Lượng khí được dùng cho một cuộc phẫu thuật bất kỳ là khá nhỏ nên sự ấm dần lên toàn cầu không phải là lý do hợp lý để tẩy chay một thủ tục cần thiết như thế. Tuy nhiên, khí gây mê là những chất giữ nhiệt mạnh và lượng khí thải - dù rất nhỏ - từ 200 triệu quy trình y tế này mỗi năm cũng ngang ngửa với khí thải từ 1 triệu ô tô chở khách (hoặc một nhà máy điện vận hành bằng than đá). Ole John Nielsen, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu khí quyển Copenhagen (Đan Mạch), nói: "Giờ đây đã có những con số chính xác về tác động đối với khí hậu của các khí này và các bác sĩ nếu có thể, hãy chọn loại khí có tác động thấp nhất".
Nielsen và các cộng sự đã chọn nghiên cứu 3 trong số những loại khí phổ biến nhất được dùng gây mê là isoflurane, desflurane và sevoflurane. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân được cho hít hỗn hợp các khí này với ô-xy hoặc nitrous oxide. Nhưng cơ thể chúng ta chỉ chuyển hóa được một phần nhỏ trong số đó. Thay vào đó, hơn 95% lượng khí thoát vào môi trường.
Các nhà khoa học tính toán khả năng giữ nhiệt của khí bằng cách đo năng lượng hồng ngoại trong môi trường phòng thí nghiệm có kiểm soát. Các nhà nghiên cứu cũng tính toán xem mỗi loại khí đó tồn tại bao lâu khi nó được thả vào không khí. Nghiên cứu chỉ ra rằng, 1 kg khí gây mê có khả năng giữ nhiệt tương đương với 1.620 kg khí CO2.
Các chuyên gia Đan Mạch nói rằng kết quả nghiên cứu của họ, được công bố trên chuyên san British Journal of Anaesthesia, đã cung cấp dữ liệu đầu tiên về tác động của các loại khí này đối với môi trường. Theo Dan Jaffe, chuyên gia hóa học khí quyển tại Đại học Washington (Seattle, Mỹ): "Có một xu hướng bỏ qua vấn đề này vì cho rằng đó là một tác động nhỏ bé. Đúng vậy, nhưng đừng quên là biến đổi khí hậu được tạo thành từ hàng tỉ các ảnh hưởng nhỏ".
Jaffe nói thêm rằng 3 khí trên cũng có mức độ ảnh hưởng môi trường khác nhau. Sevoflurane, với khả năng lưu lại trong không khí dưới 2 năm, có vẻ như gây thiệt hại ít nhất. Desflurane, kéo dài gần 9 năm, có tác động lớn nhất