CHUYÊN MỤC
ĐỒNG TÂM
LỊCH ÂM DƯƠNG
LIÊN KẾT WEBSITE
Thông tin Đồng Tâm » Mái Ấm Cuối Con Đường!  » Chi tiết
 
Bàn tay của sơ
Nằm sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo của đường Đoàn Thị Điểm, Phú Nhuận, Mái ấm Mai Tâm trông có vẻ yên ắng. Mái ấm hoạt động từ tháng 7.2005 do sáng kiến của Ban mục vụ chăm sóc người có HIV/AIDS thuộc Tổng Giáo phận TPHCM.

       Nằm sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo của đường Đoàn Thị Điểm, Phú Nhuận, Mái ấm Mai Tâm trông có vẻ yên ắng. Mái ấm hoạt động từ tháng 7.2005 do sáng kiến của Ban mục vụ chăm sóc người có HIV/AIDS thuộc Tổng Giáo phận TPHCM. Sơ Kim Hương tiếp chúng tôi tại phòng khách tu viện thánh Paolo với giọng nói nhỏ nhẹ "rặt" Nam Bộ.

       Sơ cho biết, mái ấm được thành lập từ đề xuất của cha Toại - người tu sĩ dòng Camillo - với mong muốn giúp những em bé không may vừa chào đời bị nhiễm HIV có nơi nương tựa. Những người thành lập mái ấm tự nguyện chăm sóc cho trẻ bị nhiễm HIV với hy vọng sắp tới sẽ có thuốc điều trị cho cả mẹ và con khỏi bệnh. Cả những em bé chưa chào đời có mẹ nhiễm HIV cũng được chăm sóc từ khi còn là bào thai để không lây bệnh từ người mẹ.

       Mái ấm Mai Tâm với các dịch vụ: Chăm sóc giảm nhẹ cho phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là những người bị gia đình bỏ rơi; hỗ trợ tuân thủ điều trị thuốc ARV cho người bị nhiễm; đào tạo nghề (may, thủ công mỹ nghệ...) để giúp phụ nữ tự nuôi sống bản thân; hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng; vận động giảm kỳ thị phân biệt đối xử... 

       Mái ấm hiện có 50 trẻ nội trú, trong đó có 10 trẻ bị ảnh hưởng, 37 trẻ có H và 27 trẻ mồ côi. Trên 230 trẻ VOC ngoại trú tại cộng đồng được mái ấm quản lý và hỗ trợ kinh phí hàng tháng. Khi những trẻ nhiễm HIV được đưa về mái ấm này, có em đã gần kề bên cái chết vì bệnh AIDS đã ở giai đoạn cuối, không thể tự đi đứng được.

       Tuy nhiên, sau vài tháng được chăm sóc, cho uống thuốc đặc trị, sức khỏe của các em được phục hồi. Có những đứa trẻ cha mẹ nhiễm HIV, sinh ra bị bỏ rơi, được đưa vào mái ấm, sau hơn một tháng được nuôi nấng tại đây, người nhà đã đón về. Mỗi khi các em có gia đình đến nhận về cả mái ấm hạnh phúc lắm. Dù gì đi nữa, em đó vẫn còn may mắn.

       Sơ Hương cho biết: "Đến bây giờ, mọi người vẫn còn nhìn HIV là căn bệnh tiêu cực. Căn bệnh này cũng giống như bệnh ung thư, viên gan B thôi, tuy nhiên, ai cũng xa lánh các trẻ bị nhiễm H". Bé N.L có H được bà ngoại ở Tiền Giang đưa đến mái ấm khi bố mẹ mất vì căn bệnh AIDS.

        Từ ngày L bước vào lớp 8, em hay hỏi các sơ: Tại sao con phải uống thuốc, người con sao không nặng ký? "Chúng tôi phải chuẩn bị thật kỹ câu trả lời em đỡ tủi và chấp nhận căn bệnh thế kỷ này. Quả thật, khi nghe các cháu hỏi, lòng chúng tôi đau lắm" - sơ Hương tâm sự. Cháu L còn cho tôi biết: Mọi người trong lớp nhìn con bằng ánh mắt sợ sệt. Con ngồi bàn đầu và chẳng ai dám ngồi gần con cả. 

       Không riêng gì L, có những trường hợp, chính người thân trong gia đình cũng tìm mọi cách xa lánh người có H. Gặp cháu M sống tại mái ấm Mai Tâm, khi tôi hỏi có thường xuyên về thăm nhà không? Cháu chỉ lẳng lặng lắc đầu và nói với giọng buồn buồn: "Cháu nhớ ông, bà nên muốn về thăm nhà lắm. Nhưng mỗi lần cháu về, mọi người đều dọn cho cháu ngồi ăn riêng, chén dĩa riêng, chỗ ngủ riêng... Khi cháu ăn xong là đem chén, đũa ném vào thùng rác...".

       Sơ Hương không ngần ngại kể cho tôi nghe sơ đã bị kim truyền dịch cho người AIDS đâm vào tay 2 lần, nhưng qua xét nghiệm máu sơ vẫn bình an. "Nếu người chăm sóc không ngại ngần, dám chạm tay vào người bệnh, ăn cùng người bệnh là đã giúp trẻ có niềm tin trở lại cuộc sống" - sơ tâm sự.

       Tôi đã phỏng vấn tiến sĩ Lê Trường Giang - Phó Chủ tịch UB Phòng, chống AIDS TPHCM về trẻ em bị nhiễm, ảnh hưởng bởi HIV/AIDS (VOC) đang bị kỳ thị ở cộng đồng, ông trả lời có vẻ chua xót: "Ngoài 3 nguyên nhân: Tình dục, ma tuý, mẹ - con, trên thế giới chưa thấy xuất hiện một ca nhiễm HIV từ những nguyên nhân khác. Thế nhưng, trẻ nhiễm HIV vẫn còn bị cộng đồng xa lánh quá. Họ vẫn coi đây là căn bệnh xã hội có vẻ ghê gớm lắm". 

       Tôi nghĩ, cũng không có vẻ bi quan như ông nói, may mắn là ở TP này vẫn còn những vòng tay, những nơi nương tựa cho trẻ VOC. Mái ấm Mai Tâm, Xuân Vinh, Diệu Giác, Tam Bình... vẫn ngày đêm âm thầm che chở cho trẻ VOC... Chính nơi ấy, những bờ vai của những nhà tình nguyện, sơ, ni cô đã chở che cho những số phận không may mặc dù chẳng biết ngày mai các cháu sẽ như thế nào...

 

Các thông tin cùng loại này
» Nơi hồi sinh những đứa trẻ “ma”
» “Người mẹ” đặc biệt của 32 cô nhi
» 103 cụ già trong ngôi chùa nhỏ
» Nhà sư “Thị Kính”
» Những trẻ mồ côi náu mình bên cửa Phật
» Dưới mái ấm Phật đường
  1  
 

CÔNG TY KHOA HỌC NĂNG LƯỢNG TÂM THỨC TOTHA
245 Trịnh Đình Trọng, P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM, VN - ĐT0909777929 - 0908883380 - 0909631630 - 0914359159 - Email:   phapluantotha@gmail.com

Copright 2009 www.totha.vn,
All rights reserved

Lượt truy cập: 18058870
Đang online : 24