Bắt đầu từ hôm 14.1, hàng chục chuyến bay đã đáp xuống phi trường Port-au-Prince, mang theo các lực lượng ứng cứu và hàng viện trợ. Tuy nhiên, sân bay nhỏ này cũng bị tàn phá nặng nề sau trận động đất 7 độ Richter hôm 12.1 nên việc triển khai rất chậm. Tình trạng ách tắc khiến nhiều phi cơ phải bay lòng vòng suốt 2 tiếng đồng hồ mới có chỗ đáp, theo Reuters.
Hôm qua, tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đã đến Haiti và có chức năng như một phi trường bổ sung. Hãng tin AFP dẫn một thông báo hôm qua của Nhà Trắng cho hay Cuba đã đồng ý cho máy bay của Mỹ, xuất phát từ Guantanamo, bay qua vùng trời nước này để mang nhu yếu phẩm đến cho nạn nhân động đất. Khoảng 5.000 binh sĩ Mỹ cùng nhiều đội tìm kiếm từ các nước cũng sẽ nhanh chóng được triển khai đến Haiti trong hôm nay và ngày mai. Việc chuyên chở hàng viện trợ và thiết bị cứu hộ cũng không dễ dàng gì vì đường sá bị hư hại nặng, các đống đổ nát và xe cộ chắn ngang đường trong khi khả năng liên lạc gần như bằng không. Cảng Port-au-Prince cũng hoàn toàn không thể sử dụng được nữa.
Trong khi đó, nhiều người mất nhà cửa tại thủ đô Port-au-Prince vẫn phải nằm ngoài đường, không nước uống, lương thực và thuốc men. Dù đã rất cố gắng, thậm chí dùng cả xe cẩu, người ta vẫn không thể dọn dẹp hết tử thi trên đường và mùi phân hủy lan tỏa khắp mọi ngóc ngách. Tình hình tương tự cũng diễn ra tại các bệnh viện dã chiến khắp thành phố. Người dân vẫn phải dùng tay không để cào bới các đống đổ nát để tìm kiếm thân nhân. Tại một khu trại, người ta ào ra trước mặt các phóng viên và hét lên “Nước! Nước!”. Sylvain Angerlotte, 22 tuổi, nói với hãng tin AP: “Mọi người đang rất khổ sở. Chúng tôi không có tiền, không có gì để ăn. Chúng tôi cần nước sạch”.
Một em bé chỉ mới được băng bó rất sơ sài
|
Chính vì thế, người dân đang dần trở nên giận dữ vì chờ đợi trong mỏi mòn và tuyệt vọng. Tại nhiều nơi, họ chất đống xác chết trên đường để phản đối việc cứu hộ chậm trễ. AP dẫn lời một nhân viên cứu trợ kể lại người dân suýt ẩu đả để giành nước tại một khu phố phía bắc thủ đô. Hôi của và cướp bóc bắt đầu xuất hiện. Thỉnh thoảng có tiếng súng vang lên. Đại diện của Chương trình Lương thực thế giới cảnh báo nếu mọi việc không tiến triển nhanh hơn, “bất ổn xã hội nghiêm trọng sẽ xảy ra”. Các đội tìm kiếm không dám làm việc ban đêm vì họ không được trang bị vũ khí. CH Dominica láng giềng là một trong những nước đầu tiên gửi đội tìm kiếm sang Haiti cùng Venezuela, Mỹ, Pháp và Trung Quốc. “Vấn đề lớn nhất của chúng tôi là an ninh. Hôm qua họ suýt chút nữa cướp xe của chúng tôi”, AFP dẫn lời trưởng nhóm cứu hộ Dominica Delfin Antonio Rodriguez. Cấp phó của ông Rodriguez là đại tá Jose Cavallo thì nói vì việc vận chuyển quá khó khăn nên họ không thể mang đến các thiết bị cần thiết. “Tại đây thì hầu như chẳng còn gì nên diễn tiến công việc rất chậm chạp. Các tòa nhà lại có thể đổ sập bất cứ lúc nào vì dư chấn”, ông nói.
Ước tính khoảng 50.000 người đã thiệt mạng
Hôm qua, Tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế ước tính số người tử vong trong thảm họa động đất là từ 40.000-50.000 người. AFP dẫn lời Thủ tướng Peru Velasquez Quesquen cho hay tính đến hôm 14.1, người ta mới chôn cất được khoảng 7.000 tử thi. Liên Hiệp Quốc cũng đã xác nhận số nhân viên thiệt mạng tại Port-au-Prince là 36 người và nói thêm rằng khoảng 300.000 người đã bị mất nơi cư trú hoàn toàn vì trận động đất. Không tính các nhân viên LHQ thì tới thời điểm này có ít nhất gần 100 người nước ngoài từ 17 quốc gia đã chết hoặc mất tích, theo AFP. Những người này bao gồm khách du lịch, nhân viên ngoại giao và thành viên các tổ chức từ thiện hoạt động tại đảo quốc vùng Caribe. Hôm qua, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Christine Lagarde đã kêu gọi nhiều nước xóa những món nợ hàng triệu euro cho Haiti.
|