CHUYÊN MỤC
ĐỒNG TÂM
LỊCH ÂM DƯƠNG
LIÊN KẾT WEBSITE
Thông tin khoa học tâm thức & tôn giáo » Ấn Độ Giáo  » Chi tiết
 
Tôi có vị trí gì trong vũ trụ?
Tại sao tôi không được sung sướng? Tại sao tôi làm quá nhiều lầm lỗi? Tại sao tôi thường quá sợ hãi?


       Đó là những câu người ta tự hỏi hay hỏi những người khác khi họ nghĩ về những cách sống trong cuộc đời. Hàng ngàn năm qua, con người ở mọi chủng tộc, mọi quốc gia dường như đã đưa ra những lời giải thích tốt về cách đạt được hạnh phúc. Tuy nhiên, người ở mỗi thế hệ và ở mỗi xứ sở, sống không hạnh phúc và đôi khi cuộc sống không ra gì -- theo lời thú nhận của chính họ.

        Người Ấn Độ Giáo nói một trong những lý do lớn nhất cho bất hạnh phúc của con người là ảo tưởng (maya). Mỗi người sinh ra trên cõi đời này đều bị bối rối và thấy khó mà biết được những việc quan trọng bằng kinh nghiệm của mình vì ảo tưởng. Thế giới này là ảo tưởng (maya) có ý nghĩa là lúc nào cũng thay đổi thành một cái gì khác và sự thay đổi cứ tiếp diễn không ngưng nghỉ. Không ai có thể biết thế giới này là gì, vì thế giới chẳng bao giờ là cái gì nghĩa là nó không bao giờ đứng yên đủ lâu để có thể nghiên cứu và giải thích; nó lúc nào cũng đang bắt đầu. Cho nên con người dễ dàng trở thành say mê luyến chấp nhiều vào cái thực ra rất tầm thường.

Người Ấn Độ Giáo không có ý nói thế giới này không quan trọng nhưng họ nhấn mạnh vào sự thật là thế giới mà ta nhìn thấy không phải là thế giới thực sự. Thế giới đó luôn luôn làm cho ta bối rối. Thí dụ bạn nhìn đường rày trên nền đường sắt, bạn sẽ thấy những đường sắt ấy gặp nhau ở một khoảng cách xa. Thật ra chúng không gặp nhau, nhưng dưới mắt bạn, nó dường như gặp nhau.

        Mắt, tay, tai, sờ mó -- tất cả những thứ đó đánh lừa ta nhiều lần. Làm sao chúng ta có thể quá chắc rằng thế giới mà ta "biết" qua kinh nghiệm đầu tay của ta là thế giới thực sự? Chúng ta không thể chắc chắn được, người Ấn Độ Giáo trả lời như vậy. Vì lẽ chúng ta thường bối rối bởi sự thật hiển nhiên, chúng ta phải học cách giải thích tất cả kinh nghiệm của chúng ta để tìm ra thực tế.

      Dù người uyên bác có cẩn thận giải nghĩa đến thế nào đi nữa về nguy cơ nhầm lẫn vì ảo tưởng và tầm quan trọng của việc hiểu biết về cái Ta và Bà La Môn, vẫn có những người sống một đời khổ sở. Những người Ấn Độ Giáo quan tâm đến những người bất hạnh này. Tại sao việc này xẩy ra? Làm thế nào có thể ngăn chặn nó? Họ băn khoăn với những sự việc như vậy vì sự bất bình đẳng về khả năng giữa con người, những sự không bằng nhau trong niềm vui và đau đớn. Họ muốn có sự giải thích hợp lý.

      Họ kết luận rằng gần như vô nghĩa khi nói việc ấy là do rủi ro hay may mắn, hay Bà La Môn chịu trách nhiệm về những bất bình đẳng ấy. Việc đó làm cho Bà La Môn không công bằng và độc đoán. Nó không làm người hỏi thỏa mãn khi nói rằng tất cả những khác biệt sẽ được giải quyết ở cõi bất diệt nào đó trên "thiên đường" hay "địa ngục", vì con người ta dường như không rơi vào hai nhóm "thiện" và "ác" riêng biệt.

      Người Ấn Đô Giáo đã tìm thấy câu trả lời thỏa mãn trong niềm tin vào sự đầu thai (hay nhập hồn). Mỗi người đều có rất nhiều kiếp sống và sẽ tiếp tục có nhiều kiếp sống -- đủ để khám phá ra mình thực là ai. Đời là trường học cho con người; trong trường đời này con người biết đến cái Ta và Bà La Môn. Khi họ đạt được kiến thức này, con người rời bỏ trường đời. Người đó không cần phải tiếp tục vào nữa; người đó đã học xong.

      Người Ấn Độ Giáo miêu tả đời sống như một dòng suối hay con sông, nó chảy không ngừng, không có khởi đầu và cũng không có tận cùng. Tất cả mọi thứ đều là một phần của dòng: đất đá, cây cối, muông thú, con người và vân vân... Mọi thứ hiện hữu đời này qua đời khác cho đến khi có kiến thức về sự đồng nhất của cái Ta và Bà La Môn. Mỗi người sẽ có nhiều cơ hội để đi đến tự biết mình khi cần thiết. Thuyết đầu thai đem hy vọng cho tất cả mọi người. Không ai có thể bị trừng phạt trong một thời gian vô hạn vì một số lỗi lầm có hạn.

      Có một định luật vũ trụ hoạt động suốt cuộc đời. Gieo gì phải gặt nấy ở một lúc nào đó và ở một chỗ nào đó. Đó là định luật: mỗi hành động, mỗi ý định hành động, mỗi thái độ đều mang quả của riêng nó. "Người trở thành thiện do những hành động thiện và trở thành ác do những hành động ác", một câu trong những tác phẩm thiêng liêng của người Ấn Độ Giáo viết. Câu này có nghĩa là mỗi người phải chịu trách nhiệm về hoàn cảnh chính mình, dù người ấy bối rối, lúng túng và bất hạnh -- hay hạnh phúc. Chúng ta muốn đổ lỗi cho một người khác, có lẽ cha mẹ chúng ta. Hay chúng ta muốn đổ lỗi cho ông bà chúng ta và cả đến Bà La Môn. Nhưng đổ lỗi chỉ là tránh vấn đề thực tế. Bạn là bạn vì những cái mà bạn đã làm trong quá khứ. Đối với người Ấn Độ Giáo, đương nhiên, quá khứ gồm tất cả những kiếp sống trước của bạn. Mỗi người có thể cắt đứt quá khứ bằng cách trải rộng tâm mình và giành được kiến thức về cái ngã thực sự của mình.

      Những tài liệu của người Ấn Độ nhấn mạnh rằng ta phải nỗ lực để biết cái Ta nếu ảnh hưởng về bất hạnh trong quá khứ sẽ được bỏ đi hay loại bỏ. Nhưng người ta thường không lấy điều này làm mục đích của mình. Họ không lưu tâm đến bản chất thực sự của mình, và đây là tội lỗi chính mà họ phải chịu. Họ không hay biết gì về khả năng thực sự của mình. Nhiều người trong chúng ta bị chìm đắm trong đường mòn của thói quen và để những hành động và thái độ quá khứ ngự trị chúng ta theo cách chúng ta phản ứng với tình huống hiện tại thay vì khao khát mục tiêu cao cả hơn. Việc này giống như người trèo núi thất bại không tới được mục tiêu vì sợ cao nên quên đi cái ham thích của chính mình là trèo núi.

      Nhiều người sống không nghĩ gì về việc này mà chỉ phản ứng theo cách mà họ thường có. Người Ấn Độ Giáo mô tả những người này là "vội vã như có ma quỷ trong đầu; bị cắn bởi thế gian này như ta bị cắn bởi con rắn lớn". Khi một người thấy mình chạy loanh quanh một cách xao lãng như vậy, người ấy phải ngưng lại và tự nhắc mình, "Đó không phải là bản tính thực sự của tôi. "Đôi khi người ta làm những việc mà chính người ta không hiểu. "Tại sao tôi làm cái đó?" Ta tự hỏi sau này. Đôi khi như thể cánh cửa đóng bên trong đột nhiên mở tung ra và những thứ bị tắc nghẽn bên trong đổ tung ra trước khi chúng ta ngưng chúng lại. Thỉnh thoảng những vụ nổ bên trong kèm theo nhiều bộc lộ cảm xúc: chúng ta giận dữ, chúng ta buồn bã, chúng ta ủ rũ, chúng ta nổi cơn thịnh nộ. Những hành động như vậy không phải lối lựa chọn khôn ngoan mà đó là gánh nặng của thái độ và hành động trong quá khứ mà ta mang theo. Cách vượt qua ảo tưởng lẫn ảnh hưởng của quá khứ là ngưng ngay lại và hỏi, "Nhưng tôi thực sự là cái gì? Cái gì là cái Ta?"

CHẾ ĐỘ ĐẲNG CẤP VÀ NHIỆM VỤ

      Theo giáo lý Ấn Độ Giáo, mỗi người có một vị trí riêng trong cuộc sống và trách nhiệm riêng biệt. Mỗi người được sinh ra ở một chỗ với những khả năng riêng biệt vì những hành động và thái độ trong quá khứ. Điều này giải thích nguyên mẫu xã hội Ấn Độ và nó bao gồm cái gọi là đẳng cấp. Có bốn đẳng cấp chính, ghi trong các tác phẩm Ấn Giáo: (1) nhóm trí thức - thầy tu, (2) tầng lớp quý tộc, kể cả quân nhân, (3) nhóm hành chính gồm có những nhà buôn và địa chủ; và (4) số lớn dân chúng làm những việc thông thường trong xã hội. Giai cấp gọi là "tiện dân" hay "người bị ruồng bỏ" (mới đây bị hủy bỏ do luật của Ấn Độ) gồm có những người có nguồn gốc thuộc những phân nhóm khác của giai cấp thứ tư, quần chúng nhân dân. Do những điều kiện xã hội và kinh tế khác nhau, họ "mất đẳng cấp", hay mất vị trí trong xã hội.

      Trong bốn đẳng cấp, có mười hai nhánh. Qua nhiều năm, hơn một ngàn thứ bậc đẳng cấp đã xuất hiện trong đời sống xã hội Ấn Độ, nhưng tất cả đều thuộc một trong bốn nhóm chính. Trong đời sống xã hội bình thường, ranh giới đẳng cấp thường phản ảnh bất công thực sự và thành kiến nặng nề. Nhiều người Ấn Độ Giáo chín chắn ngày nay nhận thức là sự lạm dụng đã lén vào chế đô này. Vào thế kỷ thứ hai mươi, nhiều cố gắng đã được thực hiện theo chiều hướng loại bỏ một số bất công trắng trợn. Ngài Gandhi là người đã đem hết sức lực để phục hồi "tiện dân" vào địa vị có đẳng cấp.

      Hệ thống đẳng cấp dùng để đem lại cho mỗi người một chỗ thích hợp trong xã hội, với một số nhiệm vụ phải thi hành theo cách tốt nhất mà người ấy có thể. Giống như không có ai có thể là một người khác nào đó, cũng chẳng có thể rút mình ra khỏi đẳng cấp này trong đời sống để đi vào một đẳng cấp khác. Trong những lần tái sanh tiếp diễn, người ấy có thể cải thiện vị trí của mình -- nếu người ấy làm tốt bổn phận hiện tại của mình. Tại Ấn người ta cũng dạy rằng ngay cả những người thuộc đẳng cấp thấp nhất cũng có thể đạt được kiến thức đầy đủ về cái Ta, nếu họ cố gắng ra công đủ. Bằng cách đó họ có thể giành được cảm tưởng thỏa mãn lớn nhất mà đời hiến dâng cho họ.

Các thông tin cùng loại này
» AUM (OM) (2012-03-21 11:22:02)
» Bộ tam thần Trimurti. (2010-09-29 15:00:19)
» Tôi sẽ thờ phượng như thế nào? (2010-04-14 15:47:01)
» Mục đích đời tôi sẽ là gì? (2010-04-14 15:40:42)
» Tính đồng nhất của đời sống. (2010-04-14 15:36:42)
» Từ nguyên - Khái niệm Ấn Độ giáo (2010-04-14 15:31:37)
  1  
 

CÔNG TY KHOA HỌC NĂNG LƯỢNG TÂM THỨC TOTHA
245 Trịnh Đình Trọng, P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM, VN - ĐT0909777929 - 0908883380 - 0909631630 - 0914359159 - Email:   phapluantotha@gmail.com

Copright 2009 www.totha.vn,
All rights reserved

Lượt truy cập: 16179360
Đang online : 32