Các nước giàu thờ ơ trước nạn đói của hơn một tỷ người (Cadn.com.vn) - Ngày 16-11, Tổ chức Lương Nông nghiệp LHQ (FAO) đã bắt đầu Hội nghị Thượng đỉnh tại Roma (Italia) trong 3 ngày để bàn về tình cảnh khó khăn của hơn 1 tỷ người bị đói nghèo trên khắp các châu lục. Hội nghị khai mạc giữa những chỉ trích nặng nề về sự vắng mặt của lãnh đạo các nước giàu có nhất thế giới, ngoại trừ Thủ tướng nước chủ nhà Silvio Berlusconi. Phát biểu khai mạc hội nghị tại trụ sở của FAO ở Roma, Tổng Thư ký (TTK) LHQ Ban Ki-moon nhấn mạnh: “Lương thực là quyền lợi cơ bản.
Cuộc khủng hoảng lương thực hôm nay là tiếng chuông cảnh tỉnh cho ngày mai. Vào năm 2050, dân số hành tinh chúng ta có thể lên tới 9,1 tỷ người... và vào năm đó, chúng ta biết chúng ta sẽ phải cần tăng thêm 70% số lương thực, trong khi thời tiết đang trở nên khắc nghiệt hơn và khó lường hơn. Chúng ta phải có những thay đổi đáng kể để tự nuôi sống mình và đặc biệt nhất là đảm bảo cho những người nghèo nhất và những người dễ bị tổn thương nhất”.
Theo RFI, cách nay hơn một năm, các nước thành viên FAO đã cam kết là từ nay đến năm 2015 sẽ giảm một nửa số người bị đói. Nhưng từ đó đến nay, số người bị đói trên thế giới đã tăng từ 850 triệu người lên một tỷ người và cứ 6 giây lại có một đứa trẻ bị chết đói trên thế giới. Theo các bản báo cáo của FAO, từ nay đến năm 2050 ngành sản xuất nông nghiệp phải tăng 70% mới có thể có đủ lương thực để nuôi 9 tỷ người trên thế giới. Trước một thách thức to lớn như vậy, mọi giải pháp phải được cứu xét, kể cả việc kêu gọi lĩnh vực tư nhân cùng góp phần vào việc giải quyết thách thức.
Để thuyết phục các Cty tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống nạn đói trên thế giới, TTK FAO Jacques Diouf đã sử dụng lập luận kinh tế: đối với ông, thị trường sẽ được mở rộng nếu như một tỷ người hiện nay đang bị đói, trở thành những người tiêu dùng. Nhưng các tổ chức phi chính phủ e ngại là sự tham gia của các tập đoàn đa quốc gia sẽ là một dịp để các tập đoàn này áp đặt cho các nước nghèo mô hình nông nghiệp thâm canh. Tuy nhiên, điều mà nhiều người lo ngại là hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ không đem lại kết quả chờ đợi ngoài những lời tuyên bố suông. Nhiều tổ chức phi chính phủ đã lên án dự thảo bản tuyên bố kết thúc hội nghị, vì văn bản với hơn 40 điều khoản không đưa ra được một cam kết cụ thể nào về số tiền sẽ được chi, đặc biệt là số tiền 44 tỷ USD hằng năm mà FAO đánh giá là cần thiết cho ngành Nông nghiệp.
Bản dự thảo tuyên bố chỉ yêu cầu là các nước giàu thực hiện lời hứa đưa ra hồi tháng 7 tại hội nghị G8 ở Aquila, tức là huy động 20 tỷ USD trong 3 năm để chống nạn đói trên thế giới. Ngoài ra để đánh động công luận về vấn đề này, ông Jacques Diouf, cũng lên tiếng kêu gọi tuyệt thực trong 24 tiếng đồng hồ để thể hiện sự đoàn kết với những người bị đói, và chính ông cùng với TTK LHQ Ban Ki-moon đã thực hiện lời kêu gọi này.
Cần một kế hoạch cụ thể mới có thể giảm tỷ lệ người thiếu ăn trên thế giới
Về một phương diện khác cũng đáng quan tâm khi FAO đưa ra những con số mới nhất cho thấy cuộc khủng hoảng lương thực bắt đầu năm 2007 với giá cả tăng vọt, vẫn tiếp tục diễn ra trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển. Ông Jacques Diouf, đã kêu gọi sự chú ý của thế giới đến tình trạng giá lương thực tăng cao tại một cuộc họp báo trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh của LHQ về nạn đói trên thế giới. Ông Jacques Diouf cho biết: “Đối với những người nghèo nhất thế giới, cuộc khủng hoảng giá lương thực từng tác hại ở ngay cả những quốc gia giàu vài năm trước đây còn lâu mới chấm dứt”.
Có đến 2/3 trong số 68 nước đang phát triển mà FAO khảo sát, giá gạo, lúa mỳ, kê và lúa miến vào tháng 7 năm nay cao hơn một năm trước đến hơn 25%. Giá ngô (bắp) tại khoảng một nửa số các quốc gia này cũng đắt hơn. Nhưng trên hầu hết các thị trường quốc tế, các loại hạt đã trở lại với giá cả như năm 2007, ngoại trừ giá gạo. Những lý do tại sao thực phẩm vẫn tiếp tục tăng giá trong một thế giới đang phát triển và sự thay đổi chỉ từ khu vực này sang khu vực khác. Lấy ví dụ, tại Đông Phi, hạn hán và chiến tranh đã khiến 20 triệu người lâm cảnh cần được trợ giúp lương thực khẩn cấp.
Trong khi đó kinh tế gia cấp cao của FAO Liliane Balbi nói rằng tại Tây Phi, mức lương thực nhập khẩu đã hạ. Và điều này có nghĩa là thu hoạch mùa màng có tốt chăng nữa cũng không đủ để hạ giá thực phẩm xuống. Ông Balbi cho hay: “Giá cả đã hạ theo với mùa thu hoạch, nhưng giá vẫn cao hơn nhiều so với 2 năm trước. Lấy ví dụ, tại Nigeria, giá kê, một loại lương thực chính yếu, trong tháng 10 cao hơn 73% so với 2 năm trước đây”.
Rõ ràng sự thờ ơ của các nước phát triển đối với tình trạng đói nghèo trên thế giới là hành động vô trách nhiệm. Khi nạn đói nghèo đã đẩy thành các vấn đề chính trị thì khối G8 vội vàng nhóm họp và đưa ra các cam kết. Song các cam kết đó chỉ ở trên giấy mà thôi. Một nghịch lý ai cũng thấy là trong khi các nước phát triển sẵn sàng chi ra hơn 4.000 tỷ USD để giải cứu khủng hoảng kinh tế, bỏ ra cả ngàn tỷ USD để mua sắm vũ khí, đổ vào chiến tranh, nhưng chật vật cho việc tìm kiếm vài chục tỷ USD để cứu gần một tỷ người đang bị nạn đói nghèo đe dọa hằng ngày. Ngay tại Hội nghị Thượng đỉnh tại Roma lần này với sự thiếu vắng hầu hết các nhà lãnh đạo G8 cũng đủ nói lên sự thờ ơ của họ với người đói nghèo như thế nào.
Theo phát biểu của Jacques Diouf - Giám đốc Tổ chức Nông lương (FAO), thế giới cần thêm 44 tỷ USD để mua lương thực tích trữ và đầu tư cho nông nghiệp nhằm cung cấp đủ lúa gạo cho người dân trong vòng vài năm tới.
Tại Hội nghị thượng đỉnh lương thực thế giới diễn ra tại Rome (Italia) vào ngày 16 đến 18/11, FAO dự định sẽ giới thiệu với 60 nhà lãnh đạo các nước chương trình phát triển lương thực và chiến lược chống đói nghèo mới trong đó chú trọng đến việc tăng cường đầu tư phát triển nông nghiệp ở các nước kém phát triển. Ông Jacques Diouf cảnh báo rằng, nếu không có những biện pháp tích cực ngay từ đầu, thế giới có thể sẽ bị lâm vào một cuộc khủng hoảng lương thực lớn nhất trong lịch sử.
Cho đến nay, 31 trong 79 quốc gia mà FAO thống kê đã cắt giảm đáng kể số người nghèo đói so với đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, trong đó 4 nước thành công nhất là Armenia, Brazil, Nigeria và Việt Nam.
Báo cáo còn chỉ ra 4 nhân tố chung nhất để cắt giảm thành công số người nghèo đói, đó là tạo ra môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế và thịnh vượng của người dân; đầu tư vào những vùng nông thôn nghèo và vươn tới những người có nhiều rủi ro nhất; giữ vững những thành quả đã đạt được và chống lại mọi mối đe dọa; có kế hoạch phát triển bền vững.
Tuy số người nghèo đói trên thế giới đã lên tới mức kỷ lục 1 tỉ người, nhưng các chuyên gia của FAO nhận định rằng, tình trạng này có thể được khắc phục nếu có chính sách tốt, đầu tư đúng và các nhà lãnh đạo có ý chí chính trị. Trong khi đó, Quỹ cứu trợ nhi đồng thuộc Liên hợp quốc (UNICEF) thì cảnh báo, thế giới có khoảng 200 triệu trẻ em dưới 5 tuổi không phát triển khỏe mạnh do phải sống trong hoàn cảnh thiếu ăn, đói nghèo, trong đó nhiều em bị suy dinh dưỡng, thiểu năng trí tuệ và bệnh tật gắn liền suốt đời.
Theo thống kê của tổ chức"Theo dõi tiến độ về dinh dưỡng trẻ em và bà mẹ", 1/3 trẻ em dưới 5 tuổi chết yểu ở các nước nghèo đang phát triển liên quan tới tình trạng suy dinh dưỡng ở đứa trẻ hoặc ở người mẹ.
|
Trẻ em - những chủ nhân tương lai của thế giới cần được hưởng sự chăm sóc tốt hơn. Ảnh: AFP.
|
Như vậy rõ ràng, vấn đề lương thực và phát triển nguồn nhân lực cho tương lai của thế giới đang trở thành vấn đề cấp thiết cần được sự quan tâm của nhiều nước, nhiều tầng lớp xã hội và mọi người dân. Và như thông điệp của FAO đã nêu, cuộc chiến chống đói nghèo hoàn toàn có thể thành công và tiền đề cho sự thắng lợi là cam kết mạnh mẽ của chính phủ các nước đang phát triển và sự hỗ trợ đầy đủ của cộng đồng quốc tế
Cũng theo báo cáo của FAO thì nhiều nước đã đạt được hoặc đang vững bước tiến tới mục tiêu cắt giảm một nửa số người đói nghèo vào năm 2015, một trong 8 Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDG).
|