình thường, nhưng em vẫn đạt học sinh giỏi nhất lớp. Được trường tổ chức học năng khiếu, Giang học đánh đàn tranh và đó cũng là cách để em đỡ nhớ nhà, nhớ quê, thổ lộ nỗi niềm của mình với cuộc sống và mọi người.

       Tốt nghiệp cấp 3 loại giỏi, Giang thi và đậu vào chuyên ngành đàn tranh của Học viện Âm nhạc Huế với số điểm cao. Điều rất đặc biệt, suốt gần 4 năm Giang luôn dẫn đầu lớp với điểm tổng kết học tập từ 8 đến hơn 9. Một người khiếm thị đi học đã khó, nhưng để học giỏi nhất giữa hàng chục sinh viên sáng mắt thì càng khó gấp bội lần.

       Với học bổng, phần thưởng trong học tập và học bổng của các tổ chức cùng với số tiền đi làm thêm - biểu diễn âm nhạc ở các phòng trà, khách sạn, Giang đã tự lo được chi phí học tập, ăn ở của mình, mua được máy tính, đàn tranh... để phục vụ học tập.

      Tuy nhiên, Giang vẫn lo lắng: “Mặc dù học giỏi và có sở trường về âm nhạc nhưng em sợ ra trường không kiếm được việc làm vì thân thể khuyết tật. Hiện nay, người khiếm thị ở nước ta vẫn chủ yếu làm nghề bán đũa, bán tăm, làm massage ở các hội người mù chứ rất hiếm người tốt nghiệp đại học mà được làm công việc đúng với chuyên môn của mình”.

      Đã 60 tuổi, ông Lê Hận (xóm 3, thôn Xuân Hòa) không thể đi biển được nữa vì sức khỏe yếu. Tuy bị mù nhưng ông đã bám biển mưu sinh hơn 30 năm qua. “Hai năm nay tui nghỉ đi biển, ở nhà đan lưới thuê và giúp bà ấy gom ve chai bán kiếm sống” - ông nói với chúng tôi khi đang dò dẫm gom ve chai cùng vợ. 18 tuổi, ông học đan lưới, bơi, đi từ nhà ra biển cho quen đường và xin bố cho ngồi lên thuyền để quen với sóng nước. Sức khỏe bố yếu dần, không thể đi biển thường xuyên được; khi biết đủ sức đi biển, ông xin dân làng cho đi theo. Thấy vậy, ai cũng ái ngại, khuyên can. Ông năn nỉ, mọi người thương tình cho theo làm việc lặt vặt. 21 tuổi, Hận chính thức ra khơi đánh cá. “Những ngày đầu tui ngã túi bụi. Nhiều hôm gió to sóng lớn, tui bị hất xuống biển suýt chết, may mà biết bơi” - ông kể.

      Ông Lê Dốc, người hàng xóm nói về ông Hận: “Trời lấy đi đôi mắt nhưng cho lại ông cái tai thính, giác quan nhạy bén. Chỉ cần ngóng đôi tai, ông biết được sóng, gió to nhỏ, thời tiết ra sao; ngửi mùi nước là biết có cá hay không... Nhiều chuyến đi biển, tui trúng cá đều nhờ tài phán đoán của ông ấy”.

      Ông Hận còn có tài “tán gái” và lấy được người vợ lành lặn lúc 25 tuổi. Ông phấn khởi nói: “Riêng tui, việc tán gái cũng như đi biển, phải dũng cảm”. Bà Nguyễn Thị Long ở cùng làng vốn đã mến nghị lực và đức tính cần cù của ông, họ cưới nhau và sinh được 5 đứa con. Ông càng vất vả để nuôi các con khỏe mạnh, nên người. Số tiền ít ỏi dành dụm được hơn 30 năm đi biển, ông đưa, vay mượn thêm mua thuyền cho hai con trai rồi truyền nghề cho chúng đi biển.

 

Các thông tin cùng loại này
» Những đứa trẻ khát hơi ấm
» Thiếu ăn, gần 200 triệu trẻ em bị còi cọc
» Cân giúp các em
» Đánh rơi con chữ
Trang trước  1 2  
 

CÔNG TY KHOA HỌC NĂNG LƯỢNG TÂM THỨC TOTHA
245 Trịnh Đình Trọng, P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM, VN - ĐT0909777929 - 0908883380 - 0909631630 - 0914359159 - Email:   phapluantotha@gmail.com

Copright 2009 www.totha.vn,
All rights reserved

Lượt truy cập: 16179771
Đang online : 19