Ở Nga cũng có Stonehenge?
|
Bãi đá cổ Stonehenge. |
Các nhà khảo cổ người Nga vừa công bố tìm thấy dấu tích của một công trình 4.000 tuổi nằm ở Ryazan có tầm cỡ tương xứng với bãi đá cổ Stonehenge của Anh.
Nếu sự so sánh này đúng, kết quả cho thấy cả hai nền dân tộc châu Âu và Nga cổ xưa đều có những niềm tin ngoại giáo trong việc sắp đặt những vòng tròn chiêm tinh tương ứng với cuộc sống con người và động vật.
Cũng như vị trí của Stonehenge trên đồng bằng Salisbury ở Wiltshire, Anh, có ý nghĩa quan trọng với các tác giả khảo cổ, Ryazan cũng có ý nghĩa tương tự với những thợ xây người Nga. Khu vực nhìn ra nhánh sông Oka và Pronya, là nơi giao thoa của nhiều nền văn hoá vào thời kỳ cổ đại.
Ilya Ahmedov, người đứng đầu nhóm khảo cổ và là nhà nghiên cứu tại Bảo tàng lịch sử liên bang của Nga, cho biết ông và nhóm đã tìm thấy những chiếc hố trên mặt đất chứng tỏ sự tồn tại của một công trình hình tròn có đường kính 7 m, xung quanh là những cột gỗ dầy 49 cm đặt tại các khoảng cách bằng nhau. Ở trong vòng tròn là một cái hố hình chữ nhật lớn, với dấu tích về 4 cái cột từng cắm trong đó.
"Trong vòng tròn, 2 cột nằm ở khu hình chữ nhật tạo nên cái cổng. Hình ảnh mặt trời lặn sẽ được nhìn qua cái cổng đó nếu người quan sát đứng ở trung tâm hình tròn. Một cái cột khác nằm ở ngoài vòng tròn chỉ về phía mặt trời mọc".
Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy một chiếc bình gốm nhỏ nằm ở hố trung tâm. Chiếc bình được trang trí hình zigzag, giống như tia mặt trời, và các đường sóng biểu trưng cho nước. Nằm cạnh chiếc bình là một cái dùi bằng đồng nằm trong một cái vỏ bằng vỏ cây bulô, và một cái bệ thờ bằng xương động vật.
Ở bên ngoài vòng tròn, các nhà khảo cổ tìm thấy 2 cái bình khác nữa không có hoạ tiết trang trí. Những người dân sống trong rừng đến từ Iran có thể đã làm nên 2 đồ vật này. Họ sống tại vùng Ryazan trong thời kỳ đồ đồng 4.000 năm trước.
Những mảnh xương và răng người cũng được tìm thấy bên ngoài vòng tròn. Các nhà khảo cổ cho rằng chúng thuộc về một vị tộc trưởng đã được tôn làm thánh sau khi chết.
Ahmedov giải thích sự thờ cúng liên quan tới mặt trăng và mặt trời có quan hệ với sự thờ cúng sinh sản và mối liên hệ tưởng tượng giữa cái sống và cái chết. Hình tròn được cho là mang tính chất thần bí bởi nó không có điểm đầu tiên và kết thúc, và được coi là biểu tượng của sự vĩnh cửu.
"Công trình này có thể khiến ta liên tưởng tới Stonehenge, gần gũi với công trình của chúng ta về thời gian khởi xây và ban đầu cùng được làm bằng gỗ", Ahmedov nói. "Tuy nhiên, không có quan hệ huyết thống nào giữa những người xây Stonehenge và công trình ở Ryazan".
Mike Pitt, tác giả cuốn Hengeworld, nghi ngờ khả năng Stonehenge bị ảnh hưởng trực tiếp từ công trình của Nga. "Không có mối liên hệ nào được biết tới giữa Nga và Anh vào thời điểm Stonehenge được xây dựng, vì vậy nếu có bất cứ sự tương đồng nào giữa 2 công trình thì đó cũng chỉ là sự ngẫu nhiên", Pitt nói.
Nguồn Discovery |