Theo báo cáo của UNICEF, trong số gần 200 triệu trẻ em còi cọc dưới 5 tuổi trên toàn thế giới, châu Phi và châu Á chiếm tới hơn 90%. Tính ra, đã có hơn 1/3 trẻ em ở độ tuổi này tử vong vì các nguyên nhân có liên quan đến suy dinh dưỡng.
Tình trạng trẻ em phải lao động vất vả xảy ra phổ biến ở các nước nghèo - Ảnh: AFP
|
Trong khi tình hình đang được cải thiện ở châu Á, với tỉ lệ trẻ còi cọc giảm từ 44% vào năm 1990 xuống còn 30% trong năm ngoái; châu Phi đạt rất ít tiến bộ: các tỉ lệ tương ứng ở mức 38% và 34%.
Riêng tại châu Á, khu vực Nam Á là điểm nóng của tình trạng trẻ còi cọc do thiếu ăn. Chỉ ở 5 nước Afghanistan, Nepal, Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan đã có tới 83 triệu trẻ em thuộc diện đói ăn dưới 5 tuổi.
UNICEF kêu gọi phát động các chiến dịch mới nhằm đối phó với tình trạng báo động kể trên, chẳng hạn như bổ sung vitamin A cho trẻ và tăng cường cho con bú sữa mẹ. Theo UNICEF, việc thực thi tốt những chiến dịch như thế này có thể sẽ giúp giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ đến 15%.
Những con số kể trên được đưa ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh thế giới về an ninh thực phẩm, vốn sẽ quy tụ khoảng 60 nguyên thủ quốc gia. Hội nghị sẽ đề ra một chiến lược mới nhằm đối phó với tình trạng đói ăn, trong đó tập trung vào việc tăng cường đầu tư cho nông nghiệp ở các nước nghèo.
Theo Tổ chức Lương nông LHQ (FAO), việc gia tăng số lượng người đói ăn trên thế giới (hiện ở mức khoảng 1,02 tỉ người) chủ yếu là do giảm hỗ trợ và giảm đầu tư vào nông nghiệp. Tình trạng này bắt đầu từ giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, kéo dài cho tới nay.
Tổng giám đốc FAO Jacques Diouf đã kể đến 3 nước Việt Nam, Nigeria và Brazil là những điển hình cho việc duy trì đầu tư cho nông nghiệp quy mô nhỏ, nhờ đó lọt vào nhóm 31 nước được đánh giá là đã đạt hoặc đang trên đường đạt được mục tiêu giảm ½ số người đói ăn vào năm 2015, vốn được đề ra cách đây 9 năm