CHUYÊN MỤC
ĐỒNG TÂM
LỊCH ÂM DƯƠNG
LIÊN KẾT WEBSITE
Thông tin Đồng Tâm » Những Mảnh Đời Bất Hạnh  » Chi tiết
 
Nạn đói tái xuất hiện ở Niger
(ĐSCT) Chúng tôi rời thành phố Téra, bắt đầu băng qua thảo nguyên đầy bụi mù, thỉnh thoảng mới xuất hiện một ngôi làng nhà tranh vách đất. Cây cối khô cằn. Vùng này cách thủ đô Niamey khoảng 4 giờ xe hơi về phía tây bắc, thuộc loại nghèo nhất nước. Năm 2009 mưa không đủ. Tại Tillabéri chẳng có một giọt mưa suốt cả năm. Người ở đây chẳng có gì để ăn

      (ĐSCT) Chúng tôi rời thành phố Téra, bắt đầu băng qua thảo nguyên đầy bụi mù, thỉnh thoảng mới xuất hiện một ngôi làng nhà tranh vách đất. Cây cối khô cằn. Vùng này cách thủ đô Niamey khoảng 4 giờ xe hơi về phía tây bắc, thuộc loại nghèo nhất nước. Năm 2009 mưa không đủ. Tại Tillabéri chẳng có một giọt mưa suốt cả năm. Người ở đây chẳng có gì để ăn… 

 

     Nếu viện trợ nhân đạo không đến, dân chúng cuối cùng sẽ chết đói. Không phải lần đầu tiên xảy ra tại Tillabéri. Trận đói năm 1984 thật thảm khốc. Năm 2005 đỡ chết chóc hơn, nhưng cũng hết sức thê thảm. Năm năm sau cảnh tượng này lại tái diễn. Dọc đường đi, những con bò gầy trơ xương, trông thật khủng khiếp. Dê cũng thế. Từ lâu chúng chẳng còn gì để ăn nữa. Nhiều con cố đi lang thang, một số khác đứng bất động vì quá đói. 

     Nếu nghĩ đây là nơi khốn cùng nhất thế giới, bạn đã lầm. Xa hơn, cảnh quang còn thê lương hơn nữa. Cây cỏ càng thưa thớt và gia súc càng gầy hơn. Tại Bankilaré, chúng tôi gặp được viên tỉnh trưởng. Đó là một quân nhân, tiếp đón chúng tôi trong căn phòng nóng bức đến nghẹt thở. Cửa sổ mở ra chỉ hứng vào gió nóng. Ông xem giấy tờ rồi lịch sự cảm ơn trợ giúp nhân đạo mang đến cho dân chúng của mình. Niger thật bi đát. Đất nước này nằm giữa vùng Tây Phi khô cằn với 80% diện tích là sa mạc Sahara, dân chúng hầu hết theo đạo Hồi. Đây là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Chỉ số tuổi thọ, giáo dục và mức sống rất khủng khiếp. Nạn đói năm 2005, do hạn hán và châu chấu tấn công, càng thêm nghiêm trọng khi tổng thống Mamadou Tandja từ chối công nhận thực tế và tố giác phe đối lập “tuyên truyền bôi bác”. Tháng 2-2010, ông ta bị thiếu tá Salou Djibo lật đổ, và quân đội hứa hẹn tái lập chế độ dân chủ. Dù chính trị ổn định hơn, tình thế cũng rất đáng lo ngại. Niger là một trong những căn cứ địa của Al-Qaeda. Nhiều du khách và nhà ngoại giao Tây Phương bị bắt cóc. Những cuộc tấn công tự sát trong năm nay đã giết chết năm binh sĩ Niger. 

     Chúng tôi tiếp tục đi về hướng bắc. Thỉnh thoảng một xác bò nằm bên vệ đường. Cảnh tượng thê lương như ngày tận thế. Cuối cùng chúng tôi cũng đến được vùng giếng nước Timbouloulag. Những gò đất chen lẫn cây cối. Ở giữa là một cái lỗ đường kính khoảng 50cm. Nước ở độ sâu 15m. Chỉ có một cái thùng và một sợi dây dài để kéo nước. Akeli, một người dân tại đây nói: Khi mưa xuống, cây cối bắt đầu đâm chồi và trổ hoa, cỏ phủ màu xanh rì cho gia súc, thì không nơi nào trên thế giới đẹp hơn ở đây. Tôi không bao giờ rời xa nó, dù để đến Paris... 

     Cách đó mấy mét, vài phụ nữ ôm con ngồi dưới gốc cây. Mỗi người có một cái chén inox chứa đầy lá cây. Chúng tôi ăn như thế. Chúng tôi luộc và bỏ vào một chút muối, sau đó trộn với hạt kê. Chỉ có thế. Bình thường chúng tôi ăn hạt kê, nhưng mùa thu hoạch năm ngoái rất tồi tệ. Vỏ hạt kê không đủ đỡ đói, phải có thêm lá cây mới dễ chịu hơn”. Kê là thức ăn chính của vùng. Thịt rất hiếm. Lần cuối cùng những phụ nữ này được ăn thịt, cách nay sáu tháng vào ngày lễ Aêd. 

     Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến Tatarat, nơi tổ chức nhân đạo quốc tế Oxfam, quy tụ 14 hiệp hội từ thiện xây dựng một ngôi trường. Trong lúc chúng tôi nói chuyện trong lớp học, mấy đứa trẻ im lặng ngồi nhìn chăm chú. Bất ngờ hai chú bé cưỡi lừa xuất hiện. Chúng khoảng 8 tuổi, và tuyên bố: giếng không còn nước! Phải đến Timbouloulag, cách đó 2 giờ ngồi trên lưng lừa. Nghe tin này ai cũng ngao ngán, khi nhiệt độ ngoài trời lên đến 48 độ C. Cả gió cũng nóng rát cổ. Dân làng này không thể có nước uống trước khi trời tối. 

     Một ông lão nói: Dê là tài sản duy nhất của chúng tôi, nhưng chẳng có gì cho chúng ăn cả. Tôi đã bán hai con trong tuần trước. Nhưng chúng đều gầy trơ xương. May thay mấy đứa trẻ đã khá lớn để đi đến trường. Ở đó chúng được nuôi ăn, giảm bớt được gánh nặng cho chúng tôi. Nếu trời vẫn không mưa và viện trợ nhân đạo không đến, hầu hết người trong gia đình của ông sẽ phải chết. Chúng tôi nhìn nhau im lặng, mắt chăm chăm vào bãi cát nóng mênh mông. Phía sau căn lều, những người phụ nữ chuẩn bị bữa ăn. Nhưng không ai biết còn có thể ăn trong bao lâu nữa. 
                                                                                                                                              (Theo LCI 7-7)

Các thông tin cùng loại này
» Những đứa trẻ khát hơi ấm
» Thiếu ăn, gần 200 triệu trẻ em bị còi cọc
» Cân giúp các em
» Đánh rơi con chữ
Trang trước  1 2  
 

CÔNG TY KHOA HỌC NĂNG LƯỢNG TÂM THỨC TOTHA
245 Trịnh Đình Trọng, P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM, VN - ĐT0909777929 - 0908883380 - 0909631630 - 0914359159 - Email:   phapluantotha@gmail.com

Copright 2009 www.totha.vn,
All rights reserved

Lượt truy cập: 16179479
Đang online : 6