Hàng chục năm trôi qua, bệnh tật hành hạ hết người này đến người khác mà chẳng tìm được nguyên nhân. Chiến tranh, bão lũ khiến người dân nơi đây baongười nghèo khó giờ càng thảm thương gấp bội phần.
Chuyện về ngôi làng có nhiều người bệnh tâm thần
Có một ngôi làng nhỏ ven bờ sông Trường Giang ngày đêm vẫn chứng kiến cảnh gào thét, đập phá của những cơn điên. Đó là xóm nghèo Tân Phú thuộc xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ - Quảng Nam). Với 275 hộ, hơn 1.000 nhân khẩu nhưng trong xóm có hơn 40 người mắc bệnh tâm thần, có gia đình bị đến 2, 3 người. Hàng chục năm trôi qua, bệnh tật hành hạ hết người này đến người khác mà chẳng tìm được nguyên nhân. Chiến tranh, bão lũ khiến người dân nơi đây baongười nghèo khó giờ càng thảm thương gấp bội phần.
Chị Bường và hai đứa con tâm thần Trần Thị Chung và Trần Văn Phúc
LÀNG “ĐẬP PHÁ” Về mảnh đất nghèo Tam Phú, dư âm khủng khiếp của cơn bão số 9 vẫn còn. Nhà cửa tan hoang, cây cối đổ rạp, người dân cố lượm lặt những mảnh tôn, viên gạch sót lại dựng tạm chỗ ở. Dẫn tôi đi mà tiếng thở dài của ông Huỳnh Tân - Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Tam Phú, đến nao lòng. “Bây chừ đã sửa chữa lại nên còn đỡ, chứ hôm trước quang cảnh hoang tàn, thảm hại hơn nhiều”, ông nói.
Con đường vào xóm còn lầy lội bùn đất nên chúng tôi đành cuốc bộ, cây cối ngả nghiêng chắn cả lối đi. Nhìn vào ánh mắt người dân, vẫn chưa hết bàng hoàng nỗi đau mất mát. Bao nhiêu chuyến hàng viện trợ, bao nhiêu tình thương của Đảng, nhà nước, nhân dân khắp mọi miền dành cho đất Quảng cũng chỉ chia sẻ phần nào mất mát, đau thương.
Đang đi tôi bỗng giật mình bởi một phụ nữ quần áo lấm lem, tóc tai rũ rượi từ đâu chạy ra: “Ối làng nước ơi mẹ tôi bị đánh! Đến! Đến nhanh lên không mẹ tôi chết mất!”. La hét xong người này chui tọt vào lùm cây trốn, gọi mãi cũng chẳng ra. Ông Tân nhìn tôi tỏ ý thông cảm: “Cảnh đó dân ở đây quen rồi, chẳng ngỡ ngàng như anh đâu. Cứ lên cơn là chạy ra đường vậy đó”. Hỏi ra mới biết, đó là chị Huỳnh Thị Thu (52 tuổi), con bà Nguyễn Thị Thương cách đấy mấy ngôi nhà. Chồng mất sớm, một mình bà nuôi hai con. Tưởng chừng con càng lớn, nỗi vất vả được vơi bớt, nào ngờ tai hoạ lại ập xuống người đàn bà gầy yếu, cong queo như cành củi khô.
Anh Nguyễn Hữu Kha và đứa con gái bị tâm thần Nguyễn Thị Sương
Bà kể, ban đầu thấy con gái có những triệu chứng bất thường, đôi lúc cười nói huyên thuyên, gặp ai cũng cười. Rồi một hôm đi làm về thấy con đập phá nhà cửa tan tành, chưa kịp can ngăn đã thấy nó lao vào mẹ cào cấu, cắn xé, lúc đó bà mới biết con mình bị điên. Nuốt nước mắt vào trong, bà chạy vạy vay mượn khắp nơi để chữa trị cho con nhưng bất lực. Đứa con trai thứ hai, Huỳnh Công Hà (SN 1961) là một thanh niên khoẻ mạnh, học giỏi có tiếng khắp huyện. Nhưng sau khi tốt nghiệp đại học, Hà về quê nhận công tác thì lại có những hành động bất thường như chị Thu trước đó. Hôm chúng tôi đến, anh Hà đang vác cái ghế duy nhất của nhà ra bửa làm củi. Tôi hỏi sao bửa ghế đi, anh hồn nhiên trả lời: “Nhà hết củi đun rồi, phá cái này cho má nấu cám heo”. Ngôi nhà tan nát, những vật dụng chẳng có cái nào nguyên vẹn, cánh cửa bị đạp tung nằm chỏng trơ dưới đất. Nước mắt lưng tròng, bà Thương nói như khóc: “Thích gì thì nó làm chứ má sức già có can được đâu, nói nhỏ nhẹ còn được chứ lớn tiếng nạt nộ là bị... đánh liền”. Ngày trước anh Hà ngoan hiền, từ khi bị bệnh trở nên khác hẳn, khi lên cơn điên chẳng ai can nổi. Tưởng chúng tôi tới cứu trợ bão lũ, anh nói dõng dạc: “Tui không nhận tiền, gạo mấy người cho đâu, có sức tui làm tui ăn, làm răng chết đói được”. Rồi anh lại quay ra hùng hục bửa cho xong cái ghế. Gạt nước mắt nhìn đứa con trai, bà Thương tự an ủi: “Trừ lúc lên cơn chứ bình thường nó thương má và chị lắm! Bà con hàng xóm nhờ gì nó cũng làm nhưng tuyệt đối không xin xỏ ai”.
Hàng ngày người ta vẫn thấy có cụ bà gần 80 tuổi, lầm lũi lặn ngụp dưới dòng sông Trường Giang mò cua bắt ốc nuôi hai đứa con điên dại. Thời gian trôi đi, tuổi già làm chân tay thêm run rẩy, nhưng bà cứ ước cho mình được sống thật lâu để nuôi các con: “Má mà chết thì ai nuôi chúng bây giờ. Người dại, miếng ăn bỏ vào miệng còn không biết nói chi đến làm”.
Khi chia tay, chị Thu và anh Hà được má gọi vào chào khách. Nhìn hai con bà Thương giơ tay vẫy vẫy rồi cười toe toét, lòng chúng tôi nhói lại. Không biết đến bao giờ người mẹ có tình yêu thương con vô hạn ấy được vui sướng, bình yên?
Người mẹ khắc khổ Nguyễn Thị Bường có ba đứa con bị bệnh tâm thần
TẬN CÙNG NỖI ĐAU Buổi chiều bầu trời Tam Phú xám xịt, gió biển thổi ràn rạt trên những căn nhà lá trống hoắc. Nhìn khuôn mặt ai cũng khắc khổ và buồn da diết. Đất đai cằn cỗi, canh tác khó khăn, người dân chủ yếu bám vào sông nước. Đàn bà cào hến, xúc tép, mò ốc, đàn ông thì chài lưới, giong ruổi đánh bắt xa bờ. Càng vào sâu trong xóm, không khí càng quạnh hiu, lạnh lẽo, lâu lâu đâu đó lại phát ra những tiếng cười điên loạn, găm vào tim người khách lạ.
Mới bước chân đến đầu ngõ nhà chị Bùi Thị Bường (52 tuổi), mẹ của ba đứa con bị bệnh tâm thần, đã nghe tiếng ầm ĩ. Mười năm nay, không lúc nào nhà chị được một giây phút bình yên. Người đàn bà gầy gò, khắc khổ đi làm về chưa kịp bỏ ống quần xuống thì em Trần Thị Chung (24 tuổi) chạy ra nũng nịu: “Má hứa mua búp bê cho con sao chừ không có? Con đợi má cả ngày rồi. Đi mua nhanh lên! Nhanh lên!”. Nói xong Chung nằm vật vạ xuống sân oà khóc nức nở, chị Bường phải dỗ: “Mai má mua cho, chừ trời tối họ bán hết rồi”. 24 tuổi nhưng Chung như đứa trẻ lên ba, suốt ngày chơi búp bê, làm trò với mấy đứa con nít. Trong nhà đồ đạc bay vù vù ra sân kèm theo tiếng đập phá. Chỉ tay vào gian buồng nơi Trần Văn Phúc (22 tuổi) đang lên cơn, chị nói như khóc: “Tháo xích thì nó ra ngoài ném đá, gây hoạ cho người ta, mà nhốt cả ngày thì không ai chăm nom. Nhưng phải đi làm kiếm gạo chứ ở nhà giữ chúng thì chết đói hết”.
Năm 1980, xuất ngũ từ chiến trường Campuchia trở về, anh Trần Văn Liệu (SN 1957) lập gia đình với chị Bường. Đến năm 1985 sinh được Chung, hai năm sau có thêm em Phúc. Niềm vui của họ chưa được bao lâu thì tai họa ập xuống. Khi cho con đi học, thấy chúng hầu như không có khả năng tiếp thu bài vở, anh chị không dám nghĩ con mình bị bệnh. Rồi vào một ngày, vợ chồng ôm nhau khóc khi nhìn cảnh hai đứa con lên cơn, sùi bọt mép, lăn lộn gào thét, đập phá, lúc vào can ngăn còn bị đánh lại. Nhà nghèo, một đứa tiền chữa trị cũng không có huống chi bị cả hai. Vay mượn khắp nơi, nợ chồng chất đưa con đi chữa trị mà bệnh tình vẫn không thuyên giảm.
Nỗi đau cũ chưa hết lại chồng thêm nỗi đau mới. Tuy có tỉnh táo hơn anh chị chút ít, nhưng mỗi khi lên cơn đứa con thứ ba Trần Văn Truyền (15 tuổi) cũng quậy phá không kém. Lúc cả ba đứa con cùng lên cơn, anh chị chỉ biết chắp tay vái lạy ông trời. Niềm hy vọng duy nhất của gia đình là con gái út Trần Thị Thiệt (12 tuổi) đang học lớp 6, nhưng cũng rất mong manh, không biết lúc nào số phận nghiệt ngã lại bổ xuống.
Ở tuổi gần đất xa trời nhưng cụ Nguyễn Thị Thương phải còng lưng nuôi hai đứa con tâm thần, bệnh tật
HIỆN TƯỢNG BÍ ẨN Hiện tượng bị bệnh tâm thần với số lượng lớn và ngày càng tăng ở làng Tân Phú đã nảy sinh nhiều giả thiết kỳ quái, gây hoang mang trong nhân dân. Có người kể rằng, trước kia làng có một ngôi đền, sau đó không biết do chiến tranh bom đạn hay người làng “mạo phạm” đập phá làm nhà cửa, sinh sống trên đất thiêng, khiến thần linh tức giận quở trách, mắng phạt, người trong làng bị điên hết người này đến người khác, các thế hệ sau của Tân Phú cũng phải gánh chịu. Rồi còn có những tin đồn thổi mang màu sắc mê tín, dị đoan như làng bị ma quỷ ám, những người bị tâm thần là đã được “chọn”. Vì vậy buổi tối ở Tân Phú, không khí trở nên âm u, vắng vẻ, chẳng đứa trẻ nào dám ra đường.
Bên cạnh những câu chuyện được thêu dệt vẫn có những giả thiết mang tính khoa học. Ông Võ Văn Linh - Bí thư thôn Phú Đông (cạnh Tân Phú, cũng có người bị tâm thần) cho rằng: Trong chiến tranh Tân Phú và Phú Đông là vùng đất bị nhiễm chất độc hóa học nghiêm trọng. Là địa bàn thấp trũng nên nhiều khả năng chất độc đã ngấm vào nước ngầm, ảnh hưởng đến nước ăn uống, sinh hoạt. Để khẳng định, ông Linh lấy trường hợp của chị Lê Thị Hạnh (43 tuổi), ngụ thôn Tân Phú làm chứng: Lúc chưa lập gia đình, chị Hạnh là người xã bên rất khỏe mạnh, nhưng sau khi lấy chồng về Tân Phú sinh được 3 con thì bỗng nhiên phát điên, suốt ngày lảm nhảm, đi lang thang rồi gói quần áo về nhà mẹ đẻ. Chồng chị là anh Trần Văn Minh (47 tuổi) vì thế mà buồn chán, sinh ra ốm đau nằm liệt giường, bỏ ba đứa con tội nghiệp cho mẹ là bà Hồ Thị Nhung (69 tuổi) già yếu trông nom.
Không chỉ tâm thần, ông Linh còn cho biết thôn còn có rất nhiều trường hợp trẻ em mắc các chứng bệnh do chất độc da cam/dioxin như bại liệt, câm điếc, dị dạng, mất trí nhớ, đục thủy tinh thể...
Ngoài những giả thiết trên, cụ Lê Văn Tăng (80 tuổi, người làng Tân Phú, chuyên nghiên cứu về phong thủy) cho rằng: khi xây dựng nhà cửa nhiều gia đình chủ quan không coi hướng đất, hướng nhà làm phá vỡ quy luật tương tác của thiên nhiên, mối quan hệ giữa gió và nước bị đảo lộn, ảnh hưởng trực tiếp tới con người và giống nòi.
Từ khi Tân Phú có người điên tới giờ đã có hàng loạt giả thiết khác nhau, nhưng chưa ai khẳng định đâu là nguyên nhân chính. Hàng chục năm qua, cái làng quê nghèo đói này rên xiết vì bệnh tật, khốn khó, số phận nghiệt ngã còn tiếp tục chực chờ, treo lơ lửng trên những gia đình bất hạnh. Hơn bao giờ hết Tân Phú cần có một cuộc nghiên cứu khoa học kỹ lưỡng từ cơ quan chức năng để tìm ra giải pháp giúp người dân thoát khỏi cảnh phập phồng, ám ảnh bởi căn bệnh quái ác.
CÔNG TY KHOA HỌC NĂNG LƯỢNG TÂM THỨC TOTHA 245 Trịnh Đình Trọng, P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM - ĐT: 0909777929 - 0908883380- 0909631630- Email: tothaho@gmail.com, phapluantotha@gmail.com