Tình người trên đỉnh Mồ Côi
Lao Động số 45 Ngày 28/02/2008 Cập nhật: 9:05 PM, 27/02/2008
|
Đại gia đình anh Bông trên đỉnh vồ Mồ Côi
|
(LĐ) - Đúng như danh xưng mà người đời "phong tặng" - Mồ Côi không chỉ xuất phát từ nghĩa đen của ngọn đồi cô độc trong dãy Thiên Cấm Sơn (Tịnh Biên - An Giang), một trong "7 ngọn núi thiêng" hùng vĩ, mà chính sự cheo leo đến khắc nghiệt với thế giới bên ngoài đã tạo cho ngọn đồi... mồ côi cả về nghĩa bóng.
Vậy mà giờ đây trên đỉnh hoang vắng này đang toả hơi ấm tình người của câu chuyện đẹp như cổ tích: Có người mẹ già rời bỏ miền đất "gạo trắng nước trong" cùng con trai lên núi khai hoang trồng trọt, dành dụm từng đồng lẻ để nuôi dưỡng trẻ em bị cha mẹ bỏ rơi ngay khi mới chào đời...
Tổ ấm... cheo leo
Biết chúng tôi quyết chí lên vồ Mồ Côi, ông Ba Tùng, người dân cố cựu ở Núi Cấm, nhắc đi nhắc lại: "Đường sá hiểm trở lắm, phải đi thật sớm mới có thể đến nơi trước lúc mặt trời lặn". Sau một giờ gầm rú liên hồi, chiếc xe "độ" của Dũng - tay lái lụa nhất trên tuyến đường rừng này - cũng đành bất lực nằm lại dưới chân dốc Vồ Bồ Hong nên chúng tôi phải cuốc bộ băng rừng. Vượt qua 4 con dốc dựng đứng, 2 con suối nhỏ rêu phong, mệt bở hơi tai, chúng tôi như lạc vào mê trận. Vì sau một hồi loanh quanh giữa màu xanh rừng khép tán lại thấy mình quay về điểm xuất phát. Chờ người đi ngang để hỏi đường... vô vọng.
|
Cẩm Như và Sơn Thanh đang giúp ba Bông chuyển củi vào nhà |
Bụng đói cồn cào, cổ họng cháy khát, chúng tôi đành cất tiếng hú... cầu cứu. Sau nửa giờ hét liên hồi, chúng tôi mới nhận được hồi âm từ rất xa vọng lại... Rồi hơn nửa giờ sau mới xuất hiện người đàn ông gánh chuối dưới triền dốc đi lên: "Anh làm ơn chỉ đường đến nhà anh Bông nuôi trẻ mồ côi", tôi phấn chấn như đất hạn đón mưa rào. "Thả hết dốc dựng đứng này, bọc qua thêm cánh rừng kia nữa là tới liền. Nhưng mấy anh chờ tôi dẫn đường cho. Không phải dân núi, tự đi qua con dốc này nguy hiểm lắm". Chúng tôi đặt chân đến nhà anh Bông đúng lúc trời vừa buông rèm.
Nghe tiếng người lạ, lũ trẻ chạy ùa ra lễ phép chào hỏi. Nguyễn Sơn Ngọc, 6 tuổi, đứa đầu lòng trong số 12 "con" của anh Bông khoanh tay: "Mời mấy chú vào nhà uống nước, đợi ba Bông đi rừng về". Bên trong, bà Võ Thị Ba, mẹ của anh Bông lui cui bên chiếc cũi chăm sóc Sơn Tuyền 13 tháng tuổi mới ngã bệnh. Bà Ba cho biết, "thấy sức khỏe tôi không được tốt nên UÁt Bông gửi 3 đứa lên Bình Dương cho đứa em ruột nuôi tiếp đỡ ít ngày...". Sau vài phút bẻn lẽn, lũ trẻ lăng xăng lấy ghế mời khách ngồi, rồi làm trò, đọc chữ. Tiếng ca hát bi bô của chúng như níu chút ánh sáng cuối cùng trên đỉnh Mồ Côi đang dần chìm vào tịch mịch...
Hai trái tim nhân hậu
Bà Ba thiệt lòng: "Trước kia sống bằng nghề xe khách Cần Thơ - TPHCM nên cũng "miệng lưỡi" lắm, vì vậy khi già, tôi quyết định lên núi Cấm để dưỡng tâm. Thương mẹ già yếu, anh Bông xin thôi chân phường đội phó ở quận Bình Thuỷ - Cần Thơ theo mẹ lên Núi Cấm vào năm 1991. Vốn ít, anh chọn vồ Mồ Côi làm nơi dừng chân vì giá sang nhượng rẻ gần như cho, vả lại nơi đây rất thanh tịnh thích hợp cho mẹ già tu tâm.
Khi đó vồ Mồ Côi không chỉ hoang vắng mà còn tuyệt cả nguồn nước. Ngày ngày anh phải cuốc bộ hơn 3 cây số đường rừng hứng nước suối rồi gùi từng can lên để cầm cự với bốn bề sỏi đá. Nhờ chí thú làm nên chẳng bao lâu sau, mẹ con anh Bông đã trải kín ngọn đồi màu xanh của chuối, của tre lấy măng, của mít, bơ, dâu, sầu riêng...
Ba về! Lũ trẻ ào ra đón người đàn ông ngoại tứ tuần, người hao gầy, da sạm nắng, nhưng gương mặt rực sáng bởi luôn nở nụ cười đầy nhân hậu. Anh là Nguyễn Tấn Bông, sinh năm 1965, cựu quân nhân chiến trường K. Anh Bông mở đầu câu chuyện: Hè năm 2001, trong lần xuống núi vào Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ thăm đứa cháu dâu sinh con đầu lòng, cám cảnh một phụ nữ chưa đầy 20 tuổi sắp sinh con nhưng không có tiền, không có người thân, ngủ trên ghế đá, mẹ con tôi đứng ra lo viện phí cho cô gái vượt cạn.
Vừa tỉnh dậy sau ca phẫu thuật, người mẹ trẻ quỳ xuống đất tạ ơn và van nài: "Con bị lừa tình, không nhà cửa... Xin chú và bà nhận nuôi nó giúp con!" Đó là thằng Sơn Ngọc bây giờ. Anh Bông vui vẻ: "Lúc đầu tưởng má tôi nhận nuôi một đứa vừa giúp người hoạn nạn, vừa vui nhà vui cửa, không ngờ, sau thằng Ngọc, bà lại "rinh" về thêm 11 đứa nữa". Tất cả đều lấy họ Nguyễn của anh và con trai đều lót chữ Sơn và con gái lót chữ Cẩm để nhắc nhớ về cội nguồn núi Cấm: Sơn Ngọc, Sơn Thanh, Sơn Hương, Sơn Giàu, Sơn Tự, Sơn Tịnh, Sơn Thành, Sơn Tuyền, Sơn Nhã, Sơn Minh và Cẩm Như, Cẩm Tiên. Hớp ngụm trà, bà Ba chậm rãi: "Cũng may mà đứa nào cũng lành lặn, khôi ngô. Chớ hồi xin, chúng còn ở trong bụng có thấy mặt mũi gì đâu".
Số là sau lần xin Sơn Ngọc, bà Ba đã gửi số điện thoại lại cho khoa sản với lời dặn: "Thấy sản phụ nào có hoàn cảnh khó khăn có ý định bỏ rơi con thì gọi điện cho hay để... thằng Ngọc có em". Nào ngờ sau lần đầu điện thoại reo: "Cháu ở khoa sản... có bà bầu chửa hoang, không người thân...", mẹ con anh Bông lại có thêm 10 lần mang tiền vào Bệnh viện Cần Thơ nuôi bà bầu chờ sinh. "Mỗi lần như thế mất đứt thu nhập vài trăm buồng chuối, nhưng trường hợp nào nghe cũng đáng thương, không nỡ từ chối nên tôi quyết định bán hết bông tai, vòng vàng trước đây dành dụm định cưới vợ để cứu lấy mạng sống của mấy đứa nhỏ" - anh Bông xúc động.
Lời ru... buồn mênh mang
Những ngày đầu nuôi Sơn Ngọc hết sức khốn khó. Bà Ba đã ngoài 70 lại hay ngã bệnh mỗi khi trái gió trở trời, còn anh Bông trưởng thành trong quân đội nên kinh nghiệm nuôi trẻ chỉ là con số không. Vậy mà sau một ngày quần quật với 15ha đất vườn rừng, tối đến anh pha sữa, thay tã, rồi hát ru... Đường sá lên xuống núi vô cùng hiểm trở, vậy mà cứ 3-4 ngày, anh lại phải xuống núi mua sữa, sắm tã, rồi thuốc men trăm thứ cho nhu cầu của trẻ. Đến lúc thu nạp thêm 11 đứa, anh Bông càng vất vả. Do cùng trang lứa, nên chỉ cần một đứa khóc là cả đám khóc theo, một đứa sổ mũi là cả nhóm cùng nhiễm cảm...
Mỗi lần như vậy, anh phải bỏ ngày làm, xuống núi chạy vạy thuốc thang. Những lúc đó anh gần như thức trắng đêm, hết hát ru lại đến thay tã... Nhưng có một lần anh đã thất bại. Đó là trường hợp Nguyễn Sơn Thành. Vừa mới chào đời, Thành đã mắc phải chứng não úng thủy. Thế là bệnh viện lại điện cho mẹ con bà Ba. Động lòng, bà cùng anh Bông đem Thành về chạy chữa. Từ Bệnh viện Nhi đồng I, Trung tâm Hoà Hảo, chỗ nào Thành cũng được đưa đến. Nhưng sau 33 tháng cưu mang, Sơn Thành đã vĩnh viễn ra đi...
Lần đầu tiên trong đời anh Bông phải giấu những giọt lệ của người cha vào trong sâu thẳm cõi lòng để nuôi 11 đứa con còn lại. Nhưng sau đó chính người cha này đã thêm một lần nuốt lệ... Khi phát hiện mẹ con anh Bông tổ chức nuôi trẻ, nhiều người phao tin đồn: Nào là nuôi trẻ để bán cho người nước ngoài, hoặc tổ chức cho đi ăn xin... nên nhà anh thường xuyên có người đến "hỏi thăm sức khỏe". "Hết hỏi thăm trực diện, họ rình rập theo dõi từng bước đi, từng cuộc điện thoại nên đã có lúc tôi muốn bỏ cuộc, nhưng nghĩ đến hoàn cảnh của mấy đứa nhỏ, rồi tâm nguyện của mẹ già, tôi lại thấy mình có trách nhiệm nên cắn răng chịu đựng", anh Bông bồi hồi nói.
Chính vì vậy mà cả 11 đứa con mến anh hơn cả cha ruột. Bởi mới đây, vợ chồng ông phó giám đốc một công ty to ở TPHCM 3 lần lên tiếng xin thằng Sơn Ngọc... nhưng nó dứt khoát không chịu rời xa nội và cha Bông... "Thấy con thương mình như vậy, lòng tôi lại thêm trĩu nặng, vui vì con đã khôn lớn, nhưng buồn khi nghĩ đến tương lai của chúng" - anh Bông bồi hồi. Bởi hiện nay Sơn Ngọc đã lên 6, mấy đứa em nó cũng 4-5 tuổi rồi. Sắp vào tuổi đến trường mà đường sá lại quá xa xôi... "Quyết tâm không để chúng thất học, nhưng cũng khó lắm... Tiền mua đất, cất nhà dưới chân núi cho tụi nhỏ đi học, tôi có thể lo được, chỉ sợ một nỗi bọn trẻ bị sốc trước miệng đời cay nghiệt, kiểu như: Con mồ côi, con của mấy ả bia ôm bị bỏ rơi..." - giọng anh Bông run lên và tôi nhận ra từ đôi mắt sớm in hằn vết chân chim ấy giọt nước mắt lấp loáng dưới ánh đèn tù mù.
"Mỗi lần xin con, tôi đều để lại địa chỉ nhà, số điện thoại cho mẹ đẻ của chúng hết, nhưng từ đó tới nay chẳng một ai thăm hỏi dù chỉ một cú điện thoại". Chia tay anh Bông, nhưng hình ảnh "chưa một lần đến thăm con đẻ" cứ ám ảnh tôi trên suốt chuyến hạ sơn. Trong vi vu tiếng gió rừng từ đại ngàn vọng về, tôi thầm khấn: Anh Bông sẽ không đón thêm người con nào nữa. Bởi mỗi lần anh có thêm đứa con là mỗi lần xã hội có thêm một chuyện tình bất trắc với hậu quả bi thương: Một đứa trẻ bị bỏ rơi khỏi tình yêu thương cha mẹ! xem thêm1, xem thêm 2
|