Cho đến ngày 7.10, các cấp chính quyền và lực lượng chức năng ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam) mới tiếp cận được địa bàn thôn Đại Mỹ, xã Đại Hưng - tâm điểm tàn phá khốc liệt của bão lũ.
Đã gần 10 ngày nhưng người dân làng Đại Mỹ vẫn chưa hết bàng hoàng trước một trận bão lũ hãi hùng. Dòng sông Kôn hiền hòa bao năm nay, bây giờ thực sự trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân làng Đại Mỹ. Chỉ sau một cơn lũ, dòng sông đã đổi hướng ăn sâu vào ngôi làng, lấy đi của người dân tất cả những tài sản mà họ tích cóp được.
|
Đường bê tông kiên cố cũng bị tàn phá
|
Ngôi nhà của anh Phạm Văn Thạnh vừa mới hoàn thành cách đây chưa đầy 2 tháng được xem là ngôi nhà lớn nhất, kiên cố nhất trong thôn và là kết quả của sức lao động, toàn bộ tiền của trong bao nhiêu năm qua của vợ chồng anh, nhưng cơn lũ đã biến toàn bộ thành một đống gạch vụn hoang tàn, đổ nát. “Hết trơn rồi. Chừ còn chi nữa, vợ chồng, con cái phải sống nhờ bà con, người thì cho lon gạo, người thì cho cái nồi”. Không riêng gì gia đình anh Thạnh, ở làng Đại Mỹ còn nhiều hộ gia đình khác cũng rơi vào hoàn cảnh màn trời chiếu đất. Rất may là các ngôi nhà bị sụp đổ, cuốn trôi ấy đều không bị thiệt hại về người.
Về Đại Mỹ trong những ngày này, những dấu vết lưu lại của cơn lũ thật khủng khiếp. Cùng với hàng loạt nhà bị cuốn trôi, nhà đổ, xiêu vẹo, tốc mái... thì ở đây người dân phải đối mặt với một nỗi kinh hoàng khác đó là toàn bộ ngôi làng bị vùi lấp trong cát. Cả thôn Đại Mỹ có trên 240 hộ, nhưng đã có đến hơn 50% số hộ gia đình bị vùi lấp một lớp cát dày từ 1 đến 2 mét. Có nhà, cát đã vùi đến nóc. Dù người dân có nỗ lực đến mấy cũng khó có thể khắc phục được để ổn định cuộc sống trong một sớm một chiều.
|
Muốn vào nhà, người dân phải khom mình thế này - ành: H.T
|
Ông Văn Bá Lý, Bí thư Chi bộ thôn nói: “Trước mắt, thôn vận động bà con dựa vào nhau mà sống. Nhà nào may mắn còn được ít lúa gạo thì ăn dè xẻn, còn lại hỗ trợ bà con khác cầm hơi. Mất mát quá nhiều, bà con ở đây cũng không còn sức lực để ra đồng”.
Ông Mai Đình Lự, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Đại Lộc cho biết: “Trước mắt huyện vận động đoàn viên thanh niên giúp bà con dựng tạm lại mái nhà để che mưa, nắng, dọn dẹp đường sá để đi lại. Còn với đồng ruộng bị cát vùi lấp thì chỉ có thể huy động máy móc mới san ủi, cày lấp hết được. Về lâu dài, phải tính toán đến phương án di dời thôn Đại Mỹ đến một nơi khác, an toàn hơn”.
Báo Thanh niên 09/09/2009