|
Thí nghiệm của Podkletnov, một hòn đá bị giảm trọng lượng khi treo trên thiết bị này. |
Hơn một thế kỷ qua, các nhà khoa học đã mơ ước tách lìa khỏi xiềng xích của lực hấp dẫn. Biết bao điều kỳ diệu có thể xảy ra nếu người ta ức chế hoặc giảm được một phần của loại lực cực yếu này. Vài nhà khoa học đã cố gắng chứng minh có thể làm điều đó.
Lực hấp dẫn là một trong 4 lực cơ bản của thiên nhiên. Dù tác động của nó lan khắp vũ trụ, nhưng nó lại là lực yếu nhất. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa thể chặn lực hấp dẫn lại, trong khi đã làm được điều đó với lực điện từ.
Năm 1901, trong cuốn "Những người đầu tiên trên mặt trăng", nhà văn Anh H.G. Wells đã tưởng tượng ra những phi thuyền cất cánh khỏi trái đất một cách dễ dàng nhờ một chất ngăn chặn mọi bức xạ; kể cả lực hấp dẫn - chất “cavorite”. Tất cả những gì ở phía trên chất liệu đặc biệt đó đều thoát khỏi lực hấp dẫn. Nếu điều đó xảy ra, thì ngành vận tải hàng không sẽ hoàn toàn được đổi mới. Phi cơ sẽ không quá nhiều lực đẩy để cất cao lên không. Động cơ của chúng chỉ dùng để đẩy tới chứ không phải để kháng lại hấp dẫn. Người ta cũng có thể tưởng tượng ra các vật thể bay dễ điều khiển và nhanh nhẹn như bất kỳ loại phi cơ chiến đấu nào.
Cho đến gần đây, các nhà khoa học vẫn tin rằng có thể làm được điều ấy. Thậm chí Eugene Podkletnov còn khẳng định rằng đã thành công.
Hiện tượng phi thường đó đã diễn ra vào năm 1992, trong phòng thí nghiệm của Đại học Tampere (Phần Lan). Một buổi sáng, Eugene Podkletnov làm vài thử nghiệm với một hợp chất siêu dẫn. Ông ngâm cái đĩa siêu dẫn đó vào một bình chứa nitơ lỏng ở nhiệt độ rất thấp. Dưới đáy bình là những bobin tạo ra từ trường. Đĩa siêu dẫn lơ lửng vài cm trên các bobin. Hơn nữa, đĩa còn quay với vận tốc 5.000 vòng/phút nhờ những bobin đặt quanh bình.
Thí nghiệm diễn ra bình thường khi một đồng nghiệp của Podkletnov bước vào phòng, miệng ngậm tẩu. Eugene Podkletnov nhận thấy một hiện tượng lạ kỳ. Khi khói thuốc bay đến phía trên đĩa siêu dẫn, khói bốc lên trần nhà tựa như đã trở nên nhẹ hơn. Kinh ngạc, ông quyết định nghiên cứu kỹ hơn sự dị thường đó. Với một cái cân siêu nhạy, ông nhận thấy mọi vật đặt trên đĩa siêu dẫn đều giảm 2% trọng lượng. Thí nghiệm được lặp lại với mọi chất liệu và với sự cẩn trọng cần thiết để chắc chắn rằng luồng không khí, từ trường... không làm sai lệch thí nghiệm. Nhưng kết quả vẫn không đổi. Podkletnov cho rằng hiện tượng này có mọi tính chất của một sự biến đổi lực hấp dẫn, tựa hồ như cái đĩa siêu dẫn là lá chắn cản bớt lực đó.
Nếu khám phá của Podkletnov được công nhận, có lẽ người ta sẽ phải xét lại nhiều định luật vật lý và đặc tính của lực hấp dẫn. Loại lực này rất lạ lùng ở nhiều phương diện, chẳng hạn, bất chấp các tiến bộ về thiết bị đo lường, giá trị của hằng số hấp dẫn vẫn kém chính xác hơn những hằng số vật lý khác đến hàng nghìn lần. Hơn nữa, trái với các lực khác, người ta vẫn chưa biết được bản chất của lực hấp dẫn. Các nhà nghiên cứu đang cố tìm kiếm một hạt theo giả thuyết gọi là “boson Higgs” mà người ta cho là nguyên nhân tạo ra lực này.
10 năm sau thí nghiệm của Podkletnov, vấn đề vẫn chưa được làm sáng tỏ. Năm 1997, NASA đã làm lại một phần thí nghiệm của Podkletnov nhưng với kết quả không thuyết phục. Họ dự tính sẽ làm lại thí nghiệm theo đúng cách thức của Eugene Podkletnov. Các lần đo mới đây tại Mỹ, Đức và New Zealand cho ra những kết quả rất khác biệt với nhau. Hiện thời các nhà nghiên cứu chưa thể giải thích được điều này.
Trong bối cảnh đó, một số nhà khoa học cho rằng các định luật vật lý hiện nay còn quá nhiều lỗ hổng nên sẽ không hợp lý nếu bác bỏ hiệu ứng Podkletnov. Từ năm 1999, hãng chế tạo phi cơ BAE Systems đã có hẳn một phòng chuyên nghiên cứu về kháng hấp dẫn. Các hãng như Boeing và Lockheed cũng đều quan tâm đến vấn đề này. Ngay cả cơ quan vũ trụ của liên minh châu Âu cũng nhờ 2 nhà khoa học đánh giá các lý thuyết liên quan đến sự kháng lực hấp dẫn. Nhưng chưa có phòng thí nghiệm nào đưa ra được kết quả thuyết phục. Hiện thời cộng đồng khoa học vẫn còn ngờ vực.
Trong khi đó, năm vừa qua, Podkletnov lại công bố một khám phá khác gây sững sờ hơn. Nhà khoa học này cho biết đã chế tạo ra một “máy phát xung hấp dẫn”. Trong một phòng thí nghiệm ở Matxcơva, nhóm nghiên cứu của ông đã tạo ra được một chiếc máy phóng một chùm năng lượng hấp dẫn tập trung có thể xuyên qua gạch và kim loại, đẩy mọi vật đi xa hơn 1km với một lực mạnh gấp hàng nghìn lần lực hấp dẫn. Một cộng tác viên của Podkletnov, giáo sư toán học Giovani Modanese ở Đại học Bolzano, khẳng định rằng một cuộc công diễn như vậy sẽ được tổ chức trong năm 2003.
Nguồn Science & Vie junior |