|
Một bức tượng nhỏ làm bằng ngọc bích. |
Từ thế kỷ 18, các nhà sưu tầm, nhà địa chất và khảo cổ học đã đi tìm câu trả lời cho một bí ẩn dai dẳng: những bức tượng mang phong cách Olmec, xuất hiện phổ biến ở nền văn minh Trung Mỹ, được làm bằng đá có màu lam lục đầy ấn tượng. Nhưng bản thân loại đá ấy thì không được tìm thấy ở đâu trên châu Mỹ.
Ngày nay các nhà khoa học tin rằng họ đã tìm thấy nguồn gốc của loại đá đó - một mạch đá chủ ở Guatemala. Mạch đá này có thể kể rất nhiều về nền văn minh châu Mỹ cổ đại và về việc hình thành nên lục địa đó.
Từ khi Alexander von Humboldt bắt đầu sưu tầm ngọc bích ở châu Mỹ Latinh vào thế kỷ 18, các bức tượng mang phong cách Olmec được tạo khắc từ hơn 2 thiên niên kỷ trước đã được tìm thấy rải rác từ Mexico cho tới Costa Rica.
Đến năm 1999, Russell Seitz, một nhà địa vật lý đã dành 23 năm tìm kiếm nguồn đá ngọc bích Olmec, đưa vợ chưa cưới của mình tới thành phố thuộc địa Antigua ở trung tâm Guatemala.
"Tôi đã lang thang khắp nơi, ngó vào các cửa hàng bán đồ ngọc bích và hỏi một câu duy nhất: Bạn đã nhìn thấy một mẩu ngọc bích kỳ quặc nào chưa?", Seitz nói. Cuối cùng một người bán hàng đã trả lời: "Vào mà xem trên đống đá thừa của tôi".
Seitz vào xem và thực sự ngạc nhiên trước những gì mình nhìn thấy. Một mẩu đá khác xa so với loại ngọc lục thẫm ở Mexico và Trung Mỹ, và nó lại giống hệt những hòn đá màu lục sáng mà người Olmec, sống ở trung và nam Mexico từ năm 1.000 đến 400 trước Công nguyên, vẫn thèm muốn.
Seitz quay lại Guatemala vào năm 2000 và theo chân những người nông dân thu thập ngọc bích từ trên núi. Họ đi bộ mất 2 ngày cho đến khi tới một đồng bằng mọc đầy cỏ dại, tại đó các công nhân đã mở một cái rãnh dài 46 m và rộng 2m.
"Có hàng tấn đá ngọc bích nằm xung quanh", Seitz nói, "Nó không chỉ là một đống đá mà là hẳn một mạch đá ngọc bích. Tôi thực sự bị sốc".
Seitz đã tập hợp một nhóm khoa học và quay lại Guatemala vào năm 2001. Họ tìm thấy thêm nhiều đầu mối: "Những mẩu đá vỡ ở khu vực này cho thấy đó là một mỏ khai thác cổ đại. Một con đường rải đá nhỏ và những mảnh gốm sứ là bằng chứng rằng nhiều người đã sống và làm việc ở đó".
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát trên một khu vực rộng và tìm thấy những khối đá ngọc bích lớn, trong đó có một tảng mà Seitz cho rằng lớn nhất từ trước tới nay: to bằng một chiếc xe tăng, với một vùng có màu xanh lục sáng có kích cỡ bằng mặt sau của một chiếc Volkswagen.
Trước đây người ta chưa tìm thấy loại đá này bởi nhiều lý do. Thứ nhất, các nghiên cứu địa lý trước đây cho rằng nó không thể có mặt tại khu vực đó. Thứ 2, khu vực đó là một nơi xa xôi hẻo lánh. Cuối cùng, một cơn bão lốc vào năm 1998 đã góp phần mở ra mạch đá này.
Hầu hết số đá ngọc bích đó đến nay không còn đủ tốt để chạm khắc. Để tạo ra những mảnh có giá trị phải cắt chúng ra thành hàng loạt những mẩu đá nhỏ.
"Phát hiện này rất có ý nghĩa. Nó mở ra một kỷ nguyên về sự tìm tòi và nghiên cứu mới. Mạch đá có thể kể cho chúng ta về một mạng lưới thương mại đã rất phát triển ở đó. Một câu hỏi đã được đưa ra là tại sao đá ngọc bích có thể được đưa tới những nơi xa như Mexico và Costa Rica, và người dân ở đó đã đổi ngọc bích lấy gì?", Seitz, hiện làm việc tại Đại học Harvard, Mỹ, nói.
Nguồn AP |