*Quan điểm Giác ngộ của Mật tông Phật giáo
Mật tông Phật giáo (tức Kim cương thừa) tại Ấn Độ xuất hiện rất muộn, khoảng một ngàn năm sau khi Đức Phật nhập diệt. Không bị suy thoái như Thiền Tông, hiện nay Mật Tông phát triển rất mạnh với vô số các chi phái khác nhau. Đây là truyền thống tu tập bí mật có rất nhiều kĩ thuật tu tập. Trong rất nhiều kĩ thuật đó, có thể phân tích ra rất nhiều nguyên lý tu tập để dẫn tới giác ngộ. Khi sử dụng Yoga (một trường phái của Ấn giáo) với các kĩ thuật tu tập trên các luân xa, trên luồng hỏa hầu kundalini, Mật Tông Phật Giáo đã đi lại con đường tu tập và giác ngộ theo Ấn Giáo. Khi sử dụng năng lực tính dục để thực hiện giác ngộ thì Mật Tông đã không còn mối liên hệ nào với Đạo Phật nguyên thủy nữa. Đây không phải chỉ nói đến mối liên hệ về phương pháp tu tập mà nói đến mối liên hệ về bản chất của Giác ngộ. Phái thiền Dzogchen của Mật tông Tây Tạng có quan niệm giác ngộ rất giống với Thiền tông Trung Quốc. Mật tông có những kĩ thuật gồm những thủ ấn, thần chú, nhiều nghi thức cầu kỳ, thần bí nhằm đồng hóa thân tâm của người đệ tử chưa giác ngộ với thân tâm một vị thầy đã giác ngộ (thượng sư) hoặc với biểu tượng của một vị hóa thần (yidam) được cho là Bản (Bổn) tôn của người tu tập.... Do vậy, có thể thấy sự “giác ngộ” của Mật tông bắt đầu bằng sự tu tập dựa trên “tha lực”, tức những năng lực đến từ bên ngoài. Ít ra, trên các phương tiện thông tin hiện nay, chưa có bài viết nào, với các lý luận dẫn ra, cho thấy Giác ngộ của các giáo phái Mật Tông là giống với giác ngộ của Đức Phật.
|