Từ trường của mặt trăng đã sinh, diệt như thế nào?
|
Mô hình mặt cắt của mặt trăng. |
Ngày nay, một chiếc la bàn để trên mặt trăng sẽ đứng im, bởi vì thiên thể này không có từ trường để kéo các kim la bàn chạy. Nhưng trong quá khứ thì không phải lúc nào cũng như vậy. Một phân tích trên các mẫu đá mặt trăng do tàu Apollo mang về cho thấy, thủa xưa, thiên thể này cũng từng có từ trường.
Các nhà khoa học cho rằng, khi đá núi lửa lạnh đi trên một hành tinh có từ trường, chúng sẽ lưu giữ thông tin về độ lớn và hướng của từ trường đó, tức là đá bị từ hóa. Các hành tinh không có từ trường thì đá của chúng không có đặc điểm này.
Mặt trăng là một thiên thể không có từ trường như thế. Hiện tại, các giả thuyết khoa học đều phỏng đoán rằng, đó là do thủa sơ khai, nội lực của mặt trăng không đủ lớn. Tuy nhiên, khi phân tích các đá mặt trăng (được hình thành từ khoảng nửa tỷ đến một tỷ năm sau khi mặt trăng ra đời), các nhà nghiên cứu lại nhận thấy chúng có biểu hiện bị từ hóa. Giải thích thế nào đây khi tình huống này đối lập hoàn toàn với phân tích ở trên.
Sử dụng một mô hình để phân tích mặt trăng, Dave R. Stegman, Đại học Berkeley (bang California, Mỹ), đã đưa ra kết quả là: mặt trăng một thời đã có từ trường, và chính nó đã từ hóa các hòn đá mà Apollo mang về. Nhưng về sau, từ trường này biến mất, và ngày nay, khi đưa la bàn lên đó, các kim la bàn sẽ đứng yên.
Stegman và cộng sự đã tính toán số nguyên tố có mặt trên mặt trăng thủa ban đầu. Ông phỏng đoán rằng, có một lớp đá giàu titan và thorium đã bao bọc lấy nhân mặt trăng và ngăn cản quá trình truyền nhiệt giữa nhân và lớp manti (đá nóng chảy) nằm bên trên. Lớp đá trung gian này cuối cùng bị đốt nóng và nổi lên, tạo thành những “ống khói” khổng lồ, qua đó nham thạch phun lên. Với việc loại bỏ tấm màn nhiệt này, vật chất trong khối nhân có thể đối lưu mạnh mẽ, và nguội dần. Quá trình đối lưu đó đã tạo ra một nội lực lớn trong thời gian ngắn (khoảng 300 triệu năm) giúp hình thành từ trường của mặt trăng. Sau đó, khi nội lực yếu dần, từ trường mặt trăng cũng biến mất.
Tuy nhiên, kết quả này chưa thể là khẳng định cuối cùng, bởi vì người ta vẫn chưa rõ thành phần của mặt trăng ở thời kỳ nguyên thủy. Một số nhà khoa học còn cho rằng, có thể những tác động khác, tỷ như một vụ va chạm với thiên thạch, đã khiến cho những mẩu đá (mà tàu Apollo thu lượm được) bị từ hóa.
B.H. (theo S.A.) |